Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt trong các thương vụ M&A?

15:00' - 07/06/2019
BNEWS Trong thị trường thương mại tự do, mua bán và sáp nhập (M&A) và gọi vốn đã không còn là khái niệm xa lạ đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực M&A. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Ngoài kênh huy động vốn truyền thống, doanh nghiệp Việt có nhiều lựa chọn như huy động vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân, gọi vốn, M&A… với nhà các đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.

Đây là thông tin tại tọa đàm "M&A và gọi vốn, tận dụng cơ hội, phát triển và dẫn đầu", do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu – LBC phối hợp cùng Công ty trách nhiệm hữu hạn Grant Thornton Việt Nam tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 7/6.

Theo các chuyên gia về M&A, trong lĩnh vực gọi vốn hiện nay, các quỹ đầu tư, công ty hoạt động trong lĩnh vực này đóng góp quan trọng cho doanh nghiệp không chỉ về vốn mà còn về nhiều khía cạnh khác của kinh doanh như: quản trị, ý tưởng, mối quan hệ và kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, lý do để doanh nghiệp cân nhắc một giao dịch M&A hay gọi vốn, có thể là mở rộng kinh doanh, phát triển thị trường, thị phần; tìm kiếm đối tác, nhận đề nghị hấp dẫn từ bên mua; gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ vỡ nợ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng, Dịch vụ tư vấn doanh nghiệp, Grant Thornton Việt Nam cho biết, trong quy trình M&A hay gọi vốn, doanh nghiệp cần lập kế hoạch, chuẩn bị cho giao dịch, tiếp cận và trao đổi thông tin với nhà đầu tư. Mặt khác, doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề thẩm định và đàm phán hợp đồng một cách cẩn trọng.

Báo cáo của Grant Thornton Việt Nam cho thấy, kinh tế tư nhân được dự báo sẽ trở thành một trong 4 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019, nhất là khối công ty khởi nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng những điều kiện thuận lợi từ việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do đã và sẽ có hiệu lực.

Tương tự, một số báo cáo của các công ty nghiên cứu khảo sát khác chỉ ra rằng, Việt Nam là một trong 3 thị trường đầu tư tư nhân sôi động nhất tại Đông Nam Á.

Singapore, Việt Nam, Indonesia và Malaysia là 4 thị trường dẫn đầu về số lượng thương vụ và giá trị đầu tư tư nhân tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2018.

Việt Nam còn được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Cụ thể, dự báo có 6 nhóm ngành hấp dẫn đầu tư tại Việt Nam trong 12 tháng tới, gồm: công nghệ tài chính, giáo dục, năng lượng tái tạo, dược phẩm, thương mại điện tử, vận tải và giao thông.

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt, nhất là thương vụ thâu tóm, M&A diễn ra rầm rộ và phổ biến hơn trước đây.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu để đủ sức giữ vững thị trường và tăng trưởng bền vững.

Liên quan đến thương vụ M&A, ông Johnathan Ooi, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn, Công ty PwC Việt Nam cho hay, xây dựng thương hiệu là một trong những vấn đề rất quan trọng đối với doanh nghiệp, không chỉ đối với các công ty Việt Nam mà tất cả các công ty trên toàn cầu.

Trên thực tế, từ trước đến nay thương vụ M&A thành công, phổ biến ngoài tài sản công ty thì giá trị thương hiệu luôn được đánh giá một cách kỹ lưỡng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Châu, chuyên gia Dịch vụ tư vấn doanh nghiệp, Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam trình bày tại tọa đàm. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Hay nói cách khác, thương hiệu là một trong những công cụ của M&A và được định giá để phục vụ cho hoạt động liên kết, kinh doanh, đầu tư…

Thương hiệu còn thể hiện sự cam kết của doanh nghiệp đối với khách hàng, đảm bảo quyền lợi về sản phẩm, dịch vụ…

Nhiều nhà đầu tư luôn sẵn sàng đầu tư hay trả giá cao hơn trong thương vụ M&A có thương hiệu tốt. Bên cạnh đó, thương hiệu không chỉ tạo ra nhiều giá trị cho doanh nghiệp, mà vấn đề cốt lõi của một thương hiệu là cần tạo ra niềm tin tăng trưởng trong dài hạn và phát triển một cách bền vững.

Một trong những lý do đầu tiên nhà đầu tư luôn muốn biết, ngoài giá trị của doanh nghiệp đó ra còn có giá trị thương hiệu. Việc định giá thương hiệu trong thương vụ M&A phổ biến để đáp ứng yêu cầu của chuẩn mực kế toán quốc tế về định giá thương hiệu. Đồng thời, còn phục vụ cho vấn đề thu hút đầu tư, liên kết và liên doanh.

Thống kê top 10 thương hiệu Việt Nam hiện nay, có thể thấy dẫn đầu là Viettel, Vinamilk, VNPT… đều là doanh nghiệp nhà nước.

Thương hiệu là một trong những tài sản quan trọng và giá trị nhất của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp luôn phải bảo vệ và nuôi dưỡng.

Đối với thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài thường áp dụng hai phương thức định giá thương hiệu doanh nghiệp phổ biến trong thương vụ M&A là tiếp cận thu nhập và tiếp cận thị trường.

Nếu tăng trưởng của doanh nghiệp đạt gần với mức tăng trưởng ngành thì nên định giá doanh nghiệp theo cách tiếp cận thị trường.

Còn nếu tăng trưởng của doanh nghiệp đạt hơn mức tăng trưởng ngành thì nên định giá doanh nghiệp theo cách tiếp cận thu nhập./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục