Chuyên gia đề xuất cách tăng giá trị cho cà phê Việt Nam

17:12' - 04/12/2019
BNEWS Để nâng cao giá trị xuất khẩu và phát triển thương hiệu cà phê cần có chiến lược nâng chất lượng nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh đầu tư chế biến hướng tới xây dựng chuỗi giá trị cà phê bền vững.
Các chuyên gia chia sẻ thông tin thị trường cà phê Việt Nam và thế giới. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới tuy nhiên giá trị xuất khẩu cà phê chưa tương xứng với tiềm năng và thu nhập của người trồng cà phê quá bấp bênh.

Để nâng cao giá trị xuất khẩu, thu nhập cho nông dân và phát triển thương hiệu cà phê Việt Nam cần có chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh đầu tư chế biến hướng tới xây dựng chuỗi giá trị cà phê bền vững.

Đây là nội dung được nhiều chuyên gia thảo luận tại Tuần lễ Cà phê Việt Nam 2019 do Công ty Informa Connect phối hợp với Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 4/12.

*Đối mặt nhiều thách thức

Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, ngành sản xuất cà phê Việt Nam đang duy trì mức tăng trưởng khoảng 8%/năm, diện tích trồng cà phê cả nước là 600.000ha, sản lượng hiện nay khoảng 1,6 -1,7 triệu tấn. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới với sản lượng xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn do biến động giá cả và cán cân cung - cầu. Theo đó, giá cà phê hiện nay đang giảm sâu tới 40% so với thời điểm năm 2010, khiến nông dân trồng cà phê gặp khó khăn và có xu hướng giảm diện tích trồng, giảm đầu tư cho cây cà phê dẫn đến năng suất, chất lượng cà phê bị ảnh hưởng.

Điều đáng nói là mặc dù giá cà phê nhân thô giảm mạnh nhưng giá cà phê rang xay và cà phê thành phẩm ở các nước phát triển vẫn tăng đáng kể, chứng tỏ nhu cầu tiêu dùng cà phê đang cao và chỉ có người trồng cà phê ở các nước đang phát triển gặp khó khăn.

Lý giải điều này, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty Cà phê Vĩnh Hiệp cho rằng, ngoài những biến động mang tính chu kỳ của giá cà phê thế giới thì chất lượng cà phê chính là nguyên nhân khiến nông dân trồng cà phê Việt Nam gặp khó khăn trong những năm qua.

Mặc dù tổng diện tích trồng và sản lượng cà phê của Việt Nam rất lớn như hầu hết được trồng bởi các nông hộ nhỏ lẻ, có quy mô trung bình khoảng 0,5ha/hộ. Trình độ kỹ thuật canh tác, thu hoạch khác nhau khiến chất lượng cà phê nguyên liệu không đồng đều, chưa kể còn lẫn nhiều tạp chất vì vậy giá xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam thấp hơn mặt bằng chung.

Ông Lương Văn Tú, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam cho biết, với việc giá cà phê giảm sâu trong thời gian dài, nhiều nông dân đang có xu hướng chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong 3 năm trở lại đây, diện tích cây cà phê chuyển đổi sang sầu riêng, bơ, tiêu ở khu vực Tây Nguyên đã đạt khoảng 100.000 ha.

Thêm vào đó, một số vườn cà phê già cỗi đang trong quá trình tái canh sẽ khiến sản lượng cà phê của Việt Nam giảm từ 15-20% trong niên vụ mới. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cà phê của thế giới được dự báo sẽ tăng khoảng 2%/năm, tập trung vào các sản phẩm cà phê hòa tan và cà phê pha sẵn vì tính tiện lợi sẽ là cơ hội tốt để ngành cà phê chuyển đổi hướng phát triển.

 Phiên thảo luận về dự báo xu hướng thị trường cà phê. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

*Nâng cao giá trị cho ngành hàng

Trong bối cảnh đó, để nâng cao giá trị cho ngành cà phê Việt Nam, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, các chuyên gia cho rằng cần tập trung vào  hai vấn đề chính là nâng cao chất lượng cà phê nguyên liệu, gia tăng chế biến sâu.

Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, cà phê là cây công nghiệp chủ lực của khu vực Tây Nguyên, đóng góp quan trọng vào việc tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Chính vì vậy, Chính phủ Việt nam đang triển khai nhiều đề án hỗ trợ nông dân phát triển các vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản.

Song song đó, để giảm thiểu phụ thuộc vào thị trường cà phê thô thế giới, Việt Nam cũng đẩy mạnh chế biến sâu với nhiều nhà máy rang xay có công suất lớn và ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất cà phê hòa tan.

Mục tiêu đến năm 2030 là nâng tỷ lệ chế biến sâu đạt 30 -40% sản lượng hàng năm. Một điểm yếu khác của ngành cà phê Việt Nam cần được khắc phục là xây dựng chuỗi liên kết và hệ thống thông tin dữ liệu cho ngành hàng, giúp nông dân nắm bắt nhu cầu thị trường và có kế hoạch sản xuất hợp lý.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam đang dần định hình được xu hướng tiêu dùng mới cũng như những hội xuất khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do, từ đó đã đầu tư nhiều hơn cho khâu chế biến, đặc biệt là cà phê hòa tan.

Việc đầu tư vào chế biến cũng giúp các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến chất lượng nguồn nguyên liệu và từng bước liên kết với nông dân theo mô hình hợp tác xã, liên minh sản xuất. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng cà phê nguyên liệu một cách đồng đều trên quy mô lớn không thể làm trong ngày một ngày hai.

Theo ông Đỗ Hà Nam, trước mắt hiệp hội và doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cà phê Việt Nam cần phát huy vai trò điều phối thị trường, giúp nông dân cải thiện giá bán.

“ Việt Nam đang nắm giữ 60% sản lượng cà phê Robusta toàn thế giới, do đó nếu các nhà xuất khẩu Việt Nam giữ hàng, nguồn cung thế giới giảm sẽ có tác động tích cực đến giá cà phê. Trong bối cảnh chưa có nhiều doanh nghiệp trong nước đủ khả năng dự trữ số lượng lớn cà phê thô, để thực hiện được chiến lược đó, cơ quan quản lý, hiệp hội và cả doanh nghiệp phải chủ động cung cấp thông tin thị trường cho người trồng cà phê để phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả.”, ông Nam nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lương Văn Tú chia sẻ, ngoài việc nâng cao chất lượng nguyên liệu, đầu tư chế biến cho xuất khẩu, doanh nghiệp cà phê cũng cần khai thác hiệu quả thị trường tiêu thụ nội địa. Cả nước hiện có gần 30.000 quán cà phê và đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây, tuy nhiên lượng cà phê tiêu thụ cà phê trong nước vẫn còn khá khiêm tốn.

Tính trung bình toàn thế giới mỗi người tiêu thụ khoảng 7kg cà phê/năm, nhưng tại Việt Nam, một trong những quốc gia sản xuất cà phê nhiều nhất thế giới mức độ  tiêu thụ mới đạt 2kg/người/năm.

Các doanh nghiệp kỳ vọng, với việc phát triển các sản phẩm cà phê chế biến sâu, tiện lợi sẽ thúc đẩy mức tiêu dùng cà phê trong nước tăng lên mức 4kg/người/năm. Từ đó nâng cao tỷ lệ tiêu thụ nội địa, giảm phụ thuộc vào biến động giá cả thế giới giúp người nông dân yên tâm canh tác./.

>>> CNBC đánh giá cao sự tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam trong xuất khẩu cà phê

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục