Chỉ số đồng USD giảm thấp kỷ lục

12:48' - 10/01/2019
BNEWS Chỉ số đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018.
Chỉ số đồng USD giảm kỷ lục. Ảnh minh họa: Reuters

Trong phiên giao dịch ngày 9/1 tại thị trường New York (Mỹ), chỉ số đồng USD - - thước đo “sức khỏe” của đồng bạch xanh trong "rổ" 6 đơn vị tiền tệ chính trên thị trường - đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018, sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo sẽ thận trọng về tiến trình tăng lãi suất tại Mỹ và thị trường lạc quan hơn về các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong phiên giao dịch cuối ngày, chỉ số USD giảm 0,72% xuống còn 95,2150. Nhờ đó, tỷ giá quy đổi của đồng euro, bảng Anh, dollar Australia so với đồng USD đồng loạt tăng giá.

Cụ thể, 1 euro đổi được 1,1544 USD, tăng so với mức 1,1442 USD của phiên trước đó; 1 bảng Anh/1,2794 USD, tăng so với mức 1,2719 USD của phiên trước và 1 đôla Australia/0,7180 USD, tăng so với 0,7139 USD của phiên trước đó.

Cùng ngày, Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - nhóm họp và đưa ra tuyên bố khẳng định ủy ban này "có thể kiên nhẫn" đánh giá thận trọng trước khi quyết định tiếp tục tăng lãi suất, căn cứ vào tỷ lệ lạm phát thấp và triển vọng tăng trưởng kinh tế không rõ ràng.

FOMC nhấn mạnh "việc giảm bớt có chừng mực những chính sách siết chặt tiền tệ bổ sung dường như là thích đáng" khi xem xét tình hình thị trường tài chính hiện nay.

Động thái trên chỉ ra rằng ngân hàng trung ương Mỹ dường như sẽ nới lỏng việc kiểm soát lượng tiền lưu thông trên thị trường - điều có khả năng làm giảm tính cạnh tranh của đồng bạc xanh.

Tuân trước, Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng năm 2018 là một năm tốt với nền kinh tế Mỹ. FED cũng đã cân nhắc những lo ngại về các nguy cơ như tăng trưởng toàn cầu chậm lại, các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra và chính sách chung chưa thực sự rõ ràng từ chính quyền Washington.

Năm 2019, ông Powell nhấn mạnh FED sẽ theo dõi sát các nguy cơ này và thận trọng trước những diễn biến của nền kinh tế.

Đồng thời, FED cũng chuẩn bị để điều chỉnh các kế hoạch bình thường hóa chính sách sau khi kích hoạt chương trình kéo dài 3 năm nhằm thu hẹp các danh mục mà FED đã đầu tư từ sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008.

Chủ tịch Powell cho rằng nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các kế hoạch bình thường hóa chính sách có thể ảnh hưởng tới những mục tiêu theo luật định, FED sẽ không ngần ngại thay đổi.

Ông khẳng định FED chuẩn bị để điều chỉnh chính sách một cách nhanh chóng và linh hoạt nhằm duy trì khả năng tăng trưởng, hỗ trợ thị trường lao động và giữ lạm phát ở mức 2%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục