Chịu mức thuế cao, ngành công nghiệp đồ uống khó tăng trưởng mạnh

15:29' - 22/11/2017
BNEWS Trong những năm qua, ngành công nghiệp đồ uống luôn duy trì tốc độ tăng trưởng chậm và dự kiến năm 2017 có khả năng tăng trưởng thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng GDP.

Triển vọng tăng trưởng năm 2018 được dự báo sẽ không thay đổi nhiều so với năm 2017. Thông tin này được ghi nhận tại tọa đàm "Thị trường ngành đồ uống năm 2017 và dự báo xu hướng năm 2018" do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 22/11.

Báo cáo của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho thấy, ngành công nghiệp đồ uống đã và đang phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu; đóng góp khoảng 3% tổng ngân sách nhà nước; thúc đẩy phát triển các ngành như bao bì, nông nghiệp phát triển...; đồng thời, góp phần giải quyết hơn 50.000 lao động trong ngành và hàng triệu lao động khác.

Trong ngành công nghiệp đồ uống, lĩnh vực nước giải khát và bia là những ngành công nghiệp trẻ nhưng tỷ lệ tăng trưởng tốt; trong đó, ngành nước giải khát bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng 6,6%/năm.

Tuy nhiên, đối với lĩnh vực rượu, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2015 bình quân bị lại âm 0,9%/năm và có nhiều doanh nghiệp giảm mạnh cả sản xuất lẫn lợi nhuận.

Bên cạnh sức ép mạnh từ rượu dân tự nấu, ngành rượu gặp nhiều khó khăn về mặt chính sách và dư luận; nhiều công ty lớn lâm vào tình trạng khó khăn, thị trường bị thu hẹp.

Lý giải nguyên nhân, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đồ uống không chỉ giảm sút trong giai đoạn 2011 - 2015 mà vẫn chưa được cải thiện trong những năm gần đây, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, sự ảnh hưởng là từ chính sách tiêu thụ đặc biệt đối với quản lý mặt hàng bia rượu.

Song song đó, thực trạng rượu dân tự nấu vẫn được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi; trong khi các chính sách quản lý còn nhiều bất cập, gây thất thoát lớn về ngân sách cũng như lo ngại về an toàn thực phẩm, môi trường...

Mặt khác, kinh doanh rượu có mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao đang là thách thức lớn, từ 55% năm 2015 đến 60% năm 2017 và dự kiến lên 65% vào năm 2018.

Ngoài ra, tồn kho ngành đồ uống cũng dần tăng cao, tính riêng 8 tháng đầu năm 2017 đã tăng 62% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo ông Vũ Xuân Hưng - Phó trưởng Phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, các quy định về quản lý và thủ tục hành chính là cần thiết nhưng khi thực thi không để cản trở sự phát triển của ngành và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia và ký kết đã bước vào giai đoạn thực thi, đặc biệt là lộ trình giảm thuế. Do đó các doanh nghiệp trong nước phải chuẩn bị và đón nhận nhiều thách thức, kể cả doanh nghiệp nội địa và nhà đầu tư ngoại đang làm ăn kinh doanh ở Việt Nam.

Riêng đối với ngành công nghiệp đồ uống, ông Vũ Xuân Hưng nhấn mạnh, nếu trước đây có thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu thì trong thời gian tới thuế nhập khẩu đã giảm xuống 0%.

Ngoài ra, đây cũng là một trong những ngành hàng thường xuyên đối mặt với vấn nạn hàng nhập lậu, hàng giả; đồng thời, các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh và khả năng cạnh tranh yếu khi hội nhập...

Trước thực trạng trên, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam kiến nghị, việc xây dựng chính sách cần mang tính ổn định, lâu dài (ít nhất 10 năm).

Đặc biệt, mỗi chính sách đưa ra cần đánh giá các tác động, tránh ảnh hưởng lên doanh nghiệp; đồng thời, các dự thảo chính sách mới nên tập trung tháo gỡ khó khăn và cần có sự linh hoạt, tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp.

Còn đại diện cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đánh giá, Việt Nam có ngành công nghiệp đồ uống phát triển và các công ty châu Âu muốn gia nhập lĩnh vực đồ uống bởi họ nhận thấy tiềm năng của thị trường.

Tuy nhiên, khung pháp lý trong lĩnh vực thuế và hải quan mới được áp dụng đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nếu Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải thiện các khung pháp lý và thủ tục hành chính hơn nữa thì sẽ góp phần giúp nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp đồ uống nói riêng thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục