Chính sách của Mỹ với Iran có thể gây họa cho các đồng minh ở Trung Đông

17:21' - 08/06/2019
BNEWS Căng thẳng và nguy cơ nổ ra xung đột giữa Washington và Tehran đã tăng cao kể từ khi chính quyền Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với các nền kinh tế được phép mua dầu thô của Iran.
Cơ sở lọc dầu South Pars ở cảng Asaluyeh, cách bờ biển Iran khoảng 100km về phía Nam. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tuyên bố ngày 7/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết các biện pháp trừng phạt bổ sung của Mỹ nhằm vào Tập đoàn hóa dầu Persian Gulf Petrochemical Industries Company (PGPIC) do công ty này hỗ trợ tài chính của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) - lực lượng phụ trách chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Iran.

Theo mạng tin Middle East Monitor, Lầu Năm Góc xác nhận Mỹ có kế hoạch triển khai thêm 1.500 quân tới Trung Đông để chống lại mối đe dọa đang gia tăng từ Iran. Điều khiến tình hình trở nên nguy hiểm hơn là Mỹ và Iran đang thiếu một kênh liên lạc song phương trực tiếp, trong khi các đồng minh Arab của Mỹ tại khu vực Trung Đông lại ủng hộ mạnh mẽ việc Mỹ theo đuổi chính sách cứng rắn với Tehran. 

Chiến dịch vận động hành lang của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhằm phong tỏa Tehran khiến giới phân tích đặt ra câu hỏi liệu các đồng minh có đang lôi kéo Mỹ vào một cuộc xung đột quân sự với Iran hay không. Ở chiều ngược lại, bản thân Mỹ cũng nhận thấy những lợi ích tài chính khi Nhà Trắng viện dẫn lý do an ninh quốc gia để xúc tiến các thương vụ mua bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD dành cho Saudi Arabia và UAE.

Xét trên khía cạnh lịch sử và chính trị, chính sách “gây sức ép tối đa” của Washington nhằm vào Tehran dường như sẽ không làm thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ chắc chắn sẽ bị tổn thương một khi xung đột nổ ra và phát triển thành một cuộc chiến tranh toàn diện. 

Cho đến nay, nguy cơ bị trả đũa mạnh tay là tác nhân chính đóng vai trò kiềm chế các bên leo thang hành động quân sự, tuy nhiên điều gì sẽ xảy ra nếu “bóng ma” chiến tranh trở thành hiện thực?

Iran chắc chắn sẽ tìm mọi cách để khiến Mỹ tổn thất tối đa nếu Washington lựa chọn can thiệp quân sự, song quy mô của động thái đáp trả sẽ phụ thuộc vào mức độ của hành động gây hấn. Trong bước đi đầu tiên, Tehran dự kiến sẽ nhắm trực tiếp vào các tài sản quân sự của Mỹ, như tàu sân bay và tàu chiến được triển khai ở vùng Vịnh. 

Sau khi Lầu Năm Góc xác nhận kế hoạch tăng cường lực lượng ở Trung Đông, chuyên gia Morteza Ghorbani - cố vấn cấp cao của Tư lệnh IRGC Hossein Salami - đã cảnh báo rằng trong trường hợp đối đầu vũ trang nổ ra, IRGC sẽ đánh chìm các tàu sân bay của Mỹ bằng tên lửa hoặc “vũ khí tối mật” mới.

Tuy nhiên, một khi được khởi xướng, cuộc xung đột quân sự này sẽ không giới hạn trong phạm vi giữa Mỹ và Iran. Vụ tấn công bí ẩn nhằm vào các tàu chở dầu của Saudi Arabia và UAE mà phía Washington cáo buộc do IRGC và các lực lượng hậu thuẫn Iran đứng sau thực hiện đã phát đi một thông điệp cho thấy, các đồng minh thân cận của Mỹ có quan điểm chống Iran có thể dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy leo thang căng thẳng đó. 

Giới phân tích tình báo nhận định, cả Saudi Arabia và UAE đã đều giữ vai trò đáng kể trong chiến lược của Mỹ nhằm kéo xuất khẩu dầu mỏ của Iran xuống mức bằng 0. Vì vậy các tàu chở dầu và hệ thống đường ống dẫn dầu của hai nước này có thể trở thành mục tiêu tấn công và phá hoại. 

Ngoài ra, xung đột tại Trung Đông có khả năng lan rộng một phần là do các quốc gia Arab đồng minh của Mỹ là nơi đặt căn cứ và lực lượng quân sự của nước này, vốn sẽ trở thành các mục tiêu nếu chúng được sử dụng, cả trực tiếp hoặc gián tiếp, để thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các vị trí trên lãnh thổ Iran. 

Dù không sở hữu một lực lượng không quân hùng mạnh khi phải gánh chịu hậu quả của sự cô lập kéo dài và các lệnh trừng phạt quốc tế, Iran đã tìm cách thích ứng với nghệ thuật chiến tranh kiểu mới và phát triển một chiến lược quân sự, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào năng lực chiến đấu bất đối xứng chống lại một kẻ thù được cho là có sức mạnh vượt trội hơn. 

Thấu hiểu điểm mạnh nhất của mình qua nghệ thuật chiến tranh đó, Tehran sẽ thực thi các hành động đáp trả với mục tiêu gây ra tổn thất lớn nhất cho đối thủ bất cứ khi nào có thể, và điều này đồng nghĩa với nghĩa với việc lôi kéo các quốc gia láng giềng vào một cuộc xung đột trên quy mô rộng hơn.

Trong kịch bản xấu nhất khi Iran cảm thấy không đủ sức đương đầu với đối thủ mạnh hơn, Tehran sẽ có những hành động khó kiểm soát giống như những phản ứng từng diễn ra trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq giai đoạn thập niên 1980, khi nước Cộng hòa Hồi giáo này sẵn sàng nhằm vào các tài sản phi tác chiến như các tàu chở dầu của Kuwait và Saudi Arabia.

Một số nguồn tin tình báo cho biết, Iran không có nhiều tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình nhưng họ đã xây dựng được một kho vũ khí và không ngần ngại sử dụng chúng để nhằm vào một loạt các mục tiêu tiềm tàng, bao gồm các cơ sở dầu khí trên bờ và ngoài khơi vùng Vịnh.

Nhận thức được những kịch bản và khả năng đáp trả quân sự trực tiếp từ Iran, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mới đây đã đưa ra cảnh báo trong cuộc họp đặc biệt với các chỉ huy tình báo và quân sự rằng Israel sẽ cố gắng hết sức để tránh căng thẳng gia tăng tại khu vực, cũng như tránh can thiệp trực tiếp vào vấn đề này. 

Thực tế là một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran sẽ không giới hạn trong phạm vi hẹp nếu nó thực sự nổ ra, đặc biệt khi xung đột có thể leo thang thành một cuộc chiến bất đối xứng. Đến nay, những giả định về hậu quả chiến tranh và sự tàn phá trên toàn khu vực ít nhất đã giúp kiềm chế những hành động quân sự leo thang hơn, và ngăn chặn “tai ương” đó xảy ra với Iran hay chính các đồng minh của Mỹ./.                                                                                                 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục