Cơ sở hạ tầng cũ kỹ của Italy đang đối mặt với nhiều vấn đề

18:13' - 17/08/2018
BNEWS Cây cầu Morandi, được coi là "vương miện" của ngành kỹ thuật xây dựng Italy khi được khánh thành năm 1967, là cây cầu thứ 12 bị sập kể từ năm 2004.
Hiện trường vụ sập cầu. Ảnh: TTXVN phát

Vụ sập cầu cao tốc Morandi ở thành phố cảng Genoa thuộc miền Bắc Italy ngày 14/8 làm ít nhất 38 người thiệt mạng và nhiều người bị thương là vụ việc mới nhất cho thấy cơ sở hạ tầng cũ kỹ của nước này đang đối mặt với nhiều vấn đề.

Số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) cho thấy hiện có hơn 2 triệu ngôi nhà ở trên khắp cả nước đang trong tình trạng xuống cấp và không ổn định. Hơn 156 trần nhà tại các ngôi trường ở nước này đã bị sập trong vòng 5 năm qua.

Cây cầu Morandi, được coi là "vương miện" của ngành kỹ thuật xây dựng Italy khi được khánh thành năm 1967, là cây cầu thứ 12 bị sập kể từ năm 2004. Có tới 5 trong số 12 cây cầu này bị sập trong vòng 5 năm qua.

Nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do trong những năm 1960, thời kỳ bùng nổ về xây dựng ở Italy, nhiều cây cầu, đường sá, nhà cửa và trường học đã được xây dựng mà thường là bằng các vật liệu rẻ tiền nhằm gia tăng lợi nhuận cho các nhà thầu. Hầu hết các nhà thầu này đều có bóng dáng của nhiều tổ chức tội phạm và mafia đứng đằng sau.

Hệ thống đường sá và nhà cửa ở miền Nam Italy đối diện với nguy cơ không đảm bảo an toàn ở mức cao hơn và giới chuyên gia cho rằng đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Các công ty xây dựng, nhiều công ty trong số này có sự dính líu, móc ngoặc với mafia trong nhiều thập kỷ, đã sử dụng các loại bê tông không đảm bảo chất lượng.

Trong số 12 cây cầu bị sập những năm gần đây, có tới 4 cây cầu nằm ở Sicily và 2 trong số này là đối tượng điều tra của cơ quan công tố do chúng được xây bằng các loại xi măng, bê tông chất lượng thấp. Hàng chục cây cầu và đường hầm ở vùng Calabria , miền Nam Italy, hiện cũng đang được điều tra vì những lý do tương tự.

Nicola Gratteri, trưởng cơ quan công tố ở thành phố Catanzaro thuộc vùng Calabria cho biết trong quá trình lấy mẫu phân tích, các nhà chức năng đã phát hiện nhiều mẫu bê tông có chất lượng kém hơn gấp 3 lần so với tiêu chuẩn thông thường.

Theo một nghiên cứu của Confartigianato, hiệp hội ngành thủ công và các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Italy, có tới 1/5 nhà cửa nước này đang trong tình trạng xuống cấp và có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào, như vụ sập tòa nhà ở Torre Annunziata gần thành phố Naples ngày 7/7/2017 làm 8 người bị thiệt mạng.

Tuy nhiên, xi măng và bê tông kém chất lượng không phải là nguyên nhân duy nhất bởi cũng đã từng có một số cây cầu được xây dựng bằng xi măng chất lượng cao và không có "bóng dáng của mafia" nhưng vẫn bị sập. Giới chuyên gia ước tính hiện ở Italy có khoảng 300 cây cầu đang có nguy cơ bị sập và đòi hỏi phải đầu tư một khoản tiền lớn để duy tu, bảo dưỡng.

Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Italy cũng nhận định phần lớn hệ thống cơ sở hạ tầng của nước này, được xây dựng vào những năm 1950 và 1960, đang đối mặt với nhiều nguy cơ do quá cũ kỹ. Các chuyên gia cho rằng các vật liệu dùng để xây dựng vào thời điểm đó có tuổi thọ chỉ khoảng từ 50 đến 60 năm.

Liên quan đến vụ sập cầu cao tốc Morandi, hiện số lượng người thiệt mạng được công bố chính thức là 38 người (số lượng công bố trước đó là 39).

Khoảng từ 10-20 người vẫn đang mất tích. Lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực tìm kiếm những người còn sống sót bên dưới đống đổ nát, nhưng hy vọng đang ngày càng mong manh. Chính phủ Italy đã tuyên bố quốc tang vào ngày 18/8 để tưởng nhớ các nạn nhân.

Một tang lễ cấp nhà nước cũng sẽ được tổ chức cho các nạn nhân sáng cùng ngày tại Genoa và dự kiến sẽ có sự tham dự của Tổng thống Italy Sergio Mattarella  và Thủ tướng Giuseppe Conte./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục