Chia sẻ giải pháp ngăn chặn tín dụng đen

16:04' - 18/04/2019
BNEWS Tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp, xảy ra tại nhiều địa phương đặc biệt là khu vực Tây Nguyên.

Ngày 18/4, tại huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo Tăng cường các giải pháp tín dụng cho phụ nữ góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp, xảy ra tại nhiều địa phương đặc biệt là khu vực Tây Nguyên.

Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi thông qua mạng viễn thông, internet, tạo vỏ bọc qua các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, cầm đồ, dịch vụ đòi nợ, cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính với lãi suất rất cao, từ 100% đến 300%, thậm chí có nơi 700%/năm để thu lời bất chính; gắn liền với các hoạt động đòi nợ, chiếm đoạt tài sản, gây mất an ninh trật tự xã hội.
Đến 31/3, tổng dư nợ hoạt động ủy thác và tín chấp với các ngân hàng do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam quản lý là 94,4 nghìn tỷ đồng cho 2,8 triệu hộ vay; trong đó, tỉnh Đắk Lắk có tổng dư nợ trên 1.500 tỷ đồng, chiếm 1,59%, đã góp phần đáng kể kiến tạo và khơi thông các dòng vốn đến với người dân.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ và thảo luận những vấn đề về thực trạng và giải pháp ngăn chặn tín dụng đen; giải pháp về nguồn vốn góp phần ngăn chặn tín dụng đen; tình hình triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen; kết quả và phương hướng hoạt động nhằm tăng cường tín dụng trong nông nghiệp nông thôn; vai trò của hội phụ nữ trong khai thác và sử dụng nguồn vốn, góp phần đẩy lùi tín dụng đen...
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp, không chỉ hoạt động ở địa bàn thành thị hoạt động tín dụng đen đã lan rộng đến các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Hệ lụy từ tín dụng đen đã dẫn đến nhiều hành vi vi phạm khác nhau như bắt người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, tệ nạn xã hội, cầm cố, thế chấp tài sản…

Nhờ tập trung lực lượng, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp Công an tỉnh Đắk Lắk đã đấu tranh, triệt phá, xử lý 51 nhóm, 214 đối tượng, 42 cơ sở hoạt động tín dụng đen.
Từ thực tiễn nhu cầu nguồn vốn của người dân, hệ lụy từ tín dụng đen, đại diện chính quyền địa phương, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng linh hoạt đề ra nhiều giải pháp.

Đại diện hội viên phụ nữ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Mgar trên địa bàn huyện có 12 tổ chức tín dụng, đến hết năm 2018 tổng dư nợ đạt 3.500 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho vay vốn tiêu dùng, sản xuất của người dân.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như cà phê, hồ tiêu liên tục xuống thấp, người nông dân gặp nhiều khó khăn, áp lực phải trả lãi và gốc đối với các ngân hàng khiến nhiều nông dân phải vay tín dụng đen đã gây ra nhiều hệ lụy.

Các ngân hàng cần có chính sách khoanh nợ, giản nợ, tinh giảm các thủ tục cho vay để người dân được tiếp cận vốn tín dụng, không vướng vào vòng tín dụng đen.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Đắk Lắk, đơn vị đang đẩy mạnh thực hiện chương trình tín dụng tiêu dùng, dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng trong cơ cấu tín dụng cho vay đáp ứng các mục đích tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình trong thời gian ngắn hạn, rút ngắn thời gian thẩm định, xét duyệt cho vay.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Đắk Lắk tiếp tục ưu tiên thực hiện xét duyệt và giải ngân trong ngày khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết, có nhu cầu vốn không quá 30.000.000 đồng, thời gian sử dụng vốn ngắn hạn như khám chữa bệnh, chi phí học tập, mua trang thiết bị gia đình.

Ngoài ra, từ tháng 11/2018, đơn vị cũng triển khai 2 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng mở rộng tín dụng, phục vụ khách hàng vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đi lại khó khăn.
Ông Đặng Văn Thơi, Phó trưởng Phòng tổng hợp Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện quyết liệt các giải pháp mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung cho vay các đối tượng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận, vay vốn sản xuất, phục vụ đời sống, hạn chế tín dụng đen./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục