Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt

20:40' - 13/11/2019
BNEWS Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề "Phòng và trị bệnh nuôi cá nước ngọt" được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên tổ chức ngày 13/11.
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN

Gắn sản xuất nuôi trồng thủy sản với bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn thực phẩm, áp dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tạo chuyển biến cho chương trình tái cơ cấu ngành thủy sản...

Đó là những vấn đề được đưa ra tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề "Phòng và trị bệnh nuôi cá nước ngọt" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên tổ chức ngày 13/11, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các tỉnh Hải Dương, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và các nhà khoa học, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm, tiến bộ kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi và trị bệnh cho cá nước ngọt; các giải pháp thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Theo Tổng cục Thủy sản, tiềm năng nuôi trồng thủy sản của các tỉnh phía Bắc còn rất lớn với hơn 300 nghìn ha; trong đó, 90% diện tích nuôi nước ngọt. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc còn có hàng trăm nghìn ha diện tích mặt nước hồ chứa, hồ thủy lợi có thể phát triển nuôi cá. Năm 2019, diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh phía Bắc đạt gần 200 nghìn ha, sản lượng hơn 900 nghìn tấn.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá nước ngọt trên sông tại Hưng Yên. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN

Tuy nhiên, việc phát triển ngành thủy sản ở các tỉnh phía bắc còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường, dễ phát sinh dịch bệnh. Việc quản lý chất lượng giống ở các địa phương khó kiểm soát, điều kiện sản xuất của các cơ sở kinh doanh giống thủy sản còn gặp nhiều khó khăn. Công tác giám sát vùng nuôi, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất tại nhiều địa phương chưa hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên chia sẻ, toàn tỉnh có khoảng hơn 5.600 ha nuôi trồng thủy sản. Đáng chú ý, có khoảng 350 lồng nuôi cá trên sông và 50 bể áp dụng công nghệ "sông trong ao" nước tĩnh.

Những năm gần đây, tỉnh triển khai nhiều dự án mang lại hiệu quả cao như "Nuôi cá lồng trên sông", mô hình sản xuất lúa cá và nuôi cá theo hướng VietGap. Nhờ vậy, năng suất nuôi thủy sản trung bình của tỉnh đạt 8 tấn/ha/chu kỳ nuôi, lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng/ha/chu kỳ. Sản lượng cá thương phẩm năm 2019 của toàn tỉnh đat hơn 40 nghìn tấn.
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay như: kinh nghiệm nuôi cá sông trong ao tại Hải Dương; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở Bắc Ninh, Thái Bình; ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi cá rô phi thâm canh tại Bắc Giang.
Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương xây dựng các dự án về nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGAP; trong đó, có 7 dự án quy mô lớn phát triển mô hình nuôi cá lúa, nuôi cá rô phi “sông trong ao”, nuôi cá hồ chứa tại Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình...

Nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao như: mô hình nuôi cá rô phi “sông trong ao” tại các tỉnh Bắc Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Nghệ An và Hà Nam, năng suất thu được bình quân từ 15 - 20 tấn/bể/chu kỳ nuôi.
Để khai thác tiềm năng và phát triển bền vững nghề nuôi cá nước ngọt, ông Kim Văn Tiêu đề nghị các địa phương quy hoạch vùng nuôi cá trọng điểm, tập trung đầu tư hạ tầng khu vực sản xuất giống, khu nuôi tập trung để tạo ra các vùng sản xuất thủy sản hàng hóa. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư đầu vào đến quy trình nuôi, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm./.
Xem thêm:

>>Thái Nguyên tư vấn kỹ thuật cho người nuôi cá nước ngọt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục