Chế tài nào đủ sức xử lý “vấn nạn” hàng giả, hàng nhái

17:41' - 03/06/2019
BNEWS Hàng giả hàng nhái từ nhiều năm nay đã là câu chuyện không còn mới ở Việt Nam, gây nhiều tác động xấu đến lợi ích của người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Hàng giả hàng nhái từ nhiều năm nay đã là câu chuyện không còn mới ở Việt Nam. Tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, làm nhái theo những thương hiệu lớn đã gây nhiều tác động xấu đến lợi ích của người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Để xử lý “vấn nạn” này, ngoài những nỗ lực từ phía doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, cần có một chế tài mạnh, kiên quyết hơn nữa từ phía các cơ quan hữu quan.

*Nhiều thương hiệu lớn bị xâm phạm

Mới đây, Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, về tội sản xuất, buôn bán hàng giả sản phẩm ống thép; đồng thời quyết định tạm giam 2 bị can là Nguyễn Quang Thành, Nguyễn Văn Kiên lần lượt là Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thép Tổng hợp An Phát.

Không chỉ ở lĩnh vực thép và ống thép, mà ở lĩnh vực nội thất, các sản phẩm và trang web của tập đoàn cũng thường xuyên bị làm “nhái”. Ảnh minh họa: TTXVN

Nguyên nhân là do công ty này đã cung cấp sản phẩm “nhái” ống thép của Tập đoàn Hòa Phát sản xuất vào một Dự án Chung cư cao cấp tại quận Hà Đông, Tp Hà Nội. Số lượng thép này được sử dụng trong phòng cháy chữa cháy và đường nước dân dụng.

Để đảm bảo an toàn trong thi công, PA04 và Đội Quản lý thị trường số 14 – Cục Quản lý Thị trường đã lập tức áp dụng biện pháp tạm thời thu giữ tang vật là sản phẩm ống thép hàng giả và cử cán bộ kiểm tra kho sản xuất của Công ty cổ phần Thép Tổng hợp An Phát tại Khu Đô thị Cầu Bươu; phát hiện công ty này đang thực hiện việc sản xuất hàng giả sản phẩm ống thép đen, ống thép mạ nhúng nóng Hòa Phát của Tập đoàn Hòa Phát.

PA04 đã chuyển giao hồ sơ, tài liệu và các vật chứng đi kèm cho Cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý và tiếp quản vụ án. 

Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc xâm phạm thương hiệu, làm giả hàng hoá được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.

Theo đại diện Tập đoàn Hoà Phát, không chỉ ở lĩnh vực thép và ống thép, mà ở lĩnh vực nội thất, các sản phẩm và trang web của tập đoàn cũng thường xuyên bị làm “nhái”. Điều này không những gây ra thiệt hại cho người sử dụng mà còn ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của Hoà Phát.

“Bộ phận pháp chế của Tập đoàn vẫn thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng để nắm bắt và xử lý các trường hợp vi phạm, nhưng với khung khổ pháp lý, chế tài xử lý thời gian qua còn hạn chế, các đối tượng vẫn tiếp tục sản xuất hàng giả”, vị này nói.

Theo bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hồ Gươm, thương hiệu của đơn vị này đã có mặt tại Hoa Kỳ qua kênh Amazon, xuất khẩu sang Nhật Bản. “Chúng tôi mừng vì sản phẩm của mình tốt nên bị làm giả, nhưng cũng rất lo ngại, hàng giả, hàng nhái sẽ khiến sụp đổ hình ảnh của doanh nghiệp. Công việc chống hàng giả, nhái đòi hỏi nỗ lực từ nhà nước, hệ thống hàng rào bảo vệ thương hiệu Việt, chứ một mình doanh nghiệp Việt Nam không thể làm được”.

Nhận định của PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (Trường Đại học Thương mại) cho thấy, tại thị trường Việt Nam, bất cứ chủng loại hàng hóa nào cũng có thể bị làm giả một cách tinh vi. Hàng giả được sản xuất và lưu thông một cách công khai, dễ dàng trà trộn vào hàng thật khiến ngay cơ quan chức năng cũng rất khó có thể phát hiện ra.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, sở dĩ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn ngang nhiên có mặt trên thị trường là do có tới 98,37% vụ việc xử lý hành chính, còn lại số rất nhỏ 1,63% xử lý tư pháp qua toà án. Điều này cho thấy, khuôn khổ pháp luật trong xử lý vi phạm hàng giả còn quá nhẹ, chế tài chưa mạnh.

Cần chế tài đủ mạnh

Theo các chuyên gia, nhiều vụ việc hàng giả, hàng nhái, các đối tượng vi phạm chỉ bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng là không đáng kể so với khoản lợi nhuận quá lớn từ việc sản xuất lưu thông hàng giả. Điều này khiến tội phạm trong lĩnh vực này dễ dàng tái phạm và vi phạm ngày càng gia tăng.

Ông Nguyễn Vũ Quân, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam thừa nhận, biện pháp hành chính được sử dụng nhiều nhất hiện nay để xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vì ít tốn kém và nhanh gọn. Tuy nhiên, mức xử phạt còn nhẹ, chưa đủ mạnh và chưa đủ tính răn đe.

Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm thường trông chờ vào kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ hoặc ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp có ý kiến trái chiều giữa hai bên sẽ gây khó khăn cho cơ quan thực thi.

Do vậy cần có giải pháp mạnh tay hơn, cơ chế xử phạt chặt chẽ và nặng hơn với các đối tượng, không để xảy ra tình trạng tái diễn vi phạm.

Theo luật sư Nguyễn Thiện Hiệp, thành viên Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội, tình trạng hàng giả hàng nhái ở Việt Nam đang diễn biến rất phức tạp; trong đó có hành vi làm giả, nhái các nhãn hiệu lớn trên thị trường nhằm trục lợi bất chính. Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định rõ về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là 15 năm tù giam.

Việc khởi tố vụ án làm hàng giả sẽ răn đe tất cả các đối tượng làm ăn phi pháp, tạo sự tin tưởng của nhà sản xuất và người tiêu dùng đối với hệ thống pháp luật nhà nước.

Tán thành nhận định trên, ông Phí Ngọc Trung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Trung Thành Foods cho rằng, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để ngăn chặn hàng giả, nhái thương hiệu, giúp hàng Việt phát triển mạnh mẽ hơn. Phải có cơ chế đủ mạnh để giải quyết dứt điểm tình trạng này…/.

Xem thêm:

>>Họp báo Chính phủ: Giải đáp các vấn đề về điện năng lượng mặt trời, chống hàng giả

>>Hà Nội khởi tố hai bị can liên quan đến buôn bán ống thép giả

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục