Công bố kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

16:43' - 11/11/2017
BNEWS Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế.

TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội thảo.Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Chiều 11/11, tại huyện Phú Quốc, Kiên Giang, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/ Tăng trưởng xanh trong khuôn khổ Hợp tác Phát triển Việt - Đức tổ chức Hội thảo “Công bố kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long - Liên kết vùng hướng tới thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” nhằm công bố kết quả xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của 5 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang và Cà Mau; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc và bài học rút ra từ quá trình xây dựng và triển khai kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đưa ra các mục tiêu cụ thể về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu và phát triển kinh tế theo hướng bền vững, qua đó góp phần giảm phát thải khí thải nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tại địa phương/ cấp tỉnh là một ưu tiên quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên. Từ đó, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

“Trong một nền kinh tế tăng trưởng xanh, việc làm và thu nhập cho người dân được tạo ra thông qua đầu tư của Nhà nước và tư nhân giúp giảm thiểu phát thải các bon, giảm ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học, mở mang các ngành nghề thân thiện với môi trường và các dịch vụ sinh thái. Tăng trưởng xanh còn là một trong những biện pháp giúp tái cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL để thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.”, TS. Mai nhấn mạnh.

Ts. Michael Krakowski, Cố vấn trưởng chương trình, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức, nhấn mạnh sự cấp thiết phải thay đổi cách tiếp cận phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL trên cơ sở tôn trọng các quy luật tự nhiên và khẳng định “hợp tác và liên kết vùng có tầm quan trọng to lớn và cần được ưu tiên nhằm phát huy tối đa tiềm năng kinh tế - xã hội của khu vực cũng như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh được xây dựng dựa trên cách tiếp cận này và vạch ra tầm nhìn chiến lược cho phát triển kinh tế – xã hội của ĐBSCL ở cả cấp tỉnh và vùng trong những năm tới.

ĐBSCL với dân số khoảng 18 triệu người, là khu vực nông -công nghiệp trọng điểm cả nước hiện đang phải đối mặt với nhiều mối đe doạ sống còn do biến đổi khí hậu: nước biển dâng cao gây mất diện tích đất, gia tăng rủi ro thiên tai, suy giảm nghiêm trọng rừng ngập mặn, xâm nhập mặn… Thách thức cốt lõi đối với các cơ quan trung ương và địa phương là đưa ra kế hoạch phát triển ĐBSCL theo hướng tăng cường khả năng chống chịu và tiềm năng giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia tư vấn về tăng trưởng xanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh cấp tỉnh, tuy được triển khai tại từng tỉnh nhưng phần lớn các nhóm giải pháp đều có tính chất tương đồng; đặc biệt là cùng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long như: nhóm giải pháp về tăng cường năng lực và thể chế, nâng cao nhận thức, giảm cường độ phát thải khí nhà kính... Do đó, các địa phương cần trao đổi, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau để có thể giảm bớt những nỗ lực cần bỏ ra cho mỗi tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả của mục tiêu tăng trưởng xanh ở các tỉnh, ông Hà Đăng Sơn cũng nhấn mạnh, chúng ta cần có một cơ chế đẩy mạnh hợp tác, tài trợ quốc tế đa phương và song phương về xây dựng mô hình phát triển xanh, mô hình sinh thái, phát triển nguồn nhân lực cho tăng trưởng xanh của vùng; đồng thời, liên kết phát triển khoa học, công nghệ của tỉnh với phát triển khoa học, công nghệ của vùng và khu vực; đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực phục vụ thực hiện chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các cụm, ngành kinh tế trọng điểm.

Ông Võ Doãn Dụng, Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang cũng đề xuất, cần nâng cao năng lực triển khai các hoạt động tăng trưởng xanh của đội ngũ cán bộ từng cấp, ngành từ tỉnh đến huyện, xã; đồng thời, phải có hợp tác liên kết vùng giữa các tỉnh lân cận để cùng giải quyết  những vấn đề chung như: dịch bệnh, môi trường, dự án đầu tư liên tỉnh, khoa học công nghệ, thu hút đầu tư, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp; đồng thời, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ dẫn luồng vốn quốc tế cho Hậu Giang để thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động tăng trưởng này. 

Ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liệu cho rằng, kế hoạch tăng trưởng xanh đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, tuy nhiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách cho Bạc Liêu còn nhiều hạn chế; không những thế, cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ. Vậy, để đạt được các mục tiêu của tăng trưởng xanh còn nhiều giới hạn.

Được biết, để đảm bảo nhu cầu đầu tư công cho tăng trưởng xanh ở khu vực ĐBSCL, giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025. Trên cơ sở Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, xác định nhu cầu trong tăng trưởng xanh cho toàn vùng lên đến 120 ngàn tỷ, riêng  giai đoạn 2016 – 2020 là khoảng 30 ngàn tỷ, trong đó, ngân sách nhà nước 5 ngàn tỷ.

Tại hội thảo, hầu hết ý kiến các địa phương cũng cho rằng, cần chỉ ra được cách làm như thế nào để lồng ghét các vấn đề bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển ngành, nhất là chương trình cải cách kinh tế vĩ mô; thông qua hội thảo này sẽ đúc kết các ý kiến thực tế, các vướng mắc, khó khăn và nhất là những bài học kinh nghiệm để biên soạn 1 quyển sổ tay ban đầu như là: khung hướng dẫn giúp cho công tác lập kế hoạch có tính đến bình đẳng giới, biến đổi khí hậu.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục