Chính phủ Argentina "loay hoay" vực dậy nền kinh tế

08:35' - 15/05/2018
BNEWS Thị trường tài chính tiền tệ Argentina vừa trải qua một tuần biến động mạnh mẽ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2001.

Chỉ trong vòng một tuần đồng peso đã mất giá tới 12% so với đồng USD buộc Ngân hàng Trung ương Argentina phải điều chỉnh lãi suất 3 lần liên tiếp, trong đó lần cuối cùng tăng lên mức không tưởng 40% như một giải pháp tình thế nhằm ổn định thị trường, cũng như khuyến khích các nguồn đầu tư bằng đồng peso.
Điều gì đang xảy ra đối với nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh trong bối cảnh chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri vẫn đang “loay hoay” với những điều chỉnh trong chính sách kinh tế vĩ mô nhằm thúc đẩy tăng trưởng, đưa Argentina ra khỏi “vũng lầy” của một trong những nền kinh tế được coi là “mong manh” nhất khu vực.
Kể từ khi chính thức lên nắm quyền điều hành đất nước vào tháng 12/2015, Tổng thống Macri đã thay đổi một loạt các chính sách điều hành kinh tế với tham vọng đưa quốc gia Nam Mỹ này đạt mục tiêu “xóa nghèo”.

Chính phủ Argentina đã quyết định mở cửa và điều chỉnh từng bước nền kinh tế để đạt được sự cân đối tài chính và thu hút sự trở lại của cac nguồn đầu tư sau hơn một thập kỷ theo đuổi chính sách bảo hộ.

Chính vì vậy, Tổng thống Macri đã quyết định giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại với Wall Street để có thể phát hành các khoản nợ mới, tăng từng bước các loại phí dịch vụ công cộng, tái cấu trúc các khoản chi tiêu công và đặc biệt là chấm dứt kiểm soát tỷ giá hối đoái được thực thi nhiều năm dưới thời chính phủ tiền nhiệm, thả nổi đồng nội tệ cho phù hợp với sự điều tiết của thị trường.

Tổng thống Argentina Mauricio Macri. Ảnh: AFP/TTXVN


Một trong những trọng tâm của kế hoạch điều chỉnh mà Chính phủ Argentina theo đuổi nhằm giải quyết tình trạng lạm phát luôn ở mức hai chữ số trong nhiều năm qua là việc tăng lãi suất ở mức cao để khuyến khích việc gửi tiết kiệm và tạo sự cuốn hút của đồng nội tệ. Quả thực, trong hai năm qua Argentina đã trở thành một địa chỉ thu hút đầu tư tài chính hấp dẫn.

Người dân bắt đầu tích lũy tiết kiệm bằng đồng peso, từng bước xuất hiện các khoản tín dụng thế chấp và việc mở tài khoản tín dụng từ chỗ gần như không thể trở thành một việc khá đơn giản.
Chuyên gia kinh tế Cristian Folgar đánh giá, dường như chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri đã quá kỳ vọng vào việc có thể giảm được lạm phát và tạo ra được một “cơn mưa” vốn đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không cần tới một biện pháp điều chỉnh tài chính quan trọng.
Tuy nhiên, đúng vào thời điểm Chính phủ Argentina đang tìm cách hãm đà hưng phấn của một cuộc cách mạng mà dư luận ví von bằng mĩ từ “bữa tiệc tài chính” bằng cách áp đặt một mức thuế đối với các khoản lợi nhuận tài chính thì nguồn vốn ngay lập tức đảo chiều và rút lui khỏi thị trường Argentina để hướng sang Mỹ.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng trong bối cảnh Chính phủ Argentina quyết tâm thả nổi đồng nội tệ, mở cửa nền kinh tế thì mọi điều chỉnh về chính sách kinh tế mới trong nước hay những động thái bên ngoài, dù là nhỏ nhất, đều có thể tạo ra những biến động của thị trường.
Chính vì vậy, khi hồi cuối năm 2017, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát và khuyến khích các khoản đầu tư và điều này đã dẫn tới việc nguồn vốn từng bước bị rút khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Argentina. Và cách đây 2 tuần, khi Fed thông báo tiếp tục giữ mức lãi suất ở mức 1,5% và 1,75% thì sự dịch chuyển vốn từ các thị trường mới nổi sang Mỹ bắt đầu tăng tốc.
Đây là những lý do khiến cho đồng peso Argentina sụt giảm một cách đáng báo động khi chỉ trong vòng một tuần đã mất tới 12%. Và để đối phó với sự biến động này, Ngân hàng Trung ương Argentina quyết định đi một nước cơ táo bạo khi công bố việc tăng lãi suất lên mức kỷ lục 40%.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng động thái này thực ra chỉ là một giải pháp tình thế nhằm tìm kiếm sự ổn định thị trường và tránh để xảy ra một cuộc khủng hoảng như trong quá khứ, song có thể lại khiến cho các hoạt động thúc đẩy tăng trưởng bị chậm lại khi nguồn tiền sẽ được ưu tiên gửi vào các ngân hàng để tìm kiếm lãi suất chứ không được đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Nhà xã hội học Carlos de Angelis cho rằng mặc dù đây là một biện pháp kinh tế không thực tốt nhưng “căn bệnh” có thể sẽ tồi tệ hơn nếu không tăng lãi suất. Đó có lẽ là giải pháp duy nhất vào thời điểm hiện nay nếu không muốn xảy ra một sự hỗn loạn có thể khiến kinh tế Argentina sụp đổ. Bây giờ là lúc phải phụ thuộc vào nguồn vốn quốc tế đổ vào để tận dụng mức lãi suất 40%.

Tuy nhiên, do kênh đầu tư này là bằng tiền peso nên chắc chắn nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại khả năng trong tương lai đồng tiền vẫn tiếp tục mất giá vì một sự sụt giảm mới hoặc do lạm phát.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Martin Alfie thuộc công ty tư vấn Radar nhận định, có thể biện pháp tăng mạnh lãi suất vào thời điểm này là hiệu quả nhưng về lâu dài sẽ làm khan hiếm tín dụng và khiến mọi người nghĩ rằng đầu tư tài chính sẽ đem lại lợi nhuận lớn hơn bất cứ hướng đầu tư nào khác.

Ngoài ra, vì là một biện pháp tạm thời nên chắc chắn chính phủ Argentina sẽ phải tìm cách hạ mức lãi suất không tưởng này và lúc đó có thể tạo ra một sự hỗn loạn mới.
Không chỉ có vậy, mức lãi suất này có hạ được hay không còn phụ thuộc vào những biến động trên thế giới và chắc chắn không thể diễn ra trong ngắn hạn.

Ông Alfie kết luận, nguy cơ hiện hữu của việc tăng lãi suất cao như vậy là việc nguồn vốn có thể được đổ vào thị trường Argentina nhưng có thể cũng bị rút ra rất nhanh như khi vào khi mức lãi suất giảm xuống.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Argentina đã tiếp tục một bước đi mới khi quyết định “bắt tay” trở lại với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổ chức mà cách đây hơn 10 năm cố Tổng thống Nestor Kirchner đã chấm dứt mối quan hệ vì cái giá mà quốc gia Nam Mỹ này phải trả quá đắt trong quá khứ bằng các cuộc khủng hoảng khi phụ thuộc vào luật chơi của IMF.

Tổng thống Argentina Mauricio Macri (phải) và Giám đốc IMF Christine Lagarde tại cuộc gặp ở Buenos Aires, Argentina ngày 16/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mauricio Macri khẳng định sự hỗ trợ của IMF sẽ là động lực để nước này thúc đẩy chương trình tăng trưởng và phát triển. Bộ trưởng Tài chính Argentina Nicolas Dujovne cho biết IMF là tổ chức cung cấp nguồn tài chính hợp lý nhất mà nước này có thể tiếp cận.

Nhiều khả năng, nếu hai bên đạt được thỏa thuận thì IMF sẽ hỗ trợ cho Argentina một khoản tài chính vào khoảng 30 tỷ peso (1,3 tỷ USD).
Trong nỗ lực mới nhất phát ngôn viên IMF Gerry Rice cho biết thể chế tài chính này sẽ nhóm họp không chính thức trong ngày 18/5 để thảo luận về gói cứu trợ dành cho Argentina.
Hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody's cảnh báo những sóng gió về tỷ giá hối đoái và tỷ lệ lãi suất thể hiện rõ những yếu kém về cấu trúc của Argentina, đồng thời cho rằng những biện pháp mà chính phủ nước này đã áp dụng để giải cứu “nền kinh tế thực” có thể tạo ra những sức ép đối với tăng trưởng.

Theo Moody's, tỷ lệ lạm phát ở mức cao, sự phụ thuộc mạnh mẽ vào dòng vốn đầu tư và một thị trường tài chính, tín dụng nhỏ trong nước khiến các chủ nợ của Argentina đang phải đối mặt với những thiệt hại lớn về tài chính và vì vậy nhiều chủ nợ cảm thấy không thể tiếp tục tham gia vào thị trường quốc gia Nam Mỹ này.
Mặc dù vẫn còn quá sớm để đánh giá về tính hiệu quả của những biện pháp mà Chính phủ Argentina đưa ra trong thời gian vừa qua song có thể khẳng định đó là những hành động cần thiết để xoa dịu các nhà đầu tư.

Nếu đồng USD vẫn giữ gần mức như hiện nay so với các đồng tiền khác thì những gì xảy ra trong 2 tuần vừa qua sẽ chỉ là một chướng ngại vật trong kế hoạch của chính phủ Argentina nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tăng trưởng kinh tế./.

>>>Doanh nghiệp Argentina tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục