Cơ chế mới trong hợp tác Trung - Nhật

06:30' - 07/11/2018
BNEWS Cơ chế hợp tác Trung - Nhật tại thị trường thứ ba được các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng sẽ giúp làm thay đổi cục diện cạnh tranh về giá đồng thời phát huy được ưu thế của mỗi nước.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Kyodo/TTXVN

“Minh báo” - nhật báo có quan điểm trung lập của Hong Kong (Trung Quốc) đưa tin, trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ ngày 25-27/10, Trung Quốc và Nhật Bản đã ký kết 52 văn kiện liên quan đến hợp tác giữa hai nước tại thị trường thứ ba với tổng giá trị hơn 18 tỷ USD.

Theo giới phân tích Trung Quốc, bản thân việc tạo dựng cơ chế hợp tác tại thị trường thứ ba giữa Trung Quốc và Nhật Bản không chỉ đơn giản là tiêu chí hai nước đã đi từ cạnh tranh đến phối hợp và hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, mà còn bao hàm ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều.
Thứ nhất, cách đây 40 năm, tức thời kỳ đầu Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa, Nhật Bản đã đóng vai trò quan trọng, không chỉ đầu tư lượng lớn tiền vốn sang thị trường Trung Quốc, mà còn cung cấp cho Trung Quốc những khoản viện trợ phát triển (ODA), giúp Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng. 
Mặc dù có nhiều sự giải thích khác nhau về tính chất của các khoản viện trợ từ Nhật Bản, nhưng một điều có thể khẳng định là, sức mạnh quốc gia của Trung Quốc năm xưa ở vào địa vị yếu thế, cần có những khoản viện trợ.

Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng Shinzo Abe, hai nước Trung - Nhật đã chính thức tuyên bố chấm dứt những khoản viện trợ ODA của Nhật Bản dành cho Trung Quốc, đồng thời trong khuôn khổ chiến lược “Vành đai và Con đường” (BRI) do Trung Quốc chủ đạo, tạo dựng cơ chế hợp tác Trung - Nhật tại thị trường thứ ba, tức Trung - Nhật cùng bắt tay khai thác thị trường quốc tế. 
Điều này cho thấy Trung Quốc đã từ chỗ nhận viện trợ của Nhật Bản trước đây, đến ngày hôm nay hai nước cùng hợp tác tạo ra lợi ích. Đây chính là sự giải thích hoàn hảo nhất cho thành công của Trung Quốc trong cải cách mở cửa. Do đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì cải cách mở cửa là điều không cần phải nghi ngờ.
Thứ hai, việc Nhật Bản tăng cường hợp tác với Trung Quốc, chính là đã gián tiếp đáp trả Tổng thống Mỹ Donald Trump. Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn nhấn mạnh “ưu tiên nước Mỹ”, không chỉ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, mà còn không bỏ qua Nhật Bản - một đồng minh tin cậy của Mỹ. 
Chính quyền Donald Trump đe dọa sẽ đánh thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản, giảm bớt thâm hụt thương mại với Nhật Bản, điều này rõ ràng là nguy cơ tiềm ẩn đối với kinh tế Nhật Bản vốn phụ thuộc chủ yếu vào ngoại thương. Vì thế, ông Shinzo Abe tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, tìm kiếm thị trường lớn hơn. 
Trên thực tế, Trung - Nhật hợp tác tại thị trường thứ ba cũng được xem là hành động hai nước cùng bảo vệ tự do thương mại toàn cầu. Chính Thủ tướng Shinzo Abe khi hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh cần thúc đẩy xây dựng trật tự kinh tế quốc tế tự do và công bằng hơn, có những đóng góp thiết thực cho tự do thương mại và phát triển kinh tế toàn cầu.
Thứ ba, lãnh đạo Trung Quốc nhận định chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là “quan hệ Trung - Nhật quay trở lại quỹ đạo thông thường”. Chính điều này là sự thừa nhận những năm gần đây, quan hệ hai nước không bình thường, đi chệch quỹ đạo. Thế nhưng, liệu từ nay về sau quan hệ Trung - Nhật liệu có phát triển theo quỹ đạo thông thường hay không, thì vẫn tồn tại nhiều nhân tố không xác định. 
Phân tích nội dung hội đàm của lãnh đạo hai nước có thể nhận thấy lãnh đạo Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào quan hệ Trung - Nhật trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải kiên trì tin cậy và thực hiện cam kết, xử lý thỏa đáng các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Trung - Nhật. Điều này phản ánh thực tế lãnh đạo Trung Quốc vẫn hoài nghi những cam kết và tuyên bố của Tokyo.
Tóm lại, Trung - Nhật thiết lập cơ chế hợp tác tại thị trường thứ ba, về khách quan có thể làm tăng thêm yếu tố lành tính để hai nước xử lý mâu thuẫn và bất đồng. Bởi một khi Trung - Nhật xuất hiện bất đồng nghiêm trọng, dẫn đến hợp tác gián đoạn, hậu quả không chỉ hai nước gánh chịu, mà còn liên quan đến lợi ích của bên thứ ba và thậm chí gây ra những tác động tiêu cực mang tính quốc tế.

Nhìn từ góc độ này có thể thấy, cơ chế hợp tác Trung - Nhật tại thị trường thứ ba vừa khiến quan hệ hai nước không đi lệch quỹ đạo, vừa tăng thêm sức ràng buộc của bên thứ ba đối với các dự án hợp tác Trung - Nhật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục