Cơ hội đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại công nghệ cao

17:49' - 14/01/2019
BNEWS Phát triển thương hiệu thông qua nền tảng thương mại điện tử, mang lại sự đổi mới trong xúc tiến thương mại mà Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm biến đổi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ Trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp công nghệ cao gắn với định hướng phát triển kinh tế của các địa phương, kết nối các nhà đầu tư nước ngoài với các địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận công nghệ cao, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chiều 14/1 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước tổ chức “Hội thảo xúc tiến đầu tư Công nghiệp và thương mại công nghệ cao”.

Theo Ban tổ chức, hội thảo cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước có quy mô vừa và nhỏ tiếp cận công nghệ cao, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến và cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại hội thảo, Cục Xúc tiến thương mại công bố hợp tác với tập đoàn Amazon Global Selling để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, thông qua bán sản phẩm trên hệ thống bán lẻ trực tuyến của Amazon Global Selling.

Phát triển thương hiệu thông qua nền tảng thương mại điện tử, mang lại sự đổi mới trong xúc tiến thương mại mà Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm biến đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và đưa thương mại điện tử trở thành một hình thức giao dịch thương mại có tiềm năng phát triển.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, sau 30 năm thúc đẩy đầu tư, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giữ vai trog quan trọng, góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, được thể hiện qua các con số.

Hết năm 2018, cả nước có 27.353 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 340 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt trên 191 tỷ USD, bằng 56,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Theo lĩnh vực, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân; trong đó lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, với 195,3 tỷ USD, chiếm 57,4% tổng vốn đầu tư; sản xuất và phân phối điện, khí, nước với 23 tỷ USD, chiếm 6,7% tổng vốn đầu tư.

Theo các đối tác đầu tư, có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam; trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 62,5 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ hai với 57 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư, tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc)...

Theo địa bàn, đầu tư nước ngoài đã có mặt ở 63 tỉnh thành; trong đó, Tp. Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI, với 45 tỷ USD (chiếm 13,2% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Hà Nội 33,1 tỷ USD (chiếm 9,7% tổng vốn đầu tư), Bình Dương 31,7 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư.

Theo Chiến lược, kế hoạch, định hướng phát triển các ngành kinh tế của Việt Nam đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt thì trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra sự ưu tiên, chọn lọc trong tiếp nhận đầu tư, sẽ khuyến khích những dự án có trình độ công nghệ cao, tiên tiến, đảm bảo môi trường gắn liền với phát triển bền vững.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Bộ Công Thương luôn mong muốn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước trong phạm vi chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước để hỗ trợ hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm đến người tiêu dùng toàn cầu./.

>>> Việt Nam phối hợp cùng Amazon bán hàng toàn cầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục