Có nên đầu tư phát triển thủy điện vừa và nhỏ?

14:25' - 28/07/2017
BNEWS Nguồn thủy điện vừa và nhỏ sẽ góp phần bổ sung cho lượng điện thiếu hụt; song cần xem xét, tính toán các dự án có khả năng đầu tư, để trong quá trình khai thác đạt hiệu quả cao.
Hội nghị phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Hiện nay, các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đốt ngày càng cạn kiệt; để đảm bảo mục tiêu cung ứng điện, từ nay tới năm 2020, trong vòng hơn 3 năm nữa, ngành điện phải tìm ra nguồn cung để bổ sung thêm gần 100 tỷ kWh điện; bổ sung thêm 300 tỷ kWh đến năm 2030.

Tại hội nghị Phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ở Hà Nội ngày 28/7, các chuyên gia cho rằng, nguồn thủy điện vừa và nhỏ sẽ góp phần bổ sung cho lượng điện thiếu hụt; song cần xem xét, tính toán các dự án có khả năng đầu tư, để trong quá trình khai thác đạt hiệu quả cao.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, ngành năng lượng tới năm 2020 phải đạt sản lượng điện 265 tỷ kWh và tới năm 2030 phải đạt được 570 tỷ kWh; trong khi hiện nay, Việt Nam mới có trên 170 tỷ kWh điện thương phẩm.
Vấn đề đặt ra là cần phải tính toán để khai thác các tiềm năng các nguồn năng lượng trong nước còn có thể khai thác, đồng thời tìm các nguồn điện từ các nước trong khu vực, cung cấp thêm điện cho Việt Nam như từ Lào, Campuchia, Trung Quốc…
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, các nguồn thủy điện lớn đã đầu tư từ nhiều thập kỷ qua, đến nay coi như kết thúc, cộng với các nguồn thủy điện vừa và nhỏ khoảng 4.000 MW đã được xây dựng và đưa vào vận hành, tổng công suất nguồn thủy điện hiện tại đạt khoảng 70.000 MW, với sản lượng điện khoảng 70 tỷ kWh/năm.
Cho đến nay, nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ đã đi vào vận hành ổn định, nhiều dự án đã trồng lại rừng, hầu hết không ảnh hưởng tới tái định cư, đời sống vùng thượng lưu, hạ lưu; cùng với đó, việc xả lũ đã theo đúng quy trình được cấp có thẩm quyền ban hành, giúp điều tiết nguồn nước…
“Do vậy, cần phải xem xét lại, trong số các dự án còn có khả năng đầu tư tiếp, đó là những dự án có hiệu quả kinh tế, có công suất điện khá (trên 30 MW trở lên), nên tiếp tục cho đầu tư xây dựng, cung cấp điện cho các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, giảm bớt gánh nặng cho hệ thống điện quốc gia, nhưng với điều kiện đảm bảo quy trình lập đề án,… tổ chức xây dựng, hạn chế tối đa phá hoại rừng, cần phải có quy trình chặt chẽ xây dựng các dự án này; trong đó có vận hành hồ chứa,…”, ông Ngãi nói
Theo tính toán của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nếu cho khai thác thêm khoảng 300-400 dự án thủy điện nhỏ và vừa nữa, thì tổng công suất nguồn thủy điện mới khai thác này sẽ đạt được từ 3.000 – 4.000 MW, tương đương khoảng 15 tỷ kWh điện năng, góp thêm phần điện năng thiếu hụt.
Cùng quan điểm trên, ông Phan Duy Phú, Phó Vụ trưởng Vụ Thủy điện – Tổng cục năng lượng cũng cho hay, hệ thống văn bản pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đảm bảo môi trường… đã tương đối hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, nâng cao năng lực cho lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện.
Các chi phí vận hành và bảo dưỡng hàng năm hiện ở mức thấp so với vốn đầu tư và thấp hơn nhiều các nhà máy điện khác; là nguồn cung ứng linh hoạt, bởi khả năng điều chỉnh công suất; nhờ công suất phủ đỉnh của thủy điện có thể tối ưu hóa biểu đồ phụ tải chạy nền bởi các nguồn kém linh hoạt hơn các nhà máy nhiệt điện hoặc điện hạt nhân….
Tuy nhiên, thời gian qua, việc thẩm định hồ sơ quy hoạch, đánh giá chất lượng xây dựng tại các địa phương chưa được thực hiện một cách bài bản, còn nhiều thiếu sót dẫn đến chất lượng quản lý chưa cao; một số dự án còn chồng lấn phạm vi khai thác, mâu thuẫn về khai thác nguồn nước và chưa phù hợp với các quy hoạch liên quan khác như thủy lợi, giao thông, điện lực hoặc hiệu quả kinh tế còn thấp….
Tiến độ xây dựng thủy điện phải đồng bộ với tiến độ xây dựng các quy hoạch khác có liên quan, tuy nhiên hiện nay tại một số địa phương, tuy đã có quy hoạch lưới điện, giao thông, hạ tầng một cách đồng bộ nhưng do thiếu vốn hoặc phân bổ nguồn vốn chưa hợp lý nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng của các dự án thủy điện, ông Phan Duy Phú cho biết thêm.
Do vậy, ông Phú cho rằng, để định hướng phát triển thủy điện vừa và nhỏ một cách bền vững, trước mắt, cần xem xét điều chỉnh quy hoạch phân cấp công trình trong quản lý chất lượng công trình xây dựng đảm bảo phù hợp với điều kiện năng lực của các Sở Công Thương. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, vận hành và khai thác các công trình thủy điện.
Lào Cai là tỉnh có nhiều dự án thủy điện. Đến nay, tỉnh đã cho phép 46 nhà đầu tư trong và ngoài nước khảo sát, lập dự án đầu tư 76 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy dự kiến 1.132 MW và tổng giá trị đầu tư trên 33.000 tỷ đồng.
Việc khai thác tiềm năng thủy điện đã và sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho địa phương và đất nước, mang lại doanh thu cho các doanh nghiệp và tăng sản lượng điện cung cấp trên địa bàn, giải quyết được bài toán thiếu điện hiện nay. Nhưng để khai thác tối đa, có hiệu quả tiềm năng thủy điện, ông Phan Văn Cương, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho hay, cần xem xét lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực quản lý; trong quá trình thẩm định dự án phải tiến hành kiểm tra, xem xét cụ thể từng nội dung, chú trọng kiểm tra thực tế hiện trường…
Ông Cương cũng kiến nghị, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan cũng cần tăng cường hướng dẫn và tạo điều kiện giúp tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy điện cho phù hợp với tình hình phát triển; đồng thời đẩy nhanh thi công các đường dây 220kV để sớm hoàn thành đưa vào khai thác vận hành kịp thời phục vụ truyền tải hết công suất phát của các nhà máy thủy điện trên địa bàn vào lưới điện quốc gia trong năm 2017…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục