Cuộc chiến streaming giữa những “người khổng lồ”

07:16' - 26/11/2019
BNEWS Nước Mỹ từng chứng kiến sự bùng nổ đầu tư ngoạn mục, như vào ngành đường sắt trong những năm 1860, ngành công nghiệp ô tô ở Detroit vào những năm 1940 hay ngành dầu khí trong thế kỷ này.

Cuộc chiến streaming giữa những “người khổng lồ”. Ảnh: Reuters

Dưới tựa đề: “Netflix, Disney và cuộc chiến giành quyền kiểm soát nhãn cầu (của khán giả)”, tuần báo The Economist của Anh đã đặt câu hỏi ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc chiến truyền thông tranh giành thị trường phim ảnh trực tuyến (streaming), đặc biệt sau sự nhập cuộc mới đây của “gã khổng lồ” trong lĩnh vực giải trí Disney, với dịch vụ Disney+ vừa ra mắt của mình.

Theo The Economist, nước Mỹ đã từng chứng kiến nhiều sự bùng nổ đầu tư ngoạn mục, như vào ngành đường sắt trong những năm 1860, ngành công nghiệp ô tô ở Detroit vào những năm 1940 hay ngành dầu khí trong thế kỷ này. Thế nhưng, giờ đây, cơn sốt đang lên không liên quan gì đến sắt và cát, mà lại xoay quanh kịch bản, âm thanh, màn hình và các nghệ sĩ tên tuổi.

Trong tuần qua, Disney đã ra mắt dịch vụ chiếu phim trực tuyến Disney+ với “sự ủng hộ tuyệt vời từ khách hàng” khi đạt 10 triệu lượt đăng ký trong ngày đầu tiên. Chỉ với 6,99 USD/tháng, người xem có thể truy cập khoảng 500 bộ phim điện ảnh cùng 7.500 tập phim truyền hình các thể loại, cũng như các chương trình truyền hình khác.

Đây là một trong những lý do mà Disney+ ăn khách khi có giá hợp lý hơn so với mức 13 USD từ gói dịch vụ chiếu phim trực tuyến của ESPN và Hulu. 

Như vậy, với 10 triệu lượt đăng ký dịch vụ trong ngày đầu tiên, Disney+ đã nhanh chóng bước chân vào hàng ngũ “những ông lớn” của loại hình giải trí hiện đại này. Hiện thị trường đang có những cái tên nổi danh khác như Netflix, Prime Video của Amazon, AppleTV+ của Apple hay sắp tới là HBO Max.

Hồi tháng Tư vừa qua, Walt Disney từng công bố mục tiêu đạt 60 tới 90 triệu lượt đăng ký trong giai đoạn từ nay tới năm 2024. Tuy nhiên, với lần ra mắt vượt mong đợi này, chuyên gia phân tích Daniel Ives của công ty Webbush cho biết Disney+ có thể đạt mục tiêu sớm hơn hai năm. 

Nhìn rộng ra toàn thị trường, vào lúc mô hình kinh doanh do Netflix khai mở được hàng chục đối thủ sao chép, đã có hơn 700 triệu người đăng ký trả tiền xem video trực tuyến trên toàn thế giới. Khoảng 100 tỷ USD được đầu tư vào việc soạn thảo nội dung các bộ phim trong năm 2019, tương đương với khoản rót vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ.

Tổng cộng, ngành công nghiệp giải trí đã chi ít nhất 650 tỷ USD cho việc mua lại và soạn thảo chương trình trong 5 năm trở lại đây. Theo The Economist, công nghệ và ý tưởng mới đã làm rung chuyển ngành âm nhạc, trò chơi điện tử và bây giờ đến lượt ngành truyền hình.

Ngày nay, nhiều người cho rằng các thay đổi kinh tế đã khiến tình trạng cuộc sống ngày càng xấu đi, khi công ăn việc làm bị mất đi, con người bị gạt ra bên lề xã hội hoặc sống trong sự kềm tỏa độc đoán của thế giới ảo bắt nguồn từ các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội.

Tuy nhiên, theo tuần báo Anh, sự bùng nổ của trào lưu video trực tuyến cũng là một dấu hiệu cho thấy một thị trường năng động có thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng với các dịch vụ có giá thấp hơn và chất lượng tốt hơn.

Cho đến nay, chính phủ các nước không có vai trò gì nhiều trong việc thúc đẩy thị trường này phát triển. Nhưng khi nó đạt đến đỉnh điểm, nhà nước sẽ có một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thị trường vẫn mở và sôi động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục