Chủ tịch Fed tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Mỹ

13:05' - 13/02/2020
BNEWS Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện ngày 12/2, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã nhắc lại sự tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Mỹ.
Chủ tịch FED Jerome Powell. Ảnh: EFE/TTXVN

Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện ngày 12/2, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã nhắc lại sự tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Mỹ, ngay cả khi cho rằng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) sẽ sớm gây tác động và đề cập đến rủi ro từ tình trạng bất bình đẳng thu nhập và nợ liên bang gia tăng.

Chủ tịch Fed cho rằng những yếu tố như tỷ lệ thất nghiệp thấp, lương tăng và tăng trưởng việc làm cao sẽ tiếp tục.

Giai đoạn tăng trưởng của kinh tế Mỹ đã bước sang năm thứ 11. Lương hiện đang tăng khoảng 3%/năm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6% và tăng trưởng việc làm tương thích hơn với sự gia tăng của lực lượng lao động.

Phát biểu của ông Powell củng cố quan điểm của Fed rằng lãi suất cho vay ngắn hạn hiện nay vẫn phù hợp để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Powell nhấn mạnh Fed sẽ tiếp tục theo sát diễn biến của dịch bệnh, khi hơn 1.000 người đã tử vong và hàng chục nghìn người nhiễm kể từ tháng Một. Ông cho rằng sẽ có những tác động đến kinh tế Mỹ, được phản ánh khá sớm qua số liệu kinh tế.

Việc các nhà máy bị đóng cửa và các lệnh cấm đi lại được ban hành nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh được cho là sẽ khiến các chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Theo ông Powell, xuất khẩu của Mỹ tới Trung Quốc cũng như lượng du khách Trung Quốc tới Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Powell cũng nhắc lại lo ngại về nợ liên bang. Ông nói nếu tỷ lệ nợ trên GDP tiếp tục tăng nhanh, trong vòng 20 năm tới, tiền thu thuế sẽ phải được dùng để trả lãi của các khoản nợ, thay vì được chi cho những vấn đề thực sự cần thiết.

Tại phiên điều trần, ông Powell đã nói Fed sẽ kích thích nền kinh tế bằng việc mua lượng lớn trái phiếu chính phủ, được biết đến là biện pháp nới lỏng định lượng, nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Ông Powell nói, Fed không có nhiều dư địa để hạ lãi suất, có nghĩa nhiều khả năng sẽ phải sử dụng đến các công cụ đã dùng trong cuộc khủng hoảng tài chính để đối phó khi nền kinh tế suy thoái.

Những công cụ này bao gồm việc định hướng thị trường, theo đó Fed sẽ thông báo về việc duy trì lãi suất thấp và mua trái phiếu dài hạn với quy mô lớn để hạ lãi suất dài hạn và hỗ trợ nền kinh tế.

Hiện chưa cần sử dụng đến các công cụ này nhưng Fed sẽ dùng đến nếu cần thiết. Điều quan trọng là chính sách tài khóa cũng cần phải hỗ trợ nền kinh tế nếu xảy ra suy thoái.

Theo các nhà kinh tế, Fed thường hạ lãi suất khoảng 5 điểm phần trăm để có thể đẩy lùi suy thoái kinh tế, nhưng điều này là không thể khi mức lãi suất hiện nay là 1,5-1,75%.

Fed đã hạ lãi suất ba lần trong năm 2019 khi những lo ngại về căng thẳng thương mại gia tăng, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và sức ép lạm phát yếu. Sau khi kết thúc cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2020, Fed đã giữ nguyên lãi suất và tiếp tục theo dõi tình hình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục