Chia sẻ lợi ích lưu vực sông Mê Kông-Bài 2: Đê nuôi dưỡng Đồng bằng sông Cửu Long

15:52' - 03/03/2016
BNEWS Lưu vực sông Mê Kông có tiềm năng to lớn về thủy điện, nguồn lợi thủy sản, đất đai, thảm thực vật, động vật phong phú.
Mê Kông được đánh giá là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Sông Mê Kông là con sông lớn nhất ở Đông Nam Châu Á, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc. Chảy qua lãnh thổ của 6 nước là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, sông Mê Kông có chiều dài dòng chính là 4880 km, diện tích lưu vực 795 nghìn km2 và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỉ m3.

Việt Nam chiếm khoảng 8% diện tích lưu vực và đóng góp khoảng 11% tổng lượng nước sông. Phần lãnh thổ của Việt Nam nằm trong lưu vực sông Mê Kông kéo dài từ thượng nguồn sông Nậm Rốm (Điện Biên) tới gần như toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất lúa lớn nhất cả nước.

Ngoài nguồn tài nguyên nước dồi dào, lưu vực sông Mê Kông có tiềm năng to lớn về thủy điện, nguồn lợi thủy sản, đất đai, thảm thực vật, động vật phong phú. Mê Kông được đánh giá là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao so với nhiều khu vực khác trên thế giới. Việc tận dụng những tiềm năng to lớn từ con sông này đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho hiện tại và tương lai của hàng triệu dân sinh sống nhờ Mê Kông.

* Thủy điện – tiềm năng to lớn

Mặc dù được đánh giá là con sông có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và có mức độ đa dạng sinh học cao, lưu vực sông Mê Kông vẫn được xem là khu vực có nền kinh tế kém phát triển và tỷ lệ đói nghèo cao.

Hiện nay, tất cả các nước trong lưu vực Mê Kông đều tìm cách đẩy mạnh phát triển kinh tế, kể cả việc tìm cách khai thác ngày càng nhiều các lợi thế về tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của lưu vực Mê Kông và coi đó là biện pháp cần thiết để vượt qua nghèo đói. Một trong những tiềm năng to lớn của sông Mê Kông đó là thủy điện.

Theo đánh giá của Ủy hội sông Mê Kông, tiềm năng thủy điện toàn lưu vực sông Mê Kông có thể khai thác vào khoảng 53.900 MW trong đó phần thượng lưu sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Trung Quốc – sông Lang Thương là 23.000 MW. Phần hạ lưu thuộc bốn quốc gia Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam là 30.900 MW trong đó Việt Nam là 2.000 MW.

Đánh giá trên cho thấy, tiềm năng thủy điện tại thượng lưu sông Mê Kông thuộc Trung Quốc là rất lớn. Do đó, quốc gia này đang triển khai xây dựng thêm nhiều công trình thủy điện lớn.

Trong khi đó, ở phần hạ lưu, các quốc gia như Thái Lan, Lào, Campuchia cũng đang thực hiện nhiều công trình thủy điện lớn trên dòng chính, trong đó phải kể đến hai công trình Xayaburi và Don Sa hong của Lào. Đối với Việt Nam, sông Mê Kông vào lãnh thổ qua vùng đồng bằng châu thổ, địa hình bằng phẳng nên khả năng phát triển thủy điện hầu như không có.

Theo Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, đối với dòng nhánh, hiện Thái Lan đã khai thác gần như toàn bộ tiềm năng thủy điện của dòng nhánh Mê Kông thuộc nước này. Lào đã và đang xây dựng hàng loạt nhà máy thủy điện lớn, trung bình. Việt Nam cũng có một số nhà máy thủy điện trên sông Sê San và Srêpốk.

* Tác động từ thủy điện thượng lưu tới Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng lượng dòng chảy các sông suối vào lãnh thổ Việt Nam khoảng 830 – 850 tỷ m3/năm, trong đó sông Mê Kông đóng góp 475 tỷ m3 (53 – 57% tổng lượng dòng chảy). Như vậy, rõ ràng sông Mê Kông có vị trí đặc biệt quan trọng đối với Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất Việt Nam.

Tiến sỹ Đào Trọng Tứ đánh giá: Về vị trí, Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở cuối nguồn nước, được hưởng những lợi thế về sự màu mỡ do phù sa sông Mê Kông bồi đắp từ hàng ngàn đời nay và nhận lại toàn bộ lượng dòng chảy sông sau khi qua các nước phía thượng lưu.

Tuy vậy, do nằm cuối nguồn, nước từ sông Mê Kông đến Đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và sẽ chịu tác động của mọi biến động thiên nhiên và hoạt động của con người ở các quốc gia phía thượng lưu.

Tiềm năng phát triển thủy điện tại lưu vực sông Mê Kông. Ảnh: TTXVN

Một trong những tác động đang dấy lên sự lo ngại sâu sắc của dư luận ở Việt Nam nói riêng và thế giới đối với tương lai của hệ sinh thái sông mê Kông nói chung và nguồn nước sông Mê Kông đó là tác động do việc phát triển thủy điện ồ ạt từ các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông, đặc biệt là các bậc thang thủy điện trên dòng chính.

“ Tác động của phát triển thủy điện cần được nhìn nhận cả hai khía cạnh, tác động tích cực và tác động tiêu cực. Đối với hạ lưu các công trình thủy điện, tác động tích cực chủ yếu là tác động điều hòa dòng chảy nếu là thủy điện hồ chứa điều tiết năm. Song việc hồ chứa có điều hòa dòng chảy cho hạ lưu hay không, tùy thuộc rất nhiều vào chế độ vận hành của hồ chứa”. Tiến sỹ Tứ nhận định.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã chỉ ra rằng các bậc thang thủy điện thượng nguồn đã dẫn đến những tác động môi trường đối với châu thổ sông Mê Kông nói chung và đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là việc làm thay đổi chế độ dòng chảy ở hạ lưu.

Khi 15 công trình trên phần thượng lưu và 11 công trình ở hạ lưu hoàn thành, lượng nước điều tiết xuống hạ lưu chắc chắn sẽ làm thay đổi đáng kể so với dòng chảy tự nhiên.

Sự thay đổi dòng chảy do các bậc thang thủy điện gây ra đối với lưu vực sông Mê Kông cho thấy, trừ những năm lũ đặc biệt lớn, việc giảm lưu lượng lũ xuống hạ lưu tạo nên “lũ xấu” và ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích kinh tế do lũ mang lại, đặc biệt đối với Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam.

Việc giảm lưu lượng mùa khô do việc vận hành vì nhiều lý do còn gây nên tác động tiêu cực lớn hơn cho hạ lưu như thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất, tăng diện tích xâm nhập mặn.
Bên cạnh đó nhiều chuyên gia môi trường cũng lo lắng về nguy cơ giảm lượng phù sa xuống hạ lưu châu thổ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Điều này sẽ dẫn đến sự suy giảm lượng cá hạ lưu, ảnh hưởng đến nông nghiệp, làm thay đổi động lực dòng chảy, tăng khả năng xói lở bờ, lòng sông…gây mất đất, bất ổn cho cuộc sống của nhiều cộng đồng dân cư, phá hủy các công trình hạ tầng cơ sở lớn nằm ven bờ.

Theo một nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Kông, tốc độ xói lở tại khu vực Tân Châu (An Giang) lên đến 30 mét/ năm. Hàng năm, hàng trăm hộ phải di chuyển và tái định cư .

* Giải pháp ứng phó nào cho Việt Nam?

Việc khai thác ngày càng mạnh mẽ các tài nguyên trong lưu vực sông Mê Kông nói chung và tiềm năng thủy điện đặc biệt trên dòng chính ở cả phần thượng lưu và hạ lưu vực là thách thức ngày càng tăng đối với hợp tác Mê Kông.

Phần thượng lưu vực Trung Quốc, việc phát triển các bậc thang thủy điện hoàn toàn được thực hiện bởi chính Trung Quốc, không hề có sự hợp tác, thỏa thuận hoặc trao đổi với các quốc gia hạ lưu vực cùng chia sẻ nguồn nước.

Ngoài ra, các quốc gia hạ lưu vực cũng bắt đầu tích cực nghiên cứu phát triển tiềm năng thủy điện trên dòng chính và chuyển nước ra ngoài lưu vực.

Theo Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, mặc dù đã có cơ chế hợp tác Mê Kông và Hiệp định Mê Kông 1995 với những điều khoản khá rõ liên quan đến những điều kiện phát triển dòng chính, các hoạt động nghiên cứu đều được thực hiện bằng con đường song phương, chỉ khi có áp lực mạnh mẽ từ các quốc gia hạ lưu và cộng đồng quốc tế, các quốc gia mới đưa ra thông báo mang tính cung cấp thông tin qua Ủy hội Mê Kông.

Do đó, việc tích cực đấu tranh tăng cường cơ chế hợp tác Mê Kông để thực hiện hiệp định Mê Kông 1995 là một biện pháp vô cùng quan trọng để giúp bảo vệ quyền lợi của Việt Nam là quốc gia nằm ở cuối nguồn. Việc lồng ghép hợp tác Mê Kông vào các hợp tác khu vực, các diễn đàn, chương trình hợp tác song phương là một biện pháp cần được thực hiện nhất quán và liên tục.

Việc tiếp tục theo dõi các hoạt động phát triển các quốc gia thượng lưu liên quan đến sông Mê Kông và tiến hành tiếp những nghiên cứu để dự báo trước những tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là vô cùng cần thiết.

Trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội Đồng bằng sông Cửu Long cho mỗi giai đoạn cần chủ động nghiên cứu và đề xuất cơ cấu kinh tế xã hội để phù hợp với những thay đổi có thể xảy ra do tác động của các hoạt động phát triển ở thượng lưu, tác động của biến đổi khí hậu./.

=>> Bài 1: Đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các quốc gia

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục