Chuyên gia Cấn Văn Lực: Xử lý nợ xấu tăng gần gấp đôi so với trước

15:13' - 11/12/2018
BNEWS Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng có tăng lên nhưng không đáng ngại.


 Nhờ Nghị quyết 42 mà năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng được củng cố. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Kết quả kinh doanh quý III/2018 của các ngân hàng thương mại cho thấy, bức tranh nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã có nhiều biến động với tỷ lệ nợ xấu dao động từ 0,7 - 4,7%. Điều đáng chú ý là tỷ trọng nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) trong tổng nợ xấu nội bảng tăng mạnh ở một số ngân hàng.
Bình luận về câu chuyện này, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng có tăng lên nhưng không đáng ngại. Minh chứng cho nhận định này, ông Cấn Văn Lực dẫn hai lý do. Thứ nhất, việc tăng này cơ bản là vấn đề kỹ thuật, các tổ chức tín dụng thời gian qua thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, yêu cầu cần phải phân loại nợ xấu sát hơn so với thực tế.
"Tôi cho rằng đây là yếu tố tích cực bởi các ngân hàng đã thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Như vậy, vấn đề nợ xấu sẽ được xử lý triệt để hơn", ông Cấn Văn Lực nói.
Lý do thứ hai mà vị chuyên gia này minh chứng cho nhận định của mình đó là các ngân hàng thương mại thường trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu vào cuối năm, cho nên thông thường phải đến quý 4 mới thấy rõ bức tranh nợ xấu.
Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Đề án cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đi vào triển khai được hơn 1 năm.

Quá trình đi vào thực tiễn tuy chưa dài, nhưng những định hướng chính sách vĩ mô, giải pháp tháo gỡ trong 2 văn bản quy phạm trên đã tạo ra những dấu ấn rõ nét, cũng như những chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nhờ Nghị quyết 42 mà năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm.

Tính đến 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519,01 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017 và tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720,43 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017 và tăng 21,1% so với cuối năm 2016.
Cùng với đó, chất lượng tín dụng được cải thiện, các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 6/2018 tỷ lệ nợ xấu so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 là 2,46%.
Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 cũng cho thấy, đến 30/6/2018, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng); trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).
"Chúng ta đều biết có nhiều cái được trong thời gian qua sau khi có Nghị quyết 42. Con số gần 140 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã xử lý được cho thấy tốc độ xử lý tăng gần gấp đôi so với thời kỳ trước", ông Cấn Văn Lực nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục