Công trình cấp nước bỏ hoang: Dân vẫn “khát” nước sạch

19:24' - 28/11/2017
BNEWS Một số công trình cấp nước tập trung tại nông thôn không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả trong khi người dân vẫn thiếu nước sạch sử dụng.

Thời gian qua, một số công trình cấp nước tập trung tại nông thôn không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, thu hút sự quan tâm của dư luận. Vấn đề này cần sớm được giải quyết, nhất là trong bối cảnh nhu cầu nước sinh hoạt của người dân nông thôn ngày càng bức thiết do sự gia tăng tình trạng hạn hán và ô nhiễm môi trường.
Tháng 2/2010, công trình cấp nước tập trung xã Đắk Hòa, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông được khánh thành và đưa vào sử dụng. Theo Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, công trình được thiết kế để cấp nước cho gần 550 hộ gia đình với định mức 60 lít/người/ngày đêm và tổng vốn đầu tư công trình hơn 6 tỷ đồng.
Báo cáo khảo sát của dự án nêu rõ, khu vực xây dựng công trình chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt, người dân sử dụng chủ yếu nguồn nước từ giếng đào. Nguồn nước vừa không đảm bảo vệ sinh vừa thường xuyên thiếu hụt, cạn kiệt vào mùa nắng.

Việc xây dựng công trình cấp nước tập trung được kỳ vọng sẽ giải quyết cơ bản nhu cầu nước sinh hoạt của người dân, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường thiết yếu cũng như sức khỏe của người dân.
"Thế nhưng, một số người dân tại xã Đắk Hòa cho hay, công trình cấp nước tập trung này đi vào hoạt động được vài tháng đã thường xuyên bị trục trặc. Nguồn nước cấp cho dân không đảm bảo cả về chất lượng lẫn số lượng, liên tục hỏng hóc.

Sau khi các cơ quan chức năng thông báo nguồn nước không đảm bảo chất lượng nên cắt hẳn. Một thời gian sau đó thì máy móc, phương tiện, vật tư cũng được di dời. Thành ra công trình bị bỏ hoang, rất lãng phí.", ông Ngô Văn Thưởng, thôn Đắk Hòa 1, xã Đắk Hòa là một khách hàng của công trình cấp nước nhận xét.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng thôn Tân Bình 1, xã Đắk Hòa, bên cạnh việc lãng phí tiền tỷ vốn đầu tư của Nhà nước do nhiều năm liền công trình cấp nước bị bỏ hoang, người dân còn bức xúc vì mỗi hộ phải đóng 1,7 triệu đồng để được lắp đồng hồ nước.

Nhưng khi công trình ngưng hoạt động thì chẳng nhận được thông báo nào từ các tổ quản lý hoặc cơ quan chức năng và cũng chẳng biết khi nào thì công trình hoạt động trở lại hoặc có hoạt động nữa hay không?. Vấn đề này cũng được phản ánh tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri và kiến nghị lên các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Hiện nhu cầu nước sạch của người dân tại xã Đắk Hòa rất lớn. Những năm gần đây, tình hình khô hạn kéo dài, cứ tới mùa khô là nhiều gia đình lại thiếu nước sinh hoạt. Người dân phải tự đào hoặc khoan giếng. Tại nhiều khu vực, phải khoan hàng trăm mét mới có nước để sử dụng. Nhiều gia đình phải đào hoặc khoan 5, 6 giếng mới có nước. Nhiều khu vực 7, 8 hộ dân dùng chung một giếng nước sinh hoạt.
Ông Lâm Văn Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắk Hòa cho biết, nguồn nước bị nhiễm đục tới mức người dân không thể sử dụng được và ngay sau khi công trình đi vào hoạt động. Toàn xã có hơn 300 hộ dân tại 4 thôn gồm: Đắk Hòa 1, Đắk Hòa 2, Tân Bình 1, Tân Bình 2 đã đóng tiền và được mắc đồng hồ nước. Người dân cũng như chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên và các cơ quan chức năng giải quyết vấn đề này, nhưng sự việc vẫn rơi vào im lặng.
Theo Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắk Nông, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Đắk Hòa chỉ chính thức ngưng hoạt động từ tháng 4/2015 (sau khi có văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông).

Theo đó, kết quả xét nghiệm mẫu nước tại công trình không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT, ngày 17/6/2009 của Bộ Y tế), nhất là hai chỉ tiêu về “độ cứng” và hàm lượng Coliform.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông cũng đã chỉ đạo (văn bản số 1796/UBND-NN ngày 25/4/2017) Sở Tài chính bố trí vốn để khắc phục và xử lý ô nhiễm môi trường tại công trình. Tuy nhiên, đến nay Trung tâm vẫn chưa triển khai khắc phục, sửa chữa là do vốn bố trí chậm và đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục liên quan.
Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắk Nông cho rằng, công trình chỉ tạm ngừng cấp nước khi cúp điện hoặc sửa chữa, đấu nối đường ống, chứ không có tình trạng hư hỏng ngay sau khi đưa vào sử dụng như người dân phản ánh.

Việc chậm trễ sửa chữa, nâng cấp công trình là do chậm được bố trí vốn và đây không phải là lỗi của đơn vị. Còn nguồn nước bị ô nhiễm là do “phát sinh” trong quá trình vận hành, không phải lỗi do khâu khảo sát, thiết kế.
Rõ ràng, từ việc khảo sát, đánh giá chất lượng nguồn nước, triển khai xây dựng hệ thống xử lý, cấp nước đến công tác xử lý sự cố liên quan tới công trình cấp nước xã Đắk Hòa của Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắk Nông và các đơn vị liên quan có không ít vấn đề sai sót, gây ra những bức xúc và hệ lụy không đáng có cho người dân.

Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng lãng phí hàng tỷ đồng vốn đầu tư của Nhà nước cũng như tiền của đóng góp của người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục