Cơ cấu mặt hàng XNK giữa Việt Nam với Trung Đông – châu Phi bổ sung cho nhau

17:26' - 09/09/2019
BNEWS Chiều 9/9 tại Hà Nội, phiên họp Hợp tác Kinh tế của hội nghị “Gặp gỡ Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi đã chính thức diễn ra, với phần chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh.
Các khách mời dự tham luận. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

Với chủ đề Nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại Việt Nam-Trung Đông-châu Phi, chiều 9/9 tại Hà Nội, phiên họp Hợp tác Kinh tế của hội nghị “Gặp gỡ Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi đã chính thức diễn ra, với phần chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định, Việt Nam là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phát triển năng động và đang hướng tới tầm nhìn 2030 về xây dựng một xã hội thịnh vượng với nền kinh tế phát triển mạnh dựa trên tri thức, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

Đối với Việt Nam, quan hệ với các nước Trung Đông-châu Phi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Qua giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam cùng các nước Trung Đông-châu Phi luôn cùng nhau vượt qua các thách thức chung, nỗ lực mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi nước, đồng thời bảo vệ những lợi ích chung của các quốc gia đang phát triển trong cộng đồng quốc tế.

Đánh giá tiềm năng hợp tác với các nước Trung Đông-châu Phi, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn tin tưởng có khả năng đáp ứng các nhu cầu hợp tác ngày càng cao và đa dạng của các nước Trung Đông-châu Phi.

Không chỉ tiềm năng mà cả nhu cầu hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi còn đang rất lớn và đa dạng.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, sự hợp tác giữa Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông-châu Phi còn gặp không ít thách thức, trở ngại.

Do cả hai bên còn thiếu thông tin và sự hiểu biết sâu về thị trường, tập quán kinh doanh và hệ thống pháp luật của nhau.

Lại thêm sự xa cách về địa lý dẫn đến hiệu quả kinh doanh chưa cao và sự quan tâm chưa đúng mức của các bộ, ngành doanh nghiệp hai bên.

Bên cạnh đó, mạng lưới các cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại thường trú của mỗi bên còn mỏng, các cơ chế hợp tác song phương hiện có chưa thực sự phát huy hết vai trò trong thúc đẩy hợp tác kinh tế.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, liên kết kinh tế giữa khu vực Trung Đông-Châu Phi với khu vực Đông Nam Á nói chung và với Việt Nam nói riêng còn hạn chế.

Mặc dù là một nền kinh tế mở với 16 hiệp định thương mại tự do, nhưng đến nay Việt Nam chưa ký kết Hiệp định thương mại tự do với bất kỳ nước nào trong khu vực.

Chính vì lẽ đó, Phó Thủ tướng cho rằng, sự kiện lần này là một trong những bước quan trọng để xác định những biện pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và hiện thực hóa những lợi thế, tiềm năng và tầm nhìn về sự hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-Châu Phi.

Đại diện Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường cho biết, Việt Nam và 69/70 quốc gia Trung Đông-châu Phi đã thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hơn 200 văn kiện hợp tác đã dược ký kết tạo khung pháp lý thuận lợi cho quan hệ hợp tác nhiều mặt.

Về thương mại, từ năm 2010 đến nay, kim ngạch trao đổi hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông- châu Phi đã tăng trên 3,5 lần, từ 5 tỷ đô la Mỹ (USD) lên 18 tỷ USD.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp hai bên cũng đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ, đạt trên 5,5 tỷ USD; trong đó, đáng chú ý là các dự án viễn thông của Việt Nam tại một số quốc gia châu Phi, giúp người dân nơi đây tiếp cận dịch vụ viễn thông và mở rộng cơ hội kết nối toàn cầu.

Hợp tác nông nghiệp, năng lượng, giao thông, lao động và chuyên gia cũng là những điểm sáng trong hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.

Những kết quả đó góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia Trung Đông-châu Phi.

Tuy nhiên, có thể thấy hiệu quả hợp tác kinh tế nhìn chung chưa tương xứng với nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, tiềm năng của các nền kinh tế, cũng như mong muốn của lãnh đạo, nhân dân Việt Nam và nhiều quốc gia Trung Đông-châu Phi.

Tỷ trọng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực rộng lớn của 70 quốc gia với 1,6 tỷ dân trải dài trên 36 triệu km2 nhưng chỉ chiếm khoảng 3,5% trên tổng số 480 tỷ USD xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2018.

Con số khá khiêm tốn so với tốc độ tăng trưởng và quy mô hinh tế, dân số của hai bên. Điều đó cho thấy, cần phải làm nhiều hơn, quyết liệt hơn nữa và hiệu quả hơn nữa…

Đồng tình quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng, Việt Nam coi các nước Trung Đông và châu Phi là những đối tác kinh tế thương mại quan trọng trên tinh thần hữu nghị và hợp tác nên cần có sự quan tâm thích đáng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan của Chính phủ để tháo gỡ những rào cản và khó khăn, tìm ra những giải pháp cụ thể để tiếp tục khai thác tốt các cơ hội và tiềm năng hợp tác hiện tại, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước thuộc khu vực Trung Đông-châu Phi.

Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

Việt Nam là đối tác tin cậy và có trách nhiệm đối với các quốc gia Trung Đông và châu Phi, luôn coi trọng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp vốn có và sẽ có.

Riêng trong năm 2018, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông và châu Phí đã đạt những kết quả rất đáng ghi nhận với tổng kim ngạch 2 chiều là 20,5 tỷ USD, tăng 10,2%; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 11,7 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 8,8 tỷ USD.

Riêng trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, dịch vụ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi cũng có nhiều bước tiến tích cực.

Tính đến hết năm 2018, đã có 33 nước trong khu vực này đã đầu tư vào Việt Nam với 447 dự án và trên 29 tỷ USD.

Riêng 7 tháng đầu năm 2019, đã có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ Trung Đông-châu Phi đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư 207 triệu USD, Thứ trưởng Hưng cho biết thêm.

Kinh tế khu vực của Trung Đông-châu Phi đã có sự tăng trưởng tích cực trong những năm gần đây, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước Trung Đông – châu Phi có tính chất bổ sung cho nhau.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như: điện thoại, linh kiện điện tử, giày dép, dệt may, máy vi tính, các sản phẩm điện, điện tử, sữa và các sản phẩm từ sữa, nông sản như: gạo, tiêu, hạt điều, rau quả…

Ngược lại, Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu từ Trung Đông-châu Phi các mặt hàng như: dầu thô, diezen, khí đốt hóa lỏng, kim loại, nguyên liệu hóa chất, nguyên liệu dệt may… phục vụ các ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Rõ ràng, cần phải có giải pháp để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi

Cũng tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp tham gia đều có chung nhận định, tiềm năng hợp tác trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi là rất lớn và vô cùng triển vọng.

Song, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thêm các cơ chế ưu đãi, khuyến khích để hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư, tạo thuận lợi về chính sách xuất nhập khẩu và giảm bớt các gánh nặng về thủ tục hành chính, các chi phí trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục