Chuyên gia Reuters: Kinh tế toàn cầu đang bên bờ khủng hoảng

08:23' - 13/06/2019
BNEWS Nhà phân tích thị trường của Reuters, John Kemp vừa có bài phân tích về các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang bên bờ vực khủng hoảng. Sau đây là những nội dung chính mà ông đã chỉ ra:
Lượng hàng bốc dỡ qua các cảng lớn cũng như hàng hoá đường hàng không giảm. Ảnh minh họa: TTXVN

Hoạt động thương mại toàn cầu đang dậm chân tại chỗ hay suy giảm ở các khu vực chủ chốt khi nền kinh tế thế giới đang đối diện với khủng hoảng lần đầu tiên kể từ năm 2008-2009, khiến tăng trưởng tiêu thụ dầu mỏ yếu đi.

Lượng hàng bốc dỡ qua các cảng lớn như Long Beach và Singapore cũng như hàng hoá đường hàng không đi qua các trung tâm như Hong Kong (Trung Quốc), Memphis, London và Frankfurt cũng không tăng hoặc giảm so với năm 2018.

Sân bay Quốc tế Hong Kong, điểm trung chuyển hàng hoá đường hàng không lớn nhất thế giới, đã chứng kiến lượng hàng hoá giảm hơn 5% trong 3 tháng kể từ tháng Ba đến tháng Năm năm nay so với cùng kỳ năm trước.

Sân bay Heathrow của London cũng thông báo lượng hàng hoá giảm 4,5% trong khoảng từ tháng Ba đến tháng Năm năm nay so với cách đây một năm, và đây là mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2013.

Sân bay Frankfurt của Đức cũng có lượng hàng hoá giảm gần 3% trong khi lượng hàng hoá ở sân bay quốc tế Memphis của Tennessee giảm khoảng 1% trong khoảng từ tháng Hai đến tháng Tư năm nay so với năm ngoái.

Hàng hoá đi đường hàng không thường là hàng giá trị nhất và là các hàng hoá nhạy cảm về thời gian và đây là chỉ số tham chiếu đáng tin cậy đối với các lĩnh vực vận tải khác và cả nền kinh tế nói chung.

Lượng côngtơnơ vận tải đường biển qua cảng Long Beach ở California, cảng lớn nhất trong giao thương xuyên Thái Bình Dương, đã giảm 10% trong thời gian từ tháng Ba đến tháng Năm năm nay, giảm mạnh nhất kể từ 2015-2016.

Số côngtơnơ qua cảng Singapore tăng 1% cũng trong khoảng thời gian trên so với cách đây 1 năm, nhưng mức tăng trưởng này đã chậm lại rất nhiêu so với mức tăng 16% trong quý I/2018.

Các chỉ số vận tải hàng hoá dự báo sẽ tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm và có thể rơi vào suy thoái thật sự.

Theo chỉ số quản lý mua toàn cầu của JPMorgan, các nhà chế tạo toàn cầu thông báo các đơn hàng xuất khẩu đã giảm 9 tháng qua và giờ tiếp tục giảm với tốc độ nhanh hơn.

Chỉ số chứng khoán Hàn Quốc KOSPI-100 -con số tham chiếu chuẩn đối với tăng trưởng thương mại toàn cầu bởi tính đặc biệt nhạy cảm của nó với hoạt động xuất khẩu- đã giảm gần 15% hồi cuối tháng Năm so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số triển vọng thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010, báo hiệu sự tiếp tục xuống dốc của tăng trưởng thương mại.

Hồi tháng Ba, chỉ số tổng hợp hàng đầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về hoạt động kinh tế tại các nền kinh tế phát triển và các thị trường đang nổi chủ chốt đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008-2009.

Kể từ năm 1970, bất cứ khi nào chỉ số OECD giảm xuống đến mức thấp như vậy thì kinh tế Mỹ lại rơi vào suy thoái và kéo theo các nền kinh tế công nghiệp phát triển khác.

Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu vẫn có khả năng tránh được một cuộc khủng hoảng ngay lập tức. Năm 2015-2016, giá dầu mỏ và hàng hoá khác đã đẩy nền kinh tế tới sát bờ khủng hoảng, để rồi lại vực dậy được năm 2017-2018.

Hoặc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác có thể cắt giảm lãi suất để cải thiện niềm tin và thúc đẩy chi tiêu vào hàng hoá lâu bền. Năm 1998, những lần cắt giảm lãi suất đúng lúc đã giúp đà cải thiện kinh tế kéo dài được thêm 2 năm.

Các nhà giao dịch đánh cược vào tỷ lệ lãi suất Mỹ đang dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất là 0,25 điểm phần trăm vào cuối tháng Chín này và có thể lần cắt giảm tiếp theo sẽ là 0,75 điểm phần trăm so với mức hiện tại vào tháng 1/2020.

Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, kinh tế toàn cầu có vẻ đang bên bờ vực suy thoái, và nhiều khả năng là xu hướng đi xuống sẽ tiếp tục xuống sâu hơn trong 6 tháng tới, trừ phi có những hành động ngăn chặn kịp thời./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục