Cuộc chiến đẩy lùi thảm hoạ rác thải nhựa

05:30' - 04/05/2019
BNEWS Rác thải nhựa đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối được nhiều quốc gia, người tiêu dùng và các thương hiệu quan tâm trong những năm trở lại đây.

No Title

Cuộc chiến đẩy lùi thảm họa rác thải nhựa. Ảnh: TTXVN phát

Trong khi cuộc chiến đẩy lùi loại rác thải gây ô nhiễm môi trường này đang tạo ra những thách thức không nhỏ, buộc các thương hiệu phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình, thì rất nhiều cơ hội đã được mở ra để các nhà khai thác tận dụng nhu cầu sử dụng chất liệu thay thế.

* Sự vào cuộc của chính quyền, doanh nghiệp và chính người tiêu dùng

Để hưởng ứng xu hướng này, xêri phim tài liệu The Blue Planet (Hành Tinh Xanh) của hãng BBC đã được lên sóng từ tháng 12/2001 nhằm phản ánh những thiệt hại mà chất thải nhựa gây ra cho môi trường.

Trong khi đó, các quốc gia cũng đang tập trung vào vấn đề này và cam kết mở rộng lệnh cấm sử dụng túi nylon tới các nhà bán lẻ nhỏ cũng như các cơ quan chính phủ. 

Kết quả cho thấy nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần đã thay đổi. Theo một nghiên cứu của hãng Kantar Worldpanel, khoảng 44% người tiêu dùng nói rằng gần đây họ đã trở nên quan tâm hơn về nhựa dùng một lần, trong khi 70% cho biết họ có kế hoạch thay đổi hành vi của mình, và 34% số người được hỏi nói họ rất vui khi chuyển sang các lựa chọn thay thế khác, chẳng hạn như một chiếc cốc cà phê có thể tái sử dụng.

Mới đây nhất, một siêu thị ở Thái Lan đã dùng phương pháp “lạ mà quen” để giảm số rác thải nhựa không tốt cho môi trường, đó là gói rau củ bằng lá chuối. Hình ảnh được tài khoản Facebook Perfect Homes chia sẻ cho thấy các loại rau, đậu, ớt, dưa leo… được bọc lại bằng lá chuối tại siêu thị Rimping ở Chiang Mai.

Tài khoản này cho biết thêm dù siêu thị Rimping không hoàn toàn sử dụng lá chuối để thay thế túi nylon 100%, nhưng đây là một bước tiếp cận đúng đắn hướng tới việc giảm thiểu rác nhựa.

Trước đó, các chuỗi cửa hàng cà phê lớn trên thế giới bao gồm Costa, Starbucks và Pret A Manger đều cam kết thực hiện trách nhiệm của mình bằng cách giảm giá cho những khách hàng mang cốc tái sử dụng tới, trong khi các chuỗi cửa hàng đồ ăn, đồ uống như Pizza Express, JD Wetherspoon và All Bar One đều đã cấm sử dụng ống hút nhựa tại các nhà hàng của mình.

Các siêu thị cũng tuyên bố sẽ cắt giảm lượng rác thải nhựa, trong khi một loạt thương hiệu lớn như Coca-Cola và Evian cũng đã cam kết các sản phẩm của họ được làm từ nhựa tái chế. 

Tháng 7/2018, Starbucks đã trở thành chuỗi cà phê đầu tiên ở Vương quốc Anh áp dụng thu phí "latte levy", một khoản phí trị giá 5 xu Anh (6.081 đồng) được tính vào giá của một loại đồ uống nóng nhằm giảm thiểu việc lạm dụng cũng như lãng phí khi có tới 2,5 tỷ chiếc ly cà phê dùng một lần được tiêu thụ mỗi năm. Sau giai đoạn thử nghiệm thành công kéo dài ba tháng tại London, Starbucks cho biết sẽ triển khai sáng kiến này đến tất cả 950 cửa hàng tại Anh từ ngày 26/7/2018.

* ... đã mở ra những cơ hội kinh doanh mới 

Trong khi tranh cãi về việc liệu các doanh nghiệp có thể tiếp tục đi xa hơn trong cuộc chiến nhằm chống lại rác thải nhựa vẫn chưa đến hồi kết, giới quan sát lại chú ý đến cơ hội mà cuộc chiến này có thể mang lại đối với các sản phẩm có thể thay thế cho nhựa sử dụng một lần. 

Từ đầu năm 2018, Paul Gibson - người sáng lập ra thương hiệu ống hút làm bằng inox thân thiện với môi trường Turtle Savers (tạm dịch là Chiến dịch cứu lấy những chú rùa) đã nhận ra khoảng trống về nguồn cung trên thị trường sau khi nghe một đoạn radio về các quán cà phê và doanh nghiệp địa phương cam kết cấm sử dụng các sản phẩm nhựa một lần.

Ống hút là một trong những nguồn chất thải nhựa lớn nhất, với khoảng 8,5 tỷ ống hút bị vứt bỏ mỗi năm chỉ tính riêng ở Vương quốc Anh.

Ông Gibson cho biết: “Tôi đã so sánh thị trường ở Mỹ và Anh bằng cách sử dụng các công cụ phân tích khác nhau và thấy rằng có sự thay đổi trong nhận thức của những người không muốn sử dụng các sản phẩm nhựa một lần. Chúng tôi coi đó không chỉ là cơ hội để tạo dựng một thương hiệu mà còn để làm điều gì đó ý nghĩa cho xã hội”.

Từ đó, ông Gibson bắt đầu sản xuất ống hút bằng inox với hy vọng người dùng sẽ tạo ra sự lan toả trên phương tiện truyền thông xã hội bằng cách sử dụng hashtag #turtlesavers. Ống hút Turtle Savers được phân phối đến người tiêu dùng thông qua các kênh bán hàng như Amazon và Facebook Marketplace. Sắp tới, ông Gibson sẽ lên kế hoạch ra mắt tại các thị trường Anh, Canada, Mỹ và Australia.

Trong giai đoạn từ tháng 2-8/2018, các tìm kiếm về ống hút kim loại đã tăng 205% trên trang mua sắm Etsy, trong khi tìm kiếm về ống hút nhựa giảm 11%. Turtle Savers hy vọng sản phẩm ống hút inox sẽ là một thương hiệu được người tiêu dùng đón nhận trên thị trường. 

Bên cạnh đó, người đứng đầu Turtle Savers cũng cho biết cần phải tận dụng truyền thông xã hội để xây dựng thương hiệu, hoặc thậm chí tạo ra một phong trào thông qua một hình ảnh hoặc một hashtag.

Ngoài Turtle Savers, công ty cốc cà phê tái sử dụng KeepCup ra mắt tại Melbourne năm 2009 đã mở rộng sang thị trường Anh quốc vào năm 2012. Hiện tại, doanh số bán của KeepCup là hơn 8 triệu cốc, trong khi hoạt động kinh doanh đã tăng gấp đôi kể từ khi ra mắt.

Giám đốc quản lý tiếp thị tại thị trường Vương quốc Anh của KeepCup Emma Padwick khẳng định rằng cuộc tranh luận về rác thải nhựa đã thực sự thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhằm tìm ra những sản phẩm mũi nhọn để đón đầu thị trường. Sự thay đổi ở Vương quốc Anh đang diễn ra bởi khách hàng đang đòi hỏi sự thay đổi và KeepCup đang tìm cách tận dụng những động lực đó, ông Padwick chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục