Cung cấp dịch vụ tài chính cho người nghèo bằng công nghệ kỹ thuật số

12:42' - 14/11/2018
BNEWS Ngày 14/11, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Công ty MicroSave tổ chức lễ phát động Chương trình “Đổi mới - Thực hiện - Tác động” (gọi tắt là i3).

Chương trình i3 với mục tiêu xây dựng và cung cấp các dịch vụ tài chính cho thị trường đại chúng bằng cách sử dụng các công nghệ kỹ thuật số với những hiểu biết chuyên sâu về nhu cầu, nguyện vọng và hành vi cho người thu nhập thấp và trung bình. Chương trình i3 hy vọng sẽ tạo ra sự tác động trực tiếp cho ít nhất 400.000 khách hàng có thu nhập thấp và trung bình.

Ngân hàng Chính sách Xã hội và công ty MicroSave ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về mặt kỹ thuật. Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN

Trong khuôn khổ Chương trình i3, nhằm tiếp tục phát triển tài chính toàn diện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội và công ty MicroSave ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về mặt kỹ thuật dựa trên sự thống nhất về các nội dung công việc sẽ thực hiện dự án Mobile Banking giai đoạn 2 mà Ngân hàng Chính sách Xã hội đang triển khai cùng với Quỹ Châu Á và MasterCard. Tổng chi phí công ty MicroSave hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn dự kiến là 500.000 USD.
Trước đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã triển khai thành công dự án Mobile Banking giai đoạn I với dịch vụ gửi tin nhắn thông báo qua điện thoại di động khách hàng thông tin về thay đổi số dư tài khoản, đối chiếu dư nợ khoản vay và số dư tiền gửi, nhận được báo nhắc nợ đến hạn... mà không phải đến chi nhánh ngân hàng và không phải mất phí; giúp khách hàng chủ động quản lý, kiểm soát dòng tiền và chủ động lên kế hoạch trả nợ.

Quang cảnh buổi tổ chức lễ phát động Chương trình “Đổi mới - Thực hiện - Tác động”. Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN

Đồng thời, dự án giúp cung cấp thông tin kịp thời đến khách hàng, tăng cường tính minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, cũng như bước đầu giúp khách hàng tại nông thôn làm quen với công nghệ số, tạo nền tảng quan trọng để Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục mở rộng phạm vi dịch vụ, qua đó trong tương lai cho phép khách hàng có thể thực hiện chuyển tiền, thanh toán qua dịch vụ ngân hàng di động. Đó cũng chính là mục tiêu của dự án trong thời gian tới.
Ông Bùi Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội nhận định: “Với mục tiêu “không để cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bỏ qua người nghèo”, ngân hàng mong muốn nâng cao kiến thức tài chính kỹ thuật số cho người nghèo, giúp những người khó tiếp cận với dịch vụ ngân hàng tiếp cận đầy đủ dịch vụ tài chính kỹ thuật số, thúc đẩy các cơ hội kinh tế cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và các doanh nghiệp siêu nhỏ do phụ nữ lãnh đạo".
Thông qua chương trình i3, MicroSave đã hợp tác với các ngân hàng, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính di động, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác đang sử dụng công nghệ để xây dựng các sản phẩm dịch vụ đặc biệt cho những người không được tiếp cận và không được bảo hiểm về tài chính của Việt Nam.
Chương trình kéo dài 3 năm, được sự tài trợ bởi quỹ MetLife, đang được triển khai trên 4 quốc gia châu Á; trong đó MicroSave thực hiện tại Bangladesh và Việt Nam; hai quốc gia còn lại là Trung Quốc và Malaysia do Quỹ Phát triển vốn của Liên hợp quốc (UNCDF) thực hiện.
Ông Gaurav Sharma, Tổng giám đốc Công ty bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife nhận định: “Đây là thời điểm thích hợp và là cơ hội hoàn hảo để đảm bảo sự tăng trưởng hợp lý. Quỹ MetLife rất phù hợp với ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện tình hình tìa chính của những người có thu nhập thấp đến trung bình và chương trình i3 là một ví dụ tuyệt vời về điều đó. Chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra một tác động tích cực đến tài chính của 2 triệu người trên khắp Việt Nam với sáng kiến này".
Ông Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là tận dụng thành tựu công nghệ của cuộc các mạng công nghiệp 4.0 trong việc số hoá hoạt động ngân hàng, tạo kênh tiếp cận tài chính nhanh nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Sản phẩm tài chính vi mô được tiếp cận trên nền tảng công nghệ số sẽ rất tiện lợi cho người dân vùng sâu vùng xa, đó cũng là giải pháp chính để đưa trụ cột tài chính vi mô ở Việt Nam trở thành hiện thực trong chiến lược tài chính toàn diện quốc gia mà Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng./.
Xem thêm:

>>Trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn ưu đãi học tập

>>Giúp người nghèo làm quen với công nghệ số

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục