Chuyến công du châu Á của Tổng thống Trump không có nhiều thách thức

05:30' - 19/11/2017
BNEWS Chuyến công du quan trọng nhất từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng lần này đã diễn ra êm đẹp tuy không có sự đột phá nào, không thể hiện được gì nhiều về chính sách chiến lược của Mỹ ở khu vực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp báo quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN 

Ngày 14/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Philippines kết thúc chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày qua 5 nước. 

Chuyến công du dài ngày lần này của ông Trump được giới quan sát đặc biệt quan tâm theo dõi bởi nhiều lý do liên quan đến tính khí cá nhân của Tổng thống, cũng như chiến lược ngoại giao của chính quyền Trump với một khu vực có tầm quan trọng về địa chính trị và kinh tế như châu Á - Thái Bình Dương.

Trước khi Tổng thống Mỹ lên đường, giới quan sát đã đánh giá vòng công du châu Á này như một phép thử cho phong cách ngoại giao của ông Trump cũng như chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực từng được chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama đặt vào trọng tâm của chính sách đối ngoại.

Cuối cùng thì vị Tổng thống tỉ phú của Mỹ đã hoàn thành chuyến công du dài ngày mà không có một sơ xuất gì về lời ăn tiếng nói hay phong cách ngoại giao. Nhưng từ Tokyo, Seoul, Bắc Kinh và Hà Nội rồi qua đến Manila, ngoài những cái bắt tay, những lời tán dương khen ngợi nhau rất xã giao, Tổng thống Mỹ không thể hiện được sự đột phá nào ở tầm chiến lược như dư luận mong đợi.

Qua các bài diễn văn chính thức, những cuộc tiếp tân với lãnh đạo các nước, Tổng thống Trump nhiều lần nhắc lại hai ưu tiên của chính sách Mỹ là gia tăng áp lực với mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên và kêu gọi các đối tác để các doanh nghiệp Mỹ được tiếp cận tốt nhất vào thị trường châu Á.

Các nhà phân tích chính trị tại những nơi ông Trump đi qua đều nhận thấy kết quả chuyến đi 12 ngày vừa qua có phần nghèo nàn để có thể phác họa ra được một chiến lược dài hạn của Mỹ ở khu vực.

Chuyên gia Go Myong Hyun thuộc Viện nghiên cứu chính trị Asan tại Seoul nhận xét với AFP rằng: “Nếu so sánh trước và sau chuyến công du châu Á của ông Trump, thực sự không có gì thay đổi” về hồ sơ Triều Tiên. Ở Nhật Bản hay Hàn Quốc vẫn chỉ là những tuyên bố vỗ về khẳng định lại quyết tâm bảo vệ các đồng minh, cảnh cáo Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ vẫn hy vọng sẽ buộc Trung Quốc gây sức ép mạnh hơn với chế độ Bình Nhưỡng, nhưng Bắc Kinh “không hứa hẹn gì mới” - chuyên gia này nói thêm. Hồ sơ Triều Tiên tại Bắc Kinh dường như đã bị các hợp đồng kinh tế xếp lên trên.

Về hồ sơ thương mại, tưởng như Tổng thống Mỹ sẽ phải rất cứng rắn, nhưng tại Bắc Kinh ông Donald Trump quay ngoắt sang đổ lỗi cho nhiều đời Tổng thống tiền nhiệm đã làm cho thâm hụt cán cân buôn bán với Trung Quốc và ông không trách cứ gì ông Tập Cận Bình. Nếu đánh giá về tầm nhìn dài hạn cho các mối quan hệ địa chiến lược trong khu vực trọng yếu đối với Mỹ, có thể nói chuyến công du này của ông Trump là thất vọng.

Một điểm nhấn khác trong chuyến công du châu Á của ông Trump là khi tham dự Diễn đàn kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Tại đây Tổng thống Mỹ cũng không thể hiện được gì hơn ngoài lập trường tâm đắc từ khi còn tranh cử Tổng thống: “Nước Mỹ trước tiên” để cố vẽ bức tranh một nước Mỹ là nạn nhân bị các đối tác thương mại lạm dụng triền miên.

Tầm nhìn của Tổng thống Mỹ về một vùng “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở” vẫn chỉ là phác họa, “còn phải xem khái niệm này được thể hiện cụ thể ra sao” - Giáo sư Yochinobu Yamamoto từ Đại học Niigata nhấn mạnh.

Còn theo ông Ryan Hass, cựu cố vấn về châu Á của Tổng thống Barack Obama, chuyến đi châu Á của Tổng thống Trump càng củng cố thêm cảm nhận rằng “khu vực này đang tiến lên và tăng tốc, trong khi Mỹ lại nhìn về phía sau”.

Chuyến công du kéo dài nhất từ khi bước vào Nhà Trắng cách đây một năm đã đưa ông Trump qua 5 quốc gia. Về mặt nghi thức lễ tân, Tổng thống Mỹ đến nơi nào cũng được lãnh đạo các nước đón tiếp nồng hậu với những nghi thức ngoại giao trang trọng và hoành tráng nhất.

Ở đâu cũng “thảm đỏ như chưa ai được thấy bao giờ” - theo mô tả của ông Trump. Ở đâu ông cũng không quên đánh giá ca tụng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với lãnh đạo các nước.

Cuối cùng, có thể nói chuyến công du châu Á 12 ngày của ông Doanld Trump là một chuyến đi thuận buồn xuôi gió từ đầu đến cuối, không có nhiều “thách thức” như giới quan sát đã dự báo hay trông đợi trước đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục