Chia sẻ về mô hình doanh nghiệp tạo tác động xã hội

14:03' - 30/03/2019
BNEWS Các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp tạo tác động xã hội là xu thế thực hiện mô hình kinh doanh bền vững trong tương lai.
Anh Hoàng Tuấn Anh, Trưởng Ban tổ chức diễn đàn, đồng sáng lập tổ chức Seed Planter chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN

Lan tỏa và truyền cảm hứng về mô hình doanh nghiệp cân bằng giữa sứ mệnh xã hội và mục tiêu lợi nhuận tại Việt Nam; kết nối nguồn nhân lực về nhân sự - tài chính giữa các doanh nghiệp tạo tác động xã hội là mục tiêu chính của Diễn đàn doanh nghiệp tạo tác động xã hội năm 2019 do tổ chức Seed Planter phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 30/3.
Với chủ đề Hợp nhất sứ mệnh xã hội và mục tiêu lợi nhuận, Diễn đàn doanh nghiệp tạo tác động xã hội năm 2019 thu hút sự tham gia của trên 50 doanh nghiệp, nhà đầu tư tạo tác động xã hội, 20 diễn giả, chuyên gia và hàng trăm bạn trẻ quan tâm đến vấn đề doanh nghiệp tạo tác động xã hội.

Tham gia diễn đàn, các bạn trẻ, doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện các vấn đề nông nghiệp giá trị cao, sống xanh - tiêu dùng xanh, các cơ hội khởi nghiệp, việc làm cho người khuyết tật và những cách thức bắt đầu, phương thức hoạt động, vận hành của doanh nghiệp tạo tác động xã hội.
Chia sẻ về mô hình doanh nghiệp tạo tác động xã hội, anh Hoàng Tuấn Anh, Trưởng Ban tổ chức diễn đàn, đồng sáng lập tổ chức Seed Planter cho biết: Doanh nghiệp tạo tác động xã hội là các đơn vị sử dụng mô hình kinh doanh như một cách tiếp cận bền vững để góp phần giải quyết các thách thức về xã hội và môi trường. Doanh nghiệp tạo tác động xã hội hoạt động với nhiều hình thức khác nhau, kết hợp giữa kinh doanh và giải quyết các vấn đề xã hội, có thể tạo ra việc làm cho nhóm thứ yếu hoặc giải pháp giải quyết các vấn đề về xã hội. Các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp tạo tác động xã hội là xu thế thực hiện mô hình kinh doanh bền vững trong tương lai.
Đối với doanh nghiệp tạo tác động xã hội ở lĩnh vực giải quyết vấn đề xã hội, chị Nguyễn Thị Thanh Mai, Tổ chức Ingo, Fablab Saigon cho biết, kinh tế tuần hoàn là một trong những hình thức sản xuất nổi bật để các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là vấn đề môi trường.

Nền kinh tế tuần hoàn thực hiện loại bỏ lãng phí nguyên liệu và ô nhiễm, thiết kế hệ thống tuần hoàn sản phẩm và vật liệu, tái tạo hệ sinh thái tự nhiên, giảm sử dụng nguyên liệu hữu hạn, giảm phát thải CO2. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn như sản xuất ghế được tái chế từ rác thải đại dương, cốc cà phê làm từ bã cà phê, giày làm từ nước dừa, nước đậu nành.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đã thể hiện sự quan tâm đến kinh tế tuần hoàn với việc trao đổi nguyên vật liệu với nhau để tránh lãng phí, sản xuất tấm vật liệu sinh thái từ giấy tái chế, ống hút làm bằng cỏ bàng.
Tương tự, doanh nghiệp tạo tác động xã hội có thể tạo cơ hội việc làm cho nhóm thứ yếu, nhất là người khuyết tật. Mô hình nhà hàng Noir, Blanc là những điển hình về doanh nghiệp tạo tác động xã hội khi mang lại cơ hội việc làm cho hàng chục người khiếm thị, khiếm thính.

 Các doanh nghiệp giới thiệu mô hình hoạt động tại diễn đàn. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN

Anh Vũ Anh Tú và Germ Doornbos (người Hà Lan) là những người sáng lập và thực hiện mô hình nhà hàng Noir, Blanc tại Tp. Hồ Chí Minh. Nhà hàng Noir được phục vụ bởi những người khiếm thị, thực khách trải nghiệm bữa ăn trong bóng tối, vận dụng các giác quan khác của bản thân.
Trong khi đó, nhà hàng Blanc được phục vụ bởi những nhân viên là người khiếm thính và thực khách sẽ giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu khi thưởng thức ẩm thực tại đây.

Anh Germ Doornbos chia sẻ: Nhà hàng Noir và Blanc hỗ trợ việc làm cho những người khiếm thính, khiếm thị, giúp họ tiếp nhận được những giá trị cao trong công việc, tự tin về bản thân, công việc và làm chủ được cuộc sống của mình, đồng thời có thể hỗ trợ cho những người có cùng hoàn cảnh. Thưởng thức ẩm thực trong nhà hàng Noir, Blanc, thực khách không chỉ có trải nghiệm mới mà còn tạo được sự thấu hiểu, gắn kết, chia sẻ với người khuyết tật.
Theo thống kê, doanh nghiệp tạo tác động xã hội hiện chiếm 4% khu vực tư nhân; trong đó 70% doanh nghiệp tạo tác động xã hội đang kinh doanh có lợi nhuận, 30% tập trung vào mục tiêu xã hội. Việc làm, cuộc sống mạnh khỏe hạnh phúc cho mọi người và bảo vệ môi trường là ba lĩnh vực tác động hàng đầu của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội./.

>>> Doanh nghiệp cải tiến công nghệ để tiết giảm điện năng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục