Công ty Trung Quốc ở Iran đối mặt với mối đe dọa trừng phạt từ Mỹ

05:32' - 12/02/2020
BNEWS Trang mạng The Diplomat mới đây có bài viết cho hay Mỹ đang có rất nhiều lý do để áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các công ty của Trung Quốc làm ăn với Iran.
Tàu container vận tải COSCO của Trung Quốc neo tại cảng Long Beach ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Bài viết cho rằng các công ty năng lượng Trung Quốc có thể gặp rủi ro hứng chịu các lệnh trừng phạt khi đầu tư vào Iran. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng đồng nghĩa với nhu cầu năng lượng gia tăng. Hiện tại, gần một nửa lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Trung Đông. 

Trong đó, dầu mỏ nhập khẩu từ Iran đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc bởi chất lượng cao, giá hợp lý và tín dụng thương mại dài hạn.

Năm 2018, Iran đã xuất khẩu 29,27 triệu tấn dầu sang Trung Quốc, khiến nước này trở thành nguồn cung dầu thô lớn thứ ba của Trung Quốc.

Các công ty Trung Quốc có thể cung cấp dịch vụ trong toàn bộ chuỗi sản xuất, từ khai thác, chế biến và tinh lọc trong ngành công nghiệp dầu khí Iran. Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng như vậy sẽ giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng liên tục của Trung Quốc.

Mặt khác, Iran có thể sử dụng công nghệ, bí quyết của Trung Quốc để khai thác tài nguyên, bán các sản phẩm hóa dầu và mở rộng thị phần khi cạnh tranh với các nhà xuất khẩu dầu khác. Bằng cách đó, Iran có thể kiếm thêm thu nhập và bù đắp thâm hụt tài chính.

Tại sao một thỏa thuận có lợi cho tất cả các bên liên quan như vậy phải đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt?

Xung đột Mỹ-Iran leo thang ngay đầu năm 2020 và Washington một lần nữa đã siết chặt hơn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Giờ đây, Mỹ có nhiều lý do hơn bao giờ hết để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những khoản đầu tư năng lượng của Trung Quốc, bằng cách cáo buộc các doanh nghiệp của nước này giúp Iran vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo Viện Nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực năng lượng của Iran lên tới 5,5 tỷ USD, cùng với 7 tỷ USD giá trị các hợp đồng xây dựng. Nguy cơ trừng phạt từ Mỹ không chỉ làm giảm đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc trong tương lai, mà còn làm chậm việc thực hiện những hợp đồng hiện có.

Hơn nữa, Mỹ thậm chí có thể xử phạt các công ty Trung Quốc đã hoàn thành những dự án đầu tư năng lượng tại Iran. Các doanh nghiệp như CNOOC và Sinopec của Trung Quốc đang sở hữu tài sản ở Mỹ, Washington có thể đưa các khoản đầu tư của những doanh nghiệp này vào danh mục rủi ro, từ đó áp đặt các lệnh trừng phạt, gây ra nhiều tổn thất hơn, và mở rộng ra ngoài lĩnh vực năng lượng.

Liệu một công ty tham gia vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công cộng, có được miễn các lệnh trừng phạt? Ngược lại, rủi ro bị trừng phạt đối với các công ty này còn cao hơn bao giờ hết.

Hợp tác giữa Iran và Trung Quốc trải rộng trên nhiều lĩnh vực không chỉ lĩnh vực năng lượng. Tiếp cận các thị trường kinh tế là mục đích của Trung Quốc đối với Iran. Với mục đích này, công ty của Trung Quốc đã giúp Iran xây dựng tàu điện ngầm, đường cao tốc, đập, cầu, và đường hầm trên khắp đất nước.

Các dự án cùng với dịch vụ vận tải đã tạo điều kiện cho việc vận chuyển sản phẩm và mở rộng thị trường năng lượng cho Iran, giúp Tehran bán thêm thép, dầu trên thị trường quốc tế, giữ cho Iran kết nối với các quốc gia khác. 

Đây là điều rất quan trọng đối với sự phát triển của Iran – một quốc gia đang bị cô lập khó có hy vọng cải thiện điều kiện sống của người dân địa phương hoặc khôi phục hòa bình, ổn định.

Thời gian qua, một số công ty vận tải Trung Quốc đã bị trừng phạt vì những hoạt động liên quan tới Iran. Danh sách các thực thể đặc biệt bị Mỹ liệt kê gồm COSCO Shipping, E-sail Shipping Company, Gomei Air Services và Hongyuan Marine Co. Ltd là những công ty vận chuyển liên quan tới Iran.

Bộ Tài chính Mỹ có thể áp đặt lệnh trừng phạt đối với những doanh nghiệp này bằng lý giải họ làm suy yếu lệnh trừng phạt của Washington đối với Tehran.

Các công ty công nghệ cao của Trung Quốc cũng là mục tiêu mà lệnh trừng phạt hướng tới. Những công ty Trung Quốc liên quan đến công nghệ giám sát, mạng 5G cần chú ý tới những khoản đầu tư vào Iran. 

Trường hợp của Giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu – người bị bắt hơn 1 năm trước tại Canada vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, là một ví dụ. 

Công nghệ của Trung Quốc đang giải quyết những vấn đề cho Iran. Trong đó, công nghệ giám sát giúp Iran cải thiện an ninh, công nghệ mạng 5G có thể cắt giảm chi phí liên lạc và công nghệ sản xuất máy bay không người lái có thể được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Những công nghệ này là cần thiết cho việc hiện đại hóa và đa dạng hóa kinh tế của Iran. Tuy nhiên, Washington đang giữ những công nghệ “nhạy cảm” này xa khỏi Iran và sẽ không ngại trừng phạt bất cứ ai chuyển giao cho Tehran.

Một lĩnh vực khác mà công ty của Trung Quốc có thể bị trừng phạt là các tổ chức tài chính. Đó là những công ty tài trợ, bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ hoặc giao dịch với Ngân hàng trung ương Iran và các tổ chức khác bị Mỹ liệt kê trong danh sách trừng phạt.

Hình phạt đối với công ty tài chính Trung Quốc có thể là khoản phạt tiền rất lớn, từ chối tiếp cận thị trường Mỹ, loại khỏi hệ thống tài chính sử dụng đồng USD, đóng băng tài sản hoặc thậm chí hạn chế một số hoạt động của các giám đốc điều hành cấp cao.

Đối với các công ty Trung Quốc, “không coi trọng chiến lược, chỉ chú ý chiến thuật”, có lẽ sẽ phản ứng tốt đối với các lệnh trừng phạt. 

Lệnh trừng phạt có thể khiến các công ty Trung Quốc phải đánh giá lại các dự án đầu tư, giảm tiếp cận với Iran tránh rủi ro và sẵn sàng hợp tác với Mỹ. Tuy nhiên, khi gặp khó khăn, công ty của Trung Quốc cũng có khả năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục