Cuba đối phó ra sao nếu nguồn cung năng lượng từ Venezuela gián đoạn?

05:30' - 12/04/2019
BNEWS Cuba có thể phải chi gần 2 tỷ USD hàng năm để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu nếu Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát thành công trong việc chấm dứt gửi dầu cho La Habana như lời đe dọa mới đây.
Cuba đối phó ra sao nếu nguồn cung năng lượng từ Venezuela gián đoạn? Ảnh minh hoạ: AFP

Mặc dù khả năng này vẫn xa vời khi quyền kiểm soát vẫn nằm trong tay Chính phủ của Tổng thống Nicolás Maduro, song đây là sẽ là đòn đánh mạnh vào nền kinh tế Cuba nói chung trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt thanh khoản của La Habana từ vài năm qua không còn là bí mật và trở nên trầm trọng trong năm nay, gây ra tình trạng thiếu thốn cục bộ nhiều hàng hóa cơ bản.
Trả lời phỏng vấn trang Nuevo Herald, ông Jorge Piñón, Giám đốc chương trình Năng lượng cho Mỹ Latinh thuộc trường Đại học Texas tại Austin, Mỹ, cho hay nhu cầu dầu mỏ nội địa của Cuba là khoảng 130.000 thùng/ngày, trong đó nước này tự sản xuất được 50.000 thùng/ngày. Do vậy Cuba cần có thêm 80.000 thùng để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu mỗi ngày trong nước.
Chuyên gia này đánh giá, Cuba chỉ có đủ nguồn dự trữ nhiên liệu cho khoảng 45 ngày. Do đó nếu nguồn cung dầu mỏ từ Caracas bị cắt, La Habana sẽ phải chi gần 5,2 triệu USD mỗi ngày để mua dầu theo giá thị trường quốc tế với mức giá 65 USD/thùng. 
Như vậy, Cuba, một nền kinh tế có mức tăng trưởng không tới 2%/năm, và thậm chí còn thấp hơn theo các đánh giá độc lập khác, sẽ cần chi 2 tỷ USD mỗi năm để có thể đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong nước.
Hiện mỗi ngày Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) gửi 40.000-50.000 thùng dầu/ngày sang Cuba – số lượng này chỉ bằng gần 1/2 so với thời gian trước khi Venezuela rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị - nhưng vẫn mang tính quan trọng chiến lược đối với Cuba.
Trong những năm gần đây, cùng với xu hướng giảm dần lượng dầu từ Venezuela gửi sang, Chính phủ Cuba cũng đã tiến hành một loạt các biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, giảm bớt nhập khẩu, kể cả lương thực, trong khi chịu sức ép ngày càng tăng về thanh khoản trả lãi suất tín dụng và nợ đáo hạn. 
Nếu thực sự nguồn cung dầu thô từ PDVSA bị ngưng, La Habana sẽ buộc phải cắt giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa hơn nữa và có nguy cơ quay trở lại với chính sách cắt điện luân phiên vì những nỗ lực sản xuất điện tại các công viện điện Mặt Trời trên toàn hòn đảo này vẫn còn xa mới đủ để đáp ứng toàn bộ nhu cầu của cả nước.
Theo chuyên gia trưởng Đại học Texas này, trong bối cảnh nhiều nguy cơ bất ổn tiềm ẩn, Chính phủ Cuba dường như cũng đã có sự chuẩn bị về giải pháp cho vấn đề này, bằng chứng là La Habana đang tiến hành mua dầu tại các thị trường khác để đáp ứng nhu cầu trong ngắn hạn.
Ông Piñón nêu ví dụ về việc các chuyến tàu chở khí đốt Nordic đã cập cảng La Habana hôm 2/3 với 200.000 thùng khí hóa lỏng từ Cộng hòa Dominicana, và tàu Zefryos của Bỉ cũng đã chuyển tới Cuba 335.000 thùng diesel. Ngoài ra, La Habana còn tiến hành đàm phán mua dầu từ Nga và Algeria.
Chính phủ Cuba cũng tăng cường kêu gọi đầu tư vào ngành du lịch nhằm gia tăng nguồn thu và nới lỏng các hoạt động của kinh tế tự doanh, lĩnh vực tới nay đã thu hút sự tham gia của nửa triệu dân Cuba. Tuy nhiên, ba giải pháp trên có thể sẽ không “suôn sẻ” trong bối cảnh Mỹ liên tiếp gia tăng các lệnh trừng phạt cũng như các biện pháp gây sức ép kinh tế lên Chính phủ Cuba nhằm buộc nước này từ bỏ việc ủng hộ Tổng thống Venezuela Maduro.
Điển hình là việc Washington khởi động một phần Đề mục 3 của Luật Helms-Burton, tạo nên mối đe dọa trực tiếp các nhà đầu tư tại đảo quốc này. Trong khi đó, việc đi lại tới Cuba vẫn hợp pháp những hành động cắt giảm nhân sự tại Đại sứ quán Mỹ ở La Habana, hay việc đưa ra những cảnh báo về cái được gọi là “những cuộc tấn công” chống lại các quan chức ngoại giao Mỹ ở Cuba, đã tạo nên tác động tiêu cực trong việc du lịch tới Cuba của công dân Mỹ. 
Thêm vào đó, những thay đổi trong chính sách cấp thị thực cho công dân Cuba mới được công bố gần đây cũng mang lại tác động tiêu cực nữa trong lĩnh vực kinh tế tự doanh của nước này.
Có thể viễn cảnh trước mắt của Cuba sẽ không đến mức “tồi tệ” như "Thời kỳ Đặc biệt" trong những năm 1990, nhưng các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu viện trợ dầu mỏ từ Venezuela chấm dứt, Cuba có khả năng sẽ phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng năng lượng và kinh tế nghiêm trọng./.

         

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục