Cuộc chiến chống chuyển giá - Bài 2: Hệ lụy khó lường

16:58' - 16/10/2018
BNEWS Chuyển giá làm xói mòn cơ sở thuế của nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia có thuế suất thu nhập doanh nghiệp cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhìn ở góc độ quản trị tài chính doanh nghiệp thì chuyển giá hay tránh thuế là một nghệ thuật trong kinh doanh, nhưng ở khía cạnh thuế khóa thì nó làm cho môi trường thuế trở nên thiếu lành mạnh và không công bằng.

Đặc biệt, chuyển giá làm xói mòn cơ sở thuế của nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia có thuế suất thu nhập doanh nghiệp cao.
*Doanh nghiệp nhỏ “cõng” thuế tập đoàn lớn
Theo Oxfam (Liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công), thực tế người dân và những doanh nghiệp nhỏ đang phải “cõng” gánh nặng thuế thay cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Người dân và những doanh nghiệp nhỏ đang phải “cõng” gánh nặng thuế thay cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Ảnh minh họa: TTXVN

Năm 2017, ở Đông Âu, 11 tập đoàn lớn nhất chiếm tới 25% GDP, nhưng chỉ đóng góp 2% thuế doanh nghiệp. Tại Mỹ La Tinh, năm 2015 có tới 50% nguồn thu thuế đến từ thuế tiêu dùng do người dân nộp, gấp 8 lần số thu từ thuế trực thu trên tài sản của người giàu. Hay tại Việt Nam, khối doanh nghiệp FDI chiếm 45,9% lợi nhuận, nhưng tiền thuế thu được lại thấp nhất trong các thành phần kinh tế.
Theo ước tính của OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) trong năm 2016 cho thấy, thuế suất hiệu dụng mà các công ty đa quốc gia phải chịu thấp hơn trung bình từ 4 đến 8,5 điểm phần trăm so với các công ty thông thường khác.

Trong khối OECD và G20 (Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới), tỷ lệ này dao động từ 4 - 10% tổng doanh thu thuế, tương đương từ 100 - 240 tỷ USD.
Các nhà hoạch định chính sách của các nước, bao gồm Việt Nam luôn nỗ lực phòng chống hoạt động "né" thuế thông qua chuyển giá của các doanh nghiệp, nhưng theo Oxfam, các nước đang phát triển; trong đó có Việt Nam đang bị thất thu khoảng 100 tỷ USD/năm do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia.
Theo giới học giả, chuyển giá làm xói mòn cơ sở thuế của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có thuế suất thu nhập doanh nghiệp cao. Để tối đa hóa lợi nhuận của cả tập đoàn, các tập đoàn đa quốc gia thực hiện nhiều nghiệp vụ chuyển giá nhằm tối thiểu hóa các khoản thuế phải nộp cho các quốc gia.
Bằng cách chuyển dịch lợi nhuận từ những quốc gia có thuế suất cao sang những quốc gia có thuế suất thấp, các tập đoàn đa quốc gia đã tiết kiệm được số thuế phải nộp đáng kể.
Một nghiên cứu của Mạng lưới Công lý Thuế ước tính, khoảng 660 tỷ USD lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu đã được hoán chuyển trong năm 2015.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Zucman thuộc Trường Kinh tế London, năm 2015 khoảng 8% tài sản của thế giới, tương đương 7.600 tỷ USD đã ẩn vào các nơi trú ẩn thuế ở nước ngoài.
Khắc phục vấn đề này, nhiều quốc gia đã phải tìm cách cắt giảm thuế suất không chỉ áp dụng đối với các tập đoàn đa quốc gia mà bất kỳ doanh nghiệp nào trong nền kinh tế. Như vậy, các doanh nghiệp khác, kể cả các doanh nghiệp nội địa cũng được hưởng lợi từ chính sách cắt giảm thuế suất này.

Tuy nhiên, nhìn ở phương diện thuế thì chính sách cạnh tranh giảm thuế sẽ làm xói mòn cơ sở thuế của nhiều quốc gia. Hệ quả của sự xói mòn cơ sở thuế này là làm suy yếu nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến các chính sách chi tiêu ngân sách, thâm hụt và nợ công.
Vấn đề này ở các nước đang phát triển và mới nổi là khá nghiêm trọng bởi nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp nội địa ở các nước đang phát triển thường khá hạn chế và được kỳ vọng ở các doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp đa quốc gia nói riêng.

Dẫu vậy, trên thực tế đóng góp nguồn thu từ khu vực FDI đối với các nước đang phát triển không như mong đợi. Trong khi đó, nhu cầu chi ngân sách và đầu tư công ở các nước đang phát triển là rất lớn, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng và logistics (các khoản đầu tư này cũng phục vụ cho các doanh nghiệp FDI) khiến các nước phải đi vay và kéo theo gánh nặng nợ công quá mức.
Trước sức ép cạnh tranh, các nước đang phát triển cũng khó đứng ngoài "cuộc đua" giảm thuế suất. Nhưng do sự xuất hiện ngày càng nhiều nơi trú ẩn thuế với mức thuế suất bằng 0 khiến nỗ lực cắt giảm thuế của nhiều nước trở nên vô nghĩa.
Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam, chuyển giá được nhiều người xem là hành vi vô trách nhiệm vì nó xem nhẹ vai trò của các bên liên quan, những bên có đóng góp vào sự thành công của doanh nghiệp như Chính phủ, người lao động ở nước sở tại.
* Bóp méo thị trường
PGS, TS Phan Duy Minh, nguyên Phó Giám đốc trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Kiểm toán Nhà nước) cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút FDI cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hàng năm Việt Nam đã dành ra khoản kinh phí lớn để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng thông qua việc vận hành hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính... nhằm hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp.
Theo ông Minh, với quy luật thông thường của nền kinh tế thị trường “ai hưởng lợi phải trả tiền” thì đáng lẽ thu được lợi nhuận, doanh nghiệp FDI phải trích một phần để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp FDI trốn tránh được thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi các doanh nghiệp thuộc các thành phần khác phải nộp đầy đủ thuế thu nhập doanh nghiệp cho Nhà nước là không công bằng,” ông Minh nhìn nhận và cho rằng chuyển giá đã tạo ra sự bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh, bóp méo thị trường.

Cc doanh nghiệp FDI thường được hưởng nhiều ưu đãi hơn. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Theo ông Minh, các doanh nghiệp FDI thường được hưởng nhiều ưu đãi hơn về điều kiện kinh doanh như ưu đãi về giá thuê đất, vị trí kinh doanh thuận lợi, ưu đãi thuế nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, thiết bị, công nghệ…
Cũng do trốn tránh được một khoản đáng kể thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp FDI sẽ mạnh tay hơn trong việc chi cho quảng cáo, tiếp thị, chiết khấu… cao hơn. Những biện pháp này là để nhằm tăng sức cạnh tranh, nhưng trở thành chèn ép nhiều loại hình doanh nghiệp khác.
Không ít doanh nghiệp FDI đã cố tình hạ thấp giá bán sản phẩm, khuyến mại vô lý khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuộc các thành phần khác rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí là phá sản..., ông Minh bày tỏ.
Đồng quan điểm, PGS, TS. Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, hoạt động chuyển giá tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế. Mặc nhiên, khi một doanh nghiệp được hưởng lợi về nghĩa vụ thuế thông qua hành vi chuyển giá, doanh nghiệp này sẽ thu lợi cao hơn những doanh nghiệp khác có cùng điều kiện nhưng không thực hiện hành vi chuyển giá.
Ngoài ra, với việc được lợi nhờ chuyển giá, các doanh nghiệp này có thể mua nguyên liệu đầu vào với giá cao làm cho các doanh nghiệp khác không thể mua được nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy các doanh nghiệp khác vào tình trạng khó khăn thậm chí phá sản./.
>>> Cuộc chiến chống chuyển giá - Bài 3: “Sống chung”... nhưng không khoan nhượng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục