Cơ hội cho mối quan hệ Nhật Bản - Ấn Độ

07:25' - 06/11/2018
BNEWS Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi đã thỏa thuận về việc tiến hành đối thoại theo cơ chế 2+2 nhằm duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP/TTXVN

Đối thoại 2+2 (giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng) là một cơ chế thường chỉ được thiết lập giữa các quốc gia có quan hệ đồng minh mật thiết.
Ấn Độ và Nhật Bản tiếp tục siết chặt quan hệ với chuyến công du Tokyo của Thủ tướng Narendra Modi. Trong thượng đỉnh lần thứ 13, diễn ra ngày 29/10, hai bên cam kết nỗ lực trong hàng loạt lĩnh vực, từ tài chính, công nghệ, an ninh mạng, y tế, không gian, và đặc biệt là về quốc phòng, vì các lợi ích song phương, vì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương “hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.
Thông cáo chung giữa New Delhi và Tokyo cũng cho biết hai bên sẽ hoàn tất đàm phán để hải quân hai nước có thể sử dụng một số căn cứ và dịch vụ quốc phòng của nhau (thỏa thuận ACSA), trong đó có việc phía Ấn Độ sẽ được phép sử dụng căn cứ của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại Djibouti (châu Phi), hay phía Nhật được tiếp cận với các quân cảng Ấn Độ tại các đảo Andaman và Nicobar, trên Ấn Độ Dương, sát với eo biển chiến lược Malacca. Hai bên dự kiến sớm đúc kết thỏa thuận này, để chuẩn bị cơ sở hậu cần cho các cuộc tập trận song phương, dự kiến diễn ra trong hai năm tới (2019-2020).
Trong lĩnh vực tài chính, Nhật Bản và Ấn Độ thỏa thuận lập hợp đồng hoán đổi tiền tệ, với tổng trị giá 75 tỷ USD, được cho là chưa từng có đối với một thỏa thuận song phương trên thế giới. Việc hoán đổi tiền tệ này cho phép hai nước chủ động về nguồn tài chính hơn, bớt phụ thuộc vào USD. 
Tokyo cũng quyết định cấp thêm tín dụng lên đến 2,7 tỷ USD, với lãi suất thấp, để hỗ trợ Ấn Độ hoàn thành dự án đường sắt cao tốc chiến lược Mumbai-Ahmedabad, và một số dự án khác. Nhật Bản và Ấn Độ cũng dự kiến triển khai nhiều dự án với sự tham gia của châu Phi và các quốc gia châu Á khác như Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka…
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định Ấn Độ đang là động lực thúc đẩy khu vực và sự thịnh vượng của thế giới với tư cách là một cường quốc toàn cầu. Khi đoàn tàu cao tốc Shinkansen, dự án hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ, bắt đầu vận hành tuyến Mumbai - Ahmedabad, sẽ trở thành một biểu tượng tỏa sáng của tình hữu nghị Nhật Bản - Ấn Độ trong tương lai.
Trong khi đó, hãng tin Kyodo dẫn phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Modi khẳng định: "Quan hệ đối tác Ấn Độ-Nhật Bản đã thay đổi hoàn toàn về cơ bản và đã được củng cố như một mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu". Ông nêu rõ: "Trong mối quan hệ này không có yếu tố tiêu cực nào mà chỉ có những cơ hội đang chờ được nắm giữ".
Kể từ năm 2005, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ đã tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh gần như thường niên. Tính tới nay, hai ông Abe và Modi đã tổ chức hơn chục cuộc gặp thượng đỉnh. 
Chuyến thăm lần này của ông Modi tới Nhật Bản diễn ra ngay sau khi ông Abe thăm Trung Quốc và có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Lý Khắc Cường và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong các cuộc gặp này, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc đã thống nhất nguyên tắc chuyển đổi quan hệ từ cạnh tranh sang hợp tác trong kỷ nguyên mới của quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Tạp chí The Diplomat số ra gần đây đăng bài viết với nhận định rằng cả Nhật Bản và Ấn Độ có thể được hỗ trợ nhiều hơn cho quan hệ hiện tại thay vì theo đuổi một liên minh. Giới phân tích dự đoán về một liên minh Nhật - Ấn dựa trên tốc độ tăng cường đáng kinh ngạc quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Ấn Độ kể từ đầu những năm 2000. 
Dự đoán này phần nào căn cứ vào phát biểu của Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso năm 2013, khi ông nhận định rằng Ấn Độ và Nhật Bản là một liên minh được liên kết bởi triết lý và chuyển động dựa trên những giá trị của mỗi nước.
Phát biểu này của ông Aso đã làm phật lòng Trung Quốc. Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm New Delhi vào tháng 9/2017, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo rằng "các nước trong khu vực nên đối thoại, không nên đối đầu và làm việc trên quan hệ đối tác thay vì liên minh".
Việc lãnh đạo Nhật Bản sử dụng thuật ngữ liên minh trong mối quan hệ với Ấn Độ làm xuất hiện những đồn đoán về khả năng hai quốc gia này có thể đạt được một thỏa thuận trước mối đe dọa chung là Trung Quốc. Tuy nhiên, sự quan ngại phản ứng của Trung Quốc vẫn là yếu tố kiềm chế mạnh mẽ quan hệ giữa Nhật Bản và Ấn Độ. 
Với những thực tế trên, sẽ không có gì ngạc nhiên khi trải qua cuộc đụng độ với Trung Quốc vào năm ngoái tại Doklam, Thủ tướng Narendra Modi đã hồi sinh khái niệm về quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ. Điều này được thể hiện trong bài phát biểu của ông Modi tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore đầu tháng 6 vừa qua./.

         

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục