Có chính sách về kinh tế nền tảng số cho Việt Nam

16:58' - 19/12/2019
BNEWS Kinh tế nền tảng số đã phát triển như vũ bão với những tên tuổi ngày càng nhiều thêm như Facebook, Google, AirBnB, Uber, Grab, Wechat, Youtube, Coursera, Bitcoin, Xbox, Udemy, Amazon, Alibaba…
Toàn cảnh tọa đàm “Tìm kiếm một tầm nhìn chính sách về Kinh tế Nền tảng số cho Việt Nam” diễn ra chiều 19/12 tại Hà Nội. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Chiều 19/12, tại Hà Nội, UP Co-working space phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức tọa đàm “Tìm kiếm một tầm nhìn chính sách về kinh tế nền tảng số cho Việt Nam”. Đây là buổi tọa đàm thứ hai trong chuỗi toạ đàm gồm 8 buổi về chủ đề này, với mong muốn nhận diện bản chất nền kinh tế mới từ góc nhìn của công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách. 

Tại buổi tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách chia sẻ, kinh tế nền tảng số (Platform Economy) là hoạt động kinh tế và xã hội dựa trên các hạ tầng công nghệ mới và mặc định được hiểu là các hạ tầng kỹ thuật số.

Trong hơn một thập kỷ qua, kinh tế nền tảng số đã phát triển như vũ bão với những tên tuổi ngày càng nhiều thêm như Facebook, Google, AirBnB, Uber, Grab, Wechat, Youtube, LinkedIn, Tinder, edX, Coursera, Bitcoin, Xbox, Udemy, Amazon, Alibaba… Kinh tế nền tảng số không những giúp tăng năng suất lao động mà còn thay đổi bản chất nghề nghiệp của mỗi cá nhân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng, dù muốn thừa nhận hay không thừa nhận, kinh tế nền tảng số đã xâm nhập và đang thay đổi nhanh chóng diện mạo xã hội Việt Nam.

Đồng thời, nước ta cũng đang đối diện với những vấn đề từ pháp lý, đạo đức, an toàn an ninh mạng, quyền riêng tư cho tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin có chất lượng, cùng với việc phát triển chính phủ điện tử một cách kịp thời, phù hợp nhằm đáp ứng những biến đổi của thời đại.

Vì lý do đó, giới hoạch định chính sách tại Việt Nam cần có những thay đổi trong quan điểm và triết lý đối với loại hình kinh tế mới này.

Các chuyên gia thống nhất cho rằng, sự phát triển của kinh tế nền tảng số là rất mạnh mẽ và nhanh chóng, đòi hỏi nhà làm chính sách phải kịp thời xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách.

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực để thích nghi với sự phát triển của kinh tế thế giới, khoa học công nghệ như: chuyển đổi số, mở rộng hành lang pháp lý, cải cách thủ tục hành chính... nhưng sự chuyển đổi này vẫn còn chậm. Điều này khiến những vấn đề tiêu cực nảy sinh nhiều hơn.

Ví dụ như Việt Nam đang “lúng túng” trong việc quản lý loại hình vận tải mới như Grab, Bee… Bên cạnh đó, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh online cũng gây khó khăn cho các nhà quản lý chính sách về vấn đề thu thuế.

Thương mại điện tử đem lại sự thuận lợi cho người dùng và kích thích tiêu dùng khi khách hàng có thể mua sắm từ bất kỳ đâu nhưng giao dịch thương mại điện tử khó nhận dạng, khó kiểm chứng thông tin và khó truy thu thuế. Các hình thức thu thuế đối với kinh doanh online hiện nay vẫn chỉ phụ thuộc vào sự tự giác của chủ cửa hàng mà chưa có hình thức gì để truy thu thuế hiệu quả.

Theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý của Việt Nam cần phải hiểu rõ tính mới của mô hình kinh doanh nền tảng số. Từ đó, có tư duy mới trong quản lý và tránh khiên cưỡng áp quy định cũ vào mô hình mới. Như vậy, chúng ta có thể phát huy tối đa điều kiện nội tại cũng như lợi thế của kinh tế nền tảng số Việt Nam một cách bền vững, không bị tụt hậu so với các nước trên thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục