Chống ngập ở Tp. Hồ Chí Minh - Bài cuối: Đồng bộ các giải pháp

16:55' - 24/10/2018
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để từng bước giải được bài toán ngập lụt tại Tp. Hồ Chí Minh.

Để từng bước giải được bài toán ngập một cách căn bản như mục tiệu đã đề ra, Tp. Hồ Chí Minh cần thực hiện tổng thể các giải pháp theo quy hoạch đề ra, như đầu tư đồng bộ hệ thống cống thoát nước, cống kiểm soát triều, đê bao, quy hoạch hạ tầng, xây dựng bản đồ số về các điểm ngập, triển khai nhanh các dự án thoát nước…

Để thực hiện được mục tiêu này, Tp. Hồ Chí Minh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt.
*Thúc đẩy kêu gọi nguồn vốn đầu tư

Mưa gậy ngập nhiều tuyến đường tại Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Tp. Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố có nguy cơ ảnh hưởng do biến đối khí hậu cao nhất thế giới (theo dự báo khi biến đổi khí hậu diễn ra, diện tích bị ngập của thành phố đến cuối thế kỷ 21 lần lượt là 128 km2, 204 km2 và 473 km2 tương ứng với các kịch bản nước biển dâng 65 cm, 75 cm và 100 cm); khả năng kiểm soát ngập 100% là điều kiện không thể thực hiện được, do đó cần phải tiếp tục nghiên cứu triển khai một chiến lược quản lý ngập lụt một cách bền vững, thân thiện môi trường và ít tốn kém nhất.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang thực hiện hai quy hoạch, gồm Quy hoạch tổng thể thoát nước đến năm 2020 (Quy hoạch 752) và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Tp. Hồ Chí Minh (Quy hoạch 1.547).

Nguồn lực để thực hiện hai quy hoạch này lên tới 96.329 tỷ đồng. Giai đoạn trước năm 2016 đã có ba dự án triển khai với tổng số vốn 22.948 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 cần 73.379 tỷ đồng. Tổng số vốn còn thiếu để thực hiện hoàn chỉnh hai quy hoạch nêu trên lên tới 46.527 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, thành phố đã ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các công trình giảm ngập trọng điểm trên địa bàn như giải quyết ngập do triều khu vực Tp. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khi hậu giai đoạn 1, cải tạo kênh Ba Bò, kênh Hiệp Tân, đường Kinh Dương Vương, đường An Dương Vương, đường Ngô Gia Tự, đường Gò Dầu…
Theo UBND Tp.Hồ Chí Minh, về đầu tư cho thoát nước, xử lý nước thải, môi trường, thành phố hiện có 2 dự án đầu tư theo hình thức BT đã hoàn tất ký kết Hợp đồng dự án với tổng mức đầu tư 12.469 tỷ đồng.

Đó là dự án giải quyết ngập do triều khu vực Tp. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, đầu tư hệ thống cống ngăn triều tại các cửa sông vào khu vực thành phố. Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương Bến cát với công suất giai đoạn đầu xứ lý 131.000 m3/ngày đêm.
Tại Hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh do UBND thành phố tổ chức vào đầu tháng 8/2018 vừa qua, ông Laurent Umans – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan, cho rằng, thành phố không nên chờ đợi và nghiên cứu, thay vào đó cần hành động ngay bằng cả “các biện pháp không hối tiếc” và thiết kế các lộ trình nhằm thích ứng để thành phố có thể chủ động trong việc này.
Về giải pháp tổng thể, ông Umans khuyến nghị thành phố nên di chuyển các cảng biển về phía biển, không nên phát triển thành phố về hướng này mà nên mở rộng về vùng đất cao hơn, vững chắc hơn.
Hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh cũng đang rà soát danh mục dự án, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư để bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh.
Theo đó, các sở ngành thành phố đang triển khai chủ trương đầu tư các dự án chống ngập thành phố chuyển từ nguồn vốn ngân sách trung ương từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) sang nguồn vốn ngân sách thành phố. Cụ thể, các cơ quan chức năng thành phố đã rà soát và đề xuất 33/36 dự án trình thông qua chủ trương đầu tư sử dụng vốn ngân sách thành phố theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội.
Trước đó, qua nhiều lần rà soát, Tp.Hồ Chí Minh xác định có 36 danh mục trong Dự án chống ngập thành phố với tổng mức đầu tư 9.963 tỷ đồng đề xuất sử dụng vốn SCIC và đã hoàn tất các thủ tục đầu tư gửi Bộ ngành Trung ương đề nghị thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2016-2020.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.Hồ Chí Minh, các dự án trên đều đã được Hội đồng thẩm định thành phố, các sở chuyên ngành thẩm định trình HĐND thành phố, UBND thành phố; đến nay đã có 26 dự án được các sở chuyên ngành phê duyệt quyết định đầu tư dự án. Ngoài ra, hiện Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập Tp. Hồ Chí Minh đang nghiên cứu, đề xuất 20 dự án bổ sung mới nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thực hiện Chương trình Giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020.
*Hoàn thiện quy hoạch, chính sách
Để thực hiện việc phòng chống ngập hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu của Chương trình chống ngập nước đến năm 2020, UBND Tp.Hồ Chí Minh cũng đã đề ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể.

Cống ngăn triều Phú Xuân (huyện Nhè Bè) thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã ngừng thi công. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Theo đó, Tp. Hồ Chí Minh tập trung nghiên cứu xây dựng, thẩm định và phê duyệt, ban hành quy hoạch chung của thành phố, quy hoạch điều chỉnh thuỷ lợi chống ngập úng, quy hoạch điều chỉnh tổng thể hệ thống thoát nước, quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết và quy hoạch cốt cao độ nền, chậm nhất tháng 6/2019 phải hoàn thành.
Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh tổ chức rà soát các nguồn lực, xây dựng kế hoạch cân đối các nguồn lực để triển khai các dự án, ưu tiên huy động nguồn lực xã hội (trong nước và nước ngoài), danh mục các dự án cụ thể ngân sách, xã hội hoá.
Theo đó, đối với nguồn vốn ngân sách ưu tiên giải phóng mặt bằng, các công trình chuyển tiếp, các công trình cấp bách, ưu tiên các công trình xây dựng cải tạo hệ thống thoát nước.
Riêng với nguồn vốn xã hội hoá, ưu tiên mời gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải, xử lý chống ngập, các hồ điều tiết và các kênh trục. Đối với các nguồn vốn ODA, ưu tiên đầu tư các dự án lớn như cải tạo, nạo vét, các tuyến kênh chính, hệ thống thu gom, cống bao của các lưu vực nước thải.
Đặc biệt, với nguồn vốn từ đấu giá quỹ đất, cổ phần hoá doanh nghiệp: ưu tiên đầu tư các dự án xây dựng cải tạo hệ thống thoát nước, đê bao bờ tả sông Sài Gòn và các cải tạo các trục tiêu thoát nước chính.
Theo ông Lê Thanh Liêm, để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này, Tp.Hồ Chí Minh sẽ xây dựng cơ chế, đề xuất hỗ trợ kinh phí bù đắp lợi nhuận cho nhà đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực giảm ngập nước không có khả năng sinh lợi, không thể thu hồi vốn đầu tư.

Cùng đó, xây dựng cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn xã hội hóa của các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, kêu gọi nguồn vốn ODA vào đầu tư, xây dựng đúng tiến độ các nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung, các công trình hồ điều tiết, đê bao, cống kiểm soát triều đặc biệt là hệ thống thoát nước, hệ thống kiểm soát triều.
Về vấn đề hạn chế xả rác ra môi trường, Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh vừa ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về thực hiện Cuộc vận động “Người dân Tp. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, diễn ra từ nay đến tháng 10/2020.
Đây là cuộc vận động sâu sắc và toàn diện, dựa trên truyền thống đoàn kết, sáng tạo của nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm cao của chính quyền các cấp và sự tham gia mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị trong vấn đề giảm rác thải ra môi trường, góp phần xây dựng Tp. Hồ Chí Minh “Có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh tin tưởng, khi người dân nhận thức sự cần thiết, cùng với việc giám sát, động viên thì sau hai năm khả năng sẽ chuyển biến tích cực, tạo tiền đề thực hiện các chương trình xã hội, không những giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường mà còn chống ùn tắc giao thông./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục