CPTPP có phải là “trái ngọt” với Canada?

05:30' - 13/11/2018
BNEWS Theo ví von của giới phân tích, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố “ám sát” TPP – tiền thân của CPTPP, nhưng hiệp định này vẫn “hiên ngang tồn tại”.
Đại diện các nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP chụp ảnh chung tại Santiago. Ảnh: AFP/TTXVN 

Chưa đầy hai năm sau ngày Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định từng được coi là chìa khóa đối với chiến lược thương mại tại châu Á của nền kinh tế số 1 thế giới, tính đến ngày 31/10/2018 đã có 6 quốc gia thành viên của CPTPP phê chuẩn hiệp định – điều kiện để CPTPP có hiệu lực vào ngày 30/12/2018.

Là quốc gia thứ năm phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Canada sẽ là quốc gia duy nhất trong Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có thỏa thuận thương mại với toàn bộ các thành viên khác của G7. CPTPP kiến tạo nên một thị trường gần nửa tỷ dân, được kỳ vọng sẽ là nơi các doanh nghiệp Canada có thể cạnh tranh và thành công trên một sân chơi bình đẳng.

Khó có thể nói một cách chính xác CPTPP sẽ có tác động thế nào đến nền kinh tế Canada. Canada đã được hưởng ưu đãi thương mại với một số nước thành viên CPTPP, như với Chile nhờ hiệp định hương mại song phương, hay với Mexico trong khuôn khổ của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA, nay đã được đổi tên thành Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada - USMCA).

Khi toàn bộ quy định về miễn giảm thuế được thực thi, các nhà xuất khẩu Canada mỗi năm có thể “tiết kiệm” khoảng trên 400 triệu USD, theo ước tính của Chính phủ Canada. Và hơn 3/4 của con số trên là do được miễn giảm thuế tại thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, một số mặt hàng “nhạy cảm về chính trị” tại Nhật Bản, chẳng hạn như thịt bò, có lộ trình giảm thuế lên tới 15 năm.

Trước khi CPTPP được ký kết, các nước thành viên đã điều chỉnh lại thỏa thuận này để giải quyết một số quan ngại sau sự ra đi của Mỹ. 11 nước thành viên còn lại của TPP đã quyết định treo lại một số điều khoản liên quan đến bản quyền trí tuệ dược phẩm – vấn đề mà Mỹ đã yêu cầu trong các cuộc thương lượng ban đầu.

Các hãng chế tạo phụ tùng ô tô của Canada đánh giá CPTPP là một “thỏa thuận tồi”, khi cánh cửa vào thị trường Canada mở khá rộng đối với Nhật Bản. Hiện nhiều câu hỏi vẫn còn để ngỏ về khả năng tương thích của một số giải pháp trong CPTPP liên quan đến ngành ô tô với những điều khoản trong USMCA.

Giới chuyên gia nhận định rằng dù có một số khác biệt liên quan đến quy định về xuất xứ ô tô ở USMCA và CPTPP, nhưng hai hiệp định này sẽ hỗ trợ Canada và các đối tác giữ được những lợi thế chiến lược trong dây chuyền cung ứng trước sự cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.

Đáng chú ý là ngay cả khi Mỹ đã rời TPP, quy định về mức tiếp cận với các thị trường nông nghiệp của Canada vẫn tồn tại trong văn bản của CPTPP, chẳng hạn như mức 3,25% trong trường hợp của ngành sữa.

Các nhà sản xuất sữa Canada cho biết, khi kết hợp CPTPP, USMCA và thỏa thuận thương mại của Canada với Liên minh châu Âu (EU), gần 10% thị trường của Canada sẽ rơi vào tay các nhà sản xuất sữa nước ngoài.

Dự báo, trong khuôn khổ của CPTPP, sẽ có một lượng lớn các sản phẩm sữa đổ vào thị trường Canada, đặc biệt là từ New Zealand. Các nhà sản xuất sữa của Canada sẽ vấp phải một đối thủ đáng gờm là Fonterra – tập đoàn đang nỗ lực tấn công các thị trường sữa trên quy mô toàn cầu.

Chính phủ Canada chưa có thông báo về biện pháp đền bù đối với những thua thiệt của ngành sữa khi CPTPP được thực thi. Nhưng các nhóm công tác đã được thành lập để xem xét phương án bồi thường cũng như tìm hướng đi cho tương lai của ngành nông nghiệp vốn dựa trên cơ chế quản lý nguồn cung.

Kết quả của một phân tích do Canada West Foundation công bố cho thấy các nước như Canada và Mexico có thể được lợi hơn từ CPTPP khi Mỹ không tham gia hiệp định này.

Không có sự tham gia của Mỹ, 11 nước thành viên CPTPP vẫn chiếm khoảng 13% GDP của thế giới.  Nước Mỹ ban đầu muốn xây dựng TPP để tạo đối trọng với sức mạnh thương mại của Trung Quốc. Nhưng nay, Trung Quốc lại đang cân nhắc về khả năng tham gia CPTPP. Vương quốc Anh cũng bày tỏ ý định trong tương lai sẽ có các cuộc đàm phán với CPTPP sau khi nước này rời EU.

Khi chỉ còn 60 ngày nữa CPTPP được thực thi, hiệp định này đang  làm “nóng” chính trường Canada. Phát biểu với báo giới, lãnh đạo đảng Dân chủ mới (NDP) Jagmeet Singh bày tỏ quan ngại về nguy cơ khoảng 60.000 việc làm tại Canada sẽ bị mất do CPTPP.

Brian Kingston, Giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế và tài chính tại Hội đồng Doanh nghiệp Canada nhấn mạnh: khi chủ nghĩa bảo hộ leo thang tại Mỹ, nhu cầu phải đa dạng hóa thương mại chưa bao giờ lại rõ ràng hơn thế đối với Canada. Châu Á là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và Canada cần có chỗ đứng để tận dụng lợi thế của thị trường này. Việc giảm thuế quan trong CPTPP sẽ giúp Canada đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, tại Canada không phải ai cũng chia sẻ quan điểm này của ông Brian Kingston, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo phụ tùng ô tô và ngành sữa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục