Chứng khoán tuần tới: VN – Index có lẽ khó giữ nổi mốc 970 điểm

15:16' - 26/05/2019
BNEWS Tuần tới thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo gặp khó khăn và VN – Index có lẽ khó giữ nổi mốc 970 bởi nền tảng thị trường đang yếu.
Giao dịch chứng khoán tại Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS. Ảnh : Văn Giáp/ BNEWS/TTXVN

Tuần tới thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo gặp khó khăn và VN – Index có lẽ khó giữ nổi mốc 970 bởi nền tảng thị trường đang yếu, đi kèm với đó là những thông tin vĩ mô không mấy tích cực tác động đến thị trường.

Tuy nhiên, cơ hội vẫn có đối với cổ phiếu thu hút được dòng tiền.
Thực tế, phiên cuối tuần đã xác nhận thị trường chuyển từ xu thế tích cực sang xu thế tiêu cực, xóa bỏ nỗ lực vươn lên của VN – Index trong suốt thời gian qua.
Cụ thể, kết tuần giao dịch từ 20- 24/5, VN - Index giảm 6,45 điểm xuống 970,03 điểm; HNX - Index giảm 0,4 điểm xuống 105,39 điểm.
Thanh khoản trung bình mỗi phiên trong tuần qua tăng mạnh so với tuần trước đó với khoảng 5.450 tỷ đồng giao dịch/phiên trên cả hai sàn. Riêng trong phiên ngày 21/5, cổ phiếu VIC đã đóng góp gần 5.800 tỷ đồng thông qua phương thức giao dịch thỏa thuận. Như vậy, việc giao dịch thỏa thuận quá lớn một cổ phiếu đã làm méo mó bản chất thật của thanh khoản.
Xét đến các yếu tố bên ngoài, chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong tuần qua, giữa mối lo ngại về quan hệ thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư.
Tính chung cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,68%, chỉ số S&P 500 mất 1,16%, chỉ số công nghệ Nasdaq tụt 2,29%. Riêng chỉ số Dow Jones ghi nhận tuần giảm thứ năm liên tiếp, ghi dấu chuỗi giảm dài nhất trong tám năm qua.
Giám đốc Robert Phipps, đang làm việc tại Per Stirling Capital Management cho rằng, xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không phải là môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư chứng khoán.

Đến nay, vẫn chưa có cuộc đàm phán cấp cao nào được lên lịch trình giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ sau vòng đàm phán gần đây nhất kết thúc hai tuần trước tại Washington (Mỹ).
Bên cạnh đó, dù có lúc tăng lên các mức cao trong nhiều tuần, giá dầu thế giới tuần qua vẫn ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong năm, trước sự gia tăng nguồn dầu dự trữ và mối lo về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Việc giá dầu thế giới giảm mạnh tuần qua đã khiến nhóm cổ phiếu dầu khí cũng lao dốc theo. Cụ thể, nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh nhất tuần với các mã tiêu biểu BSR (4,9%), OIL (3,8%), PVD (5,8%), PVS (2,5%), GAS (3,3%)...
Theo các chuyên gia, giá dầu vẫn đang chịu sức ép do nguồn dầu dự trữ gia tăng. Bên cạnh đó, mối lo ngại về những ảnh hưởng kinh tế từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng đang “phủ mây đen” lên các thị trường toàn cầu.
Như vậy, nhóm cổ phiếu dầu khí tuần tới đang chịu tác động tiêu cực của giá dầu thế giới, cùng với diễn biến khá ảm đạm và tiêu cực của thị trường chung thì xu thế giảm giá có lẽ còn tiếp diễn.
Xét đến nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng, giao dịch của nhóm cổ phiếu này đang tỏ ra yếu ớt và nghiêng về xu thế giảm giá. Cụ thể, ACB tăng liên tục vào 3 phiên đầu tuần, nhưng giảm trở lại vào 2 phiên cuối tuần, đặc biệt là mã này giảm tới 1% và phiên thứ 6. BID cũng vậy, cổ phiếu này giảm tới 1,7% vào phiên cuối tuần.
Tương tự, các mã CTG, MBB, SHB, VCB, TCB, STB, EIB.... đều có mức giảm giá rất mạnh vào phiên cuối tuần, mặc dù trước đó đã có những phiên tăng điểm khá tích cực.
Có lẽ xu hướng giảm giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa dừng lại, trong bối cảnh chưa có thông tin hỗ trợ tích cực, cộng với tình hình chung của thị trường không mấy sáng sủa.
Bên cạnh đó, những cổ phiếu vốn hóa đứng hàng đầu thị trường cũng đang diễn biến tiêu cực như VIC giảm 1,6% trong tuần qua, trong khi VHM giảm 2,5%, VRE giảm 2,8%, VNM giảm 3,7%...
Hầu hết các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đang trong giai đoạn giảm giá và chưa có động lực nào giúp các mã này bật tăng trở lại trong tuần tới.
Nhóm cổ phiếu diễn biến tích cực trong tuần qua là cổ phiếu ngành hàng không. Cụ thể, VJC tăng 4/5 phiên với tổng mức tăng 1,2%, HVN tăng cả tuần với mức tăng 5,5%. Việc giá dầu giảm mạnh cũng là yếu tố tích cực hỗ trợ đà tăng giá cổ phiếu hàng không.
Thực tế, các đơn vị kinh doanh vận tải, đặc biệt ngành hàng không có chi phí nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu chi phí doanh nghiệp.
Xét đến yếu tố khối ngoại trên thị trường trong tuần qua, khối này mua ròng trên  sàn giao dịch HoSE, HNX và thị trường UPCoM, nhưng giá trị mua ròng có sự đóng góp rất lớn đến từ giao dịch thỏa thuận.
Tính trên toàn thị trường, khối ngoại mua vào 163,5 triệu cổ phiếu, trị giá 10.281 tỷ đồng, trong khi bán ra 124,3 triệu cổ phiếu, trị giá 4.487,5 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 39 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng lên đến 5.793 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng trở lại 5.150 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 34,3 triệu cổ phiếu. Đáng chú ý, khối ngoại sàn này mua ròng đến 5.930 tỷ đồng thông qua phương thức thỏa thuận. Nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh mà không tính đến giao dịch thỏa thuận thì khối ngoại sàn HoSE bán ròng lên đến 782 tỷ đồng.
Ở sàn HNX, khối ngoại mua ròng 125 tỷ đồng nhưng tính về khối lượng thì khối ngoại sàn này bán ròng tổng cộng hơn 3 triệu cổ phiếu.
Trên sàn UPCoM, khối ngoại cũng mua ròng đột biến 519 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 7,8 triệu cổ phiếu.
Như vậy, diễn biến giao dịch của khối ngoại không thực sự tích cực khi giá trị mua ròng đến từ việc giao dịch thỏa thuận của cổ phiếu VIC.
Giới phân tích cho rằng, tâm lý của nhà đầu tư khi thị trường không tiệm cận lại được mốc 1.000 điểm thường là sẽ có xu thế bán cổ phiếu ra khiến việc VN – Index trụ được tại mốc 970 điểm là một thử thách lớn trong tuần giao dịch tới.
Nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS nhận định, thị trường có thể trở lại dao động trong khoảng 950 đến 980 điểm, cơ hội mua bán ngắn hạn ngày càng trở nên khó khăn nên nhà đầu tư cần chắt chiu cơ hội, việc giảm tỷ trọng và cơ cấu lại danh mục có thể là chiến lược nên áp dụng.
Trong khi đó, công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, dòng tiền vẫn duy trì hoạt động tích cực trong nhóm midcap (cổ phiếu vốn hóa trung bình – giá trị vốn hóa từ 1 tỷ đến 10.000 tỷ đồng).

Chiều ngược lại, nhóm Bluechips (cổ phiếu của các công ty có vốn hóa thị trường lớn phát hành) và cổ phiếu ngành dầu khí chịu áp lực chốt lời trên diện rộng. Vì vậy, VN - Index sẽ tiếp tục gặp khó trong một vài phiên tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục