Công nghệ viễn thông - mặt trận hàng đầu trong cạnh tranh Mỹ-Trung

06:30' - 01/07/2019
BNEWS Chỉ chưa đầy 10 năm trước, top 10 công ty công nghệ hàng đầu tính theo doanh thu đều thuộc về Mỹ. Các tiêu chuẩn viễn thông toàn cầu đều do các công ty Mỹ như AT&T hay Verizon định hình và thiết lập.
Công nghệ viễn thông - mặt trận hàng đầu trong cạnh tranh Mỹ-Trung. Ảnh: TTXVN phát 

Tuy nhiên, xu hướng này đang xoay chiều khi có tới 4 trong số 10 công ty hàng đầu liên quan đến Internet là của Trung Quốc. Một thập kỷ trước, nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei chỉ là một công ty không mấy tiếng tăm, ít được biết đến và chủ yếu cung cấp dịch vụ ở khu vực Đông Nam Á, vùng phía Đông và khu vực Trung châu Âu…

Huawei lúc đó không thể là đối thủ cạnh tranh với các công ty Mỹ ở các thị trường phát triển hơn. Năm 2009, doanh thu của Huawei đạt khoảng 28 tỷ USD, nhưng con số này đã tăng lên tới 107 tỷ USD vào năm 2018

Thời điểm hiện tại, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, bắt nguồn từ những xung đột thương mại, tiếp tục gia tăng. Trong đó, công nghệ viễn thông và công nghệ không dây đang là mặt trận hàng đầu trong xung đột giữa hai nước. 

Trong một thế giới mà mọi thứ là công nghệ lưỡng dụng, ngày càng khó để có thể phân biệt rõ ràng đâu là yếu tố thương mại và dân sự và đâu là mục đích chiến lược và quân sự. Và công nghệ, không giống thương mại, không thể dễ dàng đưa ra sự nhượng bộ trên bàn đàm phán.

Nhà phân tích chiến lược Chris Wood thuộc Jefferies (Hong Kong) cho rằng căng thẳng thương mại hiện này là mối nguy cơ dài hạn đối với nền kinh tế thế giới. Đó chính là những tác động rất tiêu cực từ quan điểm cứng rắn của Mỹ đối với Huawei. Gốc rễ của quan điểm vô cùng cứng rắn này của Mỹ chính là việc kiên quyết khẳng định không để Trung Quốc thống trị hệ thống công nghệ 5G hoặc các công nghệ đang nổi lên khác.

Mặc dù có thể không chỉ Ủy ban Phát triển Sáng tạo Quốc phòng (cơ quan được thành lập năm 2016 để giúp đưa đổi mới sáng tạo và các tư vấn độc lập tới Bộ Quốc phòng Mỹ), mà thực tế là cả nước Mỹ đứng đằng sau hỗ trợ việc phát triển công nghệ 5G mới nhất và thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu cho hệ thống công nghệ 5G.

Nhận định trên phù hợp với báo cáo đánh giá về viễn cảnh của hai gã khổng lồ trong hệ thống sinh thái 5G mà Ủy ban này công bố vào tháng Tư vừa qua. Báo cáo này mô tả một thế giới công nghệ mà trong đó, nước Mỹ không ở vị trí thống trị, mà ngược lại đang trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết. Báo cáo cho rằng quốc gia nào sở hữu công nghệ 5G thì sẽ sở hữu rất nhiều đổi mới sáng tạo và thiết lập tiêu chuẩn cho phần còn lại của thế giới. 

Quốc gia đó hiện tại dường như không phải là Mỹ. Các thiết bị của Trung Quốc rẻ hơn và trong nhiều trường hợp còn vượt trội so với những đối thủ phương Tây. Theo một nhà đầu tư Trung Quốc, điều này được nhìn nhận như là sự khẳng định “họ đã thắng”.

Việc giới thiệu, ra mắt công nghệ 5G là một chiến lược lớn, đối với chính bản thân công nghệ này, bởi nó có tác động gấp bội trên một loạt công nghệ khác bao gồm phương tiện tự hành, công nghệ Internet vạn vật, các thành phố thông minh, công nghệ thực tế ảo và trên cả chiến trường (bất kể trên thực địa hay trên không gian mạng).

Các công ty hoặc quốc gia đi đầu trong công nghệ 5G sẽ thiết lập và định hình các tiêu chuẩn toàn cầu. Điều này sẽ mang lại cho họ hàng trăm tỷ USD doanh thu, tạo công ăn việc làm ổn định và tạo dựng vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực công nghệ khác vốn đòi hỏi sự chuyển đổi chưa từng có trong việc chuyển nhận dữ liệu.

Đầu những năm 2010, AT&T và Verizon dẫn đầu trong việc nhanh chóng triển khai các công nghệ thế hệ tiếp theo vốn được cải thiện trên nền tảng công nghệ 3G. Các công ty Mỹ như Apple, Google, Facebook, Amazon và Netflix sau đó tiếp tục đưa ra các ứng dụng và dịch vụ của mình… Điều này củng cố sự thống trị toàn cầu của Mỹ trong lĩnh vực dịch vụ không dây và Internet. 

Hiện nay, Mỹ đã không còn tính sắc bén của mình khi xét đến công nghệ viễn thông vì không thể làm gì nhiều trước những hành vi mang tính “ăn cướp” có thể xảy ra từ phía Trung Quốc hoặc từ Huawei, một phần cũng do những vụ tấn công từ phía Nhà Trắng hoặc từ phía Quốc hội Mỹ. Một phần của vấn đề này chính là sự thiếu hụt đầu tư. Trung Quốc đã dành 180 tỷ USD trong vòng 5 năm qua và xây dựng nhiều gấp 10 lần số lượng các nhà máy và cơ sở sản xuất của Mỹ.

Các công ty Mỹ như Verizon và AT&T cũng có quá nhiều nợ nần để có thể tiếp nhận thêm những khoản đầu tư khổng lồ cần thiết cho việc xây dựng thêm các nhà máy và cơ sở sản xuất cần thiết. Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận của các công ty công nghệ phương Tây khác như Nokia và Ericson cũng sụt giảm.

Ngoài ra, một khó khăn khác trên thực tế là việc Mỹ (cả chính phủ và lực lượng quân đội) đã quá tập trung dành nguồn lực cho một loạt lĩnh vực đang được phần còn lại của thế giới sử dụng vào các mục đích thương mại, khiến cho thị trường của Mỹ bị cô lập. 

Chính bản thân các thị trường của Mỹ, gồm cả lĩnh vực dân sự và quân sự, cũng không còn đủ rộng lớn để có thể chi phối các đối thủ khác hoặc ngăn chặn công nghệ 5G của Trung Quốc tiếp tục chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.

Tác động của bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ nhằm vào Huawei hoặc các hãng công nghệ khác dường như sẽ chỉ góp phần làm gia tăng nỗ lực của Bắc Kinh trong việc đạt được mục tiêu và khả năng của chính họ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục