Chi phí tiếp vận hậu cần xuất khẩu khá cao so với các nước trong khu vực

20:44' - 23/04/2019
BNEWS Chi phí tiếp vận hậu cần cho xuất khẩu thủy sản và trái cây chiếm tỷ lệ khoảng 20-25%, như vậy là khá cao so với các nước trong khu vực (khoảng 10-15%).

Ngày 23/4, tại thành phố Cần Thơ, Hiệp hội Doanh nghiệp tiếp vận hậu cần (logistics) Việt Nam (VLA) phối hợp Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Tăng cường tính kết nối nhằm cải thiện chuỗi giá trị hàng nông sản và thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long”.

Hơn 200 đại biểu trong nước và quốc tế đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng tham dự.

Phiên thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, là doanh nghiệp xuất khẩu tôm đông lạnh lớn nhất thế giới hiện nay cho biết, mỗi năm, đơn vị này đóng khoảng 6.700-7.000 container tôm xuất khẩu với kim ngạch đạt 750-850 triệu USD.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, theo ông An, điều mà ông quan tâm chính là giá thành. Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế đường sông, nhưng đi đường sông là "thua" ngay từ khâu vận chuyển vì hiện nay đi đường sông phải mất 30 giờ mới lên đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, khi sử dụng đường thủy thì phải chạy container lạnh bằng máy dầu diezel, nếu không đủ container thì chi phí cao hơn cả đường bộ. Do đó, hiện nay Minh Phú vẫn đang phải vận chuyển tôm bằng đường bộ lên Thành phố Hồ Chí Minh trước khi xuất khẩu.

“Từ Cà Mau lên Thành phố Hồ Chí Minh doanh nghiệp chi phí 11 triệu đồng/container và từ Hậu Giang đi Thành phố Hồ Chí Minh chi phí 7 triệu đồng/container. Như vậy, với 6.700- 7.000 container/năm, thì chi phí tiếp vận hậu cần riêng vận chuyển hàng hóa hơn 60 tỷ đồng”, ông An cho biết.

Lãnh đạo Minh Phú cho rằng, nếu có dịch vụ tiếp vận hậu cần hợp lý hơn, hàng hóa có thể xuất khẩu trực tiếp từ Đồng bằng sông Cửu Long, không phải đưa lên Thành phố Hồ Chí Minh thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn, khoảng 30-40%. Khi đó, tính cạnh tranh của các mặt hàng nông sản sẽ cao hơn.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ tiếp vận hậu cần Việt Nam cho biết, xuất khẩu nông, thủy hải sản đã và đang là thế mạnh của của Việt Nam nói chung cũng như của Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cũng như sự phát triển của ngành dịch vụ tiếp vận hậu cần của Việt Nam.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Theo báo cáo xuất nhập khẩu năm 2018 của Bộ Công Thương vừa công bố, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,79 tỷ USD, xuất khẩu mặt hàng trái cây 3,81 tỷ USD; trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm xuất khẩu chủ lực.

Tuy nhiên, qua các số liệu thống kê trong ít nhất 5 năm trở lại đây, chi phí tiếp vận hậu cần cho xuất khẩu thủy sản và trái cây chiếm tỷ lệ khoảng 20-25%, như vậy là khá cao so với các nước trong khu vực (khoảng 10-15%). 

Kết nối hạ tầng tiếp vận hậu cần tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều bất cập, ngay cả các cơ quan chức năng trung ương và địa phương còn chưa rõ nên đẩy mạnh theo hướng nào là hiệu quả.

Ông Hiệp cho rằng, yêu cầu về hoàn thiện chuỗi cung ứng xuất khẩu hàng có bảo quản nhiệt độ và hàng trái cây cũng như chuỗi cung ứng tiếp vận hậu cho mặt hàng này là một thách thức không hề nhỏ cho các nhà sản xuất, xuất khẩu, thương mại và các nhà cung cấp dịch vụ tiếp vận hậu cần, nhất là trong bối cảnh hiện nay tại khu vực Tây Nam bộ.

Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Toại cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 40% giá trị sản xuất nông nghiệp, trên 50% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây, 18% GDP cả nước. Vùng này được xem là vựa lúa, vựa thủy sản lớn nhất cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu chủ yếu từ sản phẩm gạo và thủy sản chế biến. Hai mặt hàng này chiếm từ 75 - 80% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước.

Hàng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 17 - 18 triệu tấn. Tuy nhiên, 70% hàng hóa xuất khẩu này phải chuyển tải về các cảng lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10-40% tùy từng tuyến.

Dự báo nhu cầu vận tải sản lượng lúa của vùng đến năm 2020 khoảng 10,2 triệu tấn, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác khoảng 2,42 triệu tấn, cho thấy thị trường tiếp vận hậu cần của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng là rất tiềm năng, có triển vọng phát triển và thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Do đó, theo ông Toại, việc phát triển ngành dịch vụ tiếp vận hậu cần ở Cần Thơ nói chung và xây dựng phát triển một trung tâm logistics hạng II cấp vùng ở Cần Thơ là nhu cầu cách bách và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với vấn đề phát triển tiếp vận hậu cần của Đồng bằng sông Cửu Long, bà Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển tiếp vận hậu cần Việt Nam (VLI) cho biết, từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch các trung tâm tiếp vận hậu cần cả nước; trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long có 2 trung tâm hạng 2. Nhưng đến nay, sau 4 năm vẫn chưa có trung tâm nào hình thành ở khu vực này.

Do đó, theo bà Hòa, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là thành phố Cần Thơ cần có quyết tâm hơn trong việc hình thành một trung tâm tiếp vận hậu cần của vùng. Tuy nhiên, việc này cần có nghiên cứu khả thi chứ không nên vội vàng.

Cụ thể, cần có nghiên cứu, đánh giá nhu cầu sử dụng dịch vụ ở khu vực này ở từng mặt hàng. Mỗi loại hàng hóa cần những dịch vụ cụ thể nào để khi xây dựng trung tâm tiếp vận hậu cần phù hợp với đặc trưng, nhu cầu những mặt hàng của các địa phương, tránh xây dựng lãng phí mà không đáp ứng được nhu cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục