Cuộc gặp Trump-Kim mang tính biểu tượng và thiếu mục tiêu chung

05:30' - 07/07/2019
BNEWS Cuộc gặp Trump-Kim tại DMZ với những cử chỉ mang tính biểu tượng này là nền tảng để các cuộc đàm phán có thể tiến lên phía trước.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái). Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trang The Conversation (Australia) vừa đăng bài viết của tác giả Benjamin Habib, giảng viên Quan hệ Quốc tế tại Khoa Chính trị và Triết học của Đại học La Trobe (Australia), trong đó nhận định cuộc gặp ba bên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới đây chỉ mang tính biểu tượng, và chưa đề ra được một mục đích chung nào.

Theo tác giả bài viết, cuộc gặp ba bên hôm 1/7 tại Khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là một chương mới nhất về ngoại giao thượng đỉnh ở bán đảo Triều Tiên. Không ai có thể tưởng tượng một cuộc gặp như vậy chỉ 18 tháng trước đây. Đây là một sự kiện chưa từng có với việc các nhà lãnh đạo của Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên gặp nhau, đặc biệt là ở DMZ.

Một số nhà phê bình cho rằng cuộc gặp chỉ đơn thuần là một cơ hội chụp ảnh chung được thiết kế cẩn thận. Nặng về tính biểu tượng, cuộc gặp không có gì đáng kể và chỉ báo hiệu rằng các bên sẵn sàng bắt đầu lại quá trình đàm phán. Có một vài câu hỏi lớn chưa được trả lời. Câu hỏi đầu tiên là mục đích cuối cùng của các cuộc đàm phán là gì? Có phải Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc đang nói về cùng một điều khi họ nói tới "phi hạt nhân hóa"? Và mục đích cuối cùng của các cuộc đàm phán có phải là phi hạt nhân hóa, hay là về một giải pháp hòa bình vĩnh viễn để chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên?

Sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi tháng Hai vừa qua, một cơ hội chụp ảnh chung mang tính biểu tượng tại DMZ là một dấu hiệu đáng khích lệ rằng các bên vẫn muốn nói chuyện với nhau. Những cử chỉ mang tính biểu tượng này là nền tảng để các cuộc đàm phán có thể tiến lên phía trước, khi mà các bên đang bắt đầu từ sự không tin tưởng lẫn nhau. Nếu không kiên trì xây dựng được mối quan hệ "nhà nước với nhà nước" này, Mỹ và Triều Tiên sẽ không bao giờ đạt đến giai đoạn mà hai bên có thể thảo luận các vấn đề quan trọng hơn.

Biểu tượng cũng có ý nghĩa quan trọng đối với công chúng ở cả ba quốc gia. Đối với Mỹ và Hàn Quốc, xây dựng sự ủng hộ của công chúng trong nước là chìa khóa cho việc phê chuẩn cuối cùng đối với bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai.

Cũng cần đặt cuộc gặp này vào bối cảnh thích hợp. Trong cuộc gặp, Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc có lợi ích không giống nhau. Về phía Mỹ, mục tiêu "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược" (CVID) là nền tảng của chính sách Mỹ đối với Triều Tiên qua các chính quyền kế tiếp nhau kể từ năm 2002. Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên được coi là mối đe dọa đối với uy quyền vũ khí hạt nhân của Mỹ, và bất cứ quốc gia nào khác muốn tìm cách phát triển năng lực vũ khí hạt nhân của riêng mình cũng sẽ bị coi là mối đe dọa như vậy. Một Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân cũng thể hiện sự giảm sút quyền lực của Mỹ với tư cách là một cường quốc khu vực và toàn cầu.

Mục tiêu CVID thể hiện rõ trong cam kết của Chính phủ Mỹ đối với việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, mặc dù có bằng chứng cho thấy cho đến nay mục tiêu này vẫn chưa đạt được và Tổng thống Trump có thể sẵn sàng hy sinh mục tiêu này để đạt được một thỏa thuận với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trong khi đó, cách giải thích của Triều Tiên về một Triều Tiên không có hạt nhân bao gồm cả việc từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân của tất cả các cường quốc hạt nhân, trong đó có cả Mỹ.

Với suy nghĩ này, chính quyền Kim Jong-un đang cam kết về một quá trình đàm phán mà từ đó nước này có thể nhận được những nhượng bộ. Ông Kim có mục tiêu riêng là hiện đại hóa nền kinh tế đất nước, điều này rất quan trọng đối với tính hợp pháp và tuổi thọ của chính quyền Kim Jong-un. Chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng được phát triển như một chiếc ô an ninh, nhờ đó chính quyền có thể tiến lên với hiện đại hóa kinh tế, đồng thời giảm thiểu nguy cơ sụp đổ nhà nước. Do đó, Triều Tiên có khả năng tìm kiếm việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế và hỗ trợ kinh tế trong các cuộc đàm phán với Mỹ.

Cách đạt được các mục tiêu này là kéo dài quá trình đàm phán càng lâu càng tốt, qua đó Triều Tiên có thể đạt được các nhượng bộ nhỏ, từng bước. Lợi ích khác liên quan đến khả năng mở cửa Triều Tiên cho đầu tư nước ngoài. Động lực hiện đại hóa kinh tế của ông Kim sẽ đem lại các cơ hội tham gia phát triển cơ sở hạ tầng cho nhà đầu tư nước ngoài một khi các cuộc đàm phán chính trị ấm lên. Cuộc đua để đầu tư và phát triển Triều Tiên đã bắt đầu xuất hiện, với các công ty Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga tranh giành nhau để được tham gia vào không gian còn chưa được khai thác này.

Đối với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trước hết, ông coi chiến lược đàm phán với Triều Tiên là một phần trong nỗ lực hội nhập Bắc Á rộng lớn hơn của Hàn Quốc thông qua các mối liên kết kinh tế và cơ sở hạ tầng, như đường ống dẫn khí, kết nối đường sắt, cảng biển, tích hợp lưới điện khu vực, tuyến đường vận chuyển Bắc cực, đóng tàu, trao đổi lao động, và phát triển các dự án nông nghiệp và thủy sản. Các nội dung này đã được đề cập trong Tuyên bố Panmunjom hồi năm ngoái, trong đó có nhắc tới khả năng mở ra các hành lang đường sắt và đường bộ đi qua khu phi quân sự.

Một thỏa thuận hòa bình, hoặc ít nhất là một quá trình đàm phán hướng tới mục tiêu đó, là chìa khóa kỳ diệu có thể mở ra khả năng phát triển cơ sở hạ tầng ở Triều Tiên. Điều này sẽ giúp dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đang gây trở ngại cho hoạt động đầu tư và giảm rủi ro chính trị và kinh tế cho các nhà đầu tư.

Yếu tố cuối cùng liên quan đến bản thân ông Trump. Cách tiếp cận theo phong cách doanh nhân của ông đối với ngoại giao và xu hướng "làm chính sách qua Twitter" khác hẳn so với các hoạt động ngoại giao lâu đời của Mỹ, cả về phong cách và thực chất. Khát khao của ông Trump muốn đạt được một thỏa thuận với ông Kim đã đưa ông tiến gần tới ngưỡng từ bỏ mục tiêu của Mỹ về CVID của Triều Tiên. Mặc dù người ta có thể cho rằng CVID là một ảo tưởng, nhưng việc ông Trump sẵn sàng nhượng bộ trên mặt trận này khiến ông bất hòa với nhiều người trong chính quyền của mình và trong chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của Mỹ. Điều này lý giải cho việc vắng mặt đáng chú ý của một người trong đoàn tùy tùng của ông Trump tới Hàn Quốc - Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, người được phái đến Mông Cổ trong thời gian đó. Lập trường cứng rắn của ông Bolton đối với Triều Tiên ai cũng biết, vì vậy sự vắng mặt của ông là rất đáng chú ý.

Can dự với Triều Tiên là cách thức hết sức phù hợp trong bối cảnh hiện nay trên bán đảo Triều Tiên với nguy cơ leo thang xung đột cao. Tuy nhiên, để sự can dự này được tiếp tục, các bên cần thỏa thuận một mục đích chung để tiếp tục đàm phán. Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo tại DMZ mới đây chỉ cho thấy lợi ích của Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên còn cách nhau bao xa, và còn bao nhiêu việc phải làm để xây dựng lòng tin và tìm kiếm một mục tiêu chung cơ bản. Đó là tất cả những gì mà những cái bắt tay biểu tượng đạt được. Các bên vẫn cần phải làm việc để hướng tới một điều gì đó cụ thể hơn để tiếp tục quá trình hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục