Công khai, minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng

10:23' - 12/05/2019
BNEWS Trước diễn biến giá điện và giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian gần đây, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành chủ động cung cấp thông tin về điều hành giá, nhất là các mặt hàng có tính nhạy cảm.

Trước diễn biến giá điện và giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian gần đây, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành tổ chức tốt công tác tuyên truyền; chủ động cung cấp thông tin về công tác điều hành giá, nhất là các mặt hàng có tính nhạy cảm đến người dân; thực hiện công khai, minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, hạn chế những thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng cũng như bất ổn cho thị trường.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.
Phóng viên: Xin ông cho biết tình hình, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ đầu năm đến nay và trước tâm lý xã hội lo ngại về việc giá xăng tăng liên tiếp thời gian qua liệu có ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân?

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS /TTXVN

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Bình quân 4 tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây. Như vậy, chỉ số này biến động theo đúng quy luật tiêu dùng hàng năm là tăng cao vào 2 tháng đầu năm do rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán, sau đó giảm trong tháng 3 và tăng trở lại trong tháng 4/2019. Diễn biến CPI 4 tháng đầu năm 2019 nằm trong kịch bản dự báo của Tổng cục Thống kê.
Trước nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao nên giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, dịch vụ giao thông tăng. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới tăng, việc điều chỉnh giá điện tăng là các yếu tố làm tăng chỉ số CPI 4 tháng đầu năm 2019.
Đối với tâm lý xã hội lo ngại về việc giá xăng tăng liên tiếp thời gian qua, chúng ta đều biết xăng dầu là mặt hàng chiến lược ảnh hưởng và biến động khó lường bởi yếu tố chính trị và kinh tế. Nắm rõ được đặc trưng của giá xăng dầu, Tổng cục Thống kê đã chủ động xây dựng các kịch bản tăng giá xăng dầu trong kịch bản điều hành và kiểm soát lạm phát.
Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong 4 tháng đầu năm 2019 tăng khá mạnh, bình quân từ thời điểm 1/1/2019 đến thời điểm 30/4/2019, giá dầu Brent ở mức 65,78 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức 57,67 USD/thùng của bình quân tháng 12/2018. Ở trong nước, giá xăng dầu tính đến ngày 2/5/2019 được điều chỉnh tăng 4 lần, giữ nguyên 3 lần, giảm 1 lần và bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 14,3% so với tháng 12/2018. Tuy nhiên, so với 4 tháng đầu năm 2018 thì giá xăng dầu trong nước vẫn giảm 5,72%.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người tiêu dùng nên giá xăng tăng liên tục trong thời gian qua ít nhiều ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Tuy nhiên, qua theo dõi diễn biến thị trường trong 4 tháng đầu năm 2019, giá cả thị trường không có hiện tượng tăng đột biến.
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu Brent trong năm 2019 sẽ ở mức khoảng 66 USD/thùng và giá xăng thành phẩm sẽ nằm trong khoảng 70 - 85 USD/thùng.
Phóng viên: Thưa ông, ông có thể phân tích sâu hơn về ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu đối với CPI cũng như đời sống kinh tế - xã hội?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Việc tăng giá xăng dầu tác động cả trực tiếp và gián tiếp đến CPI. Tác động trực tiếp làm tăng CPI ngay trong tháng tăng giá xăng dầu và tác động gián tiếp đối với giá thành sản phẩm của các đơn vị sản xuất và các mặt hàng khác như: lương thực, thực phẩm, công nghệ phẩm hay thiết bị và đồ dùng các tháng sau.

Xăng dầu là yếu tố đầu vào của toàn xã hội nên tác động nhìn thấy rõ là khi xăng dầu tăng giá sẽ làm tăng giá cước vận tải cũng như các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất. Tiếp đến làm tăng giá các loại hàng hóa, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của người dân như: thịt cá, rau củ quả, đồ dùng gia đình…; đồng thời tăng giá xăng dầu liên tiếp cũng tạo ra lạm phát kỳ vọng.
Phóng viên: Thưa ông, việc tăng giá điện vừa qua cũng trở thành áp lực mới đối với đời sống dân sinh và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy, mức độ ảnh hưởng của tăng giá điện thật sự là như thế nào?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tăng 8,36% so với mức hiện hành. Với mức tăng này, CPI năm 2019 tăng khoảng 0,29%, tăng PPI năm 2019 (chỉ số giá sản xuất) khoảng 0,17% và làm giảm GDP năm 2019 khoảng 0,22%. Tổng cục Thống kê đã tính toán mức tăng giá điện này vào kịch bản CPI bình quân năm 2019 dưới mục tiêu 4% của Quốc hội đề ra.
Điện là mặt hàng tiêu dùng đặc biệt, càng dùng nhiều giá càng cao, nhất là vào các thời điểm nắng nóng hoặc rét đậm nên cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp việc thực hiện tiết kiệm điện và sử dụng các thiết bị điện một cách hiệu quả.
Để hạn chế thấp nhất tác động của việc giá điện tăng, các doanh nghiệp phải có các giải pháp ứng phó, áp dụng các biện pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng nhằm giảm chi phí cho sản xuất. Cụ thể là sản xuất vào giờ thấp điểm, đầu tư thay thế thiết bị chiếu sáng tiêu hao ít năng lượng, tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên, đầu tư nguồn điện mặt trời áp mái để hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp một cách bền vững.
Trong những ngày qua, thông tin về việc người dân phải trả tiền điện tháng 4 cao hơn tháng 3/2019 do giá điện tăng cao không phải là mức tăng bình quân 8,36% có thể bởi số ngày sử dụng điện nhiều hơn, sử dụng điện tăng theo quy luật vào tháng hè cộng với việc giá bán điện điều chỉnh làm tổng số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 4/2019 của các hộ dân phải trả tăng hơn.
Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thanh tra về việc tăng giá điện, công khai, minh bạch thông tin về giá điện và kết quả sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.
Phóng viên: Ông có thể cho biết các giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương trong việc kiềm chế lạm phát?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; trong đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2019 đặt ra dưới 4%.

Hàng quý hoặc đột xuất, Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban đều họp đánh giá kết quả công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát và đưa ra các kịch bản lạm phát các tháng còn lại để chủ động điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý vào các thời điểm phù hợp nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng.
Cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đầu mối là Tổng Cục thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư), Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong công tác tính toán dự báo, xây dựng kịch bản chi tiết, cụ thể cho từng thời điểm, từng giai đoạn đối với từng mặt hàng thiết yếu để đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, cân đối chính sách kinh tế vĩ mô, gắn điều hành tăng trưởng với vấn đề kiểm soát lạm phát nhằm kịp thời đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp thực hiện hiệu quả. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp điều hành giá theo các kịch bản đã được phê duyệt; đẩy mạnh công tác kiểm tra thực hiện pháp luật về giá, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá.
Phóng viên: Theo ông, cần làm gì để ổn định tâm lý xã hội, nhất là bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong năm 2019. Ông có thể nhận định về khả năng, kết quả kiểm soát lạm phát trong năm 2019?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Chính phủ tiếp tục kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019, chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức tốt công tác tuyên truyền; chủ động cung cấp thông tin về công tác điều hành giá, nhất là các mặt hàng có tính nhạy cảm đến người dân; thực hiện công khai, minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, hạn chế những thông tin thất thiệt, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng cũng như bất ổn cho thị trường.
Với quyết tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Ban Chỉ đạo điều hành giá cùng với sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương từ nay đến cuối năm 2019, tôi tin rằng mục tiêu CPI bình quân năm 2019 ở mức dưới 4% sẽ đạt được.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Xem thêm:

>>CPI tháng 4 tăng có phải do điều chỉnh giá xăng dầu?

>>Thứ trưởng Bộ Công Thương lý giải về tăng giá xăng dầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục