Châu Âu và Mỹ nghĩ gì về tối hậu thư của Iran? (Phần 1)

05:30' - 12/07/2019
BNEWS Tehran đã đưa ra tối hậu thư rằng cuộc đối thoại với Mỹ chỉ có thể xảy ra sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và Liên minh châu Âu (EU) chỉ còn một cơ hội cuối cùng để không phá vỡ thỏa thuận.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Động thái này cho thấy Chính phủ Iran đã bắt đầu đưa ra những cảnh báo nguy hiểm.

* Tối hậu thư của Iran…

Iran cảnh báo rằng họ sẽ nối lại hoạt động sản xuất plutonium cấp vũ khí nếu các đối tác châu Âu không tuân thủ cam kết trong thỏa thuận hạt nhân: “Kể từ ngày 7/7, chúng tôi sẽ đưa lò phản ứng Arak về trạng thái cũ, mà theo lời của các bạn (nước ngoài) thì trạng thái này là nguy hiểm bởi vì lò phản ứng có thể sản xuất plutonium”, Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố.

Theo Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) về giải pháp đối với chương trình hạt nhân của Iran, Tehran đã cam kết xây dựng lại lò phản ứng Arak để nghiên cứu hạt nhân cho mục đích hòa bình và sản suất đồng vị phóng xạ cho y học và công nghiệp. Sau khi được nâng cấp theo cách này, lò phản ứng không thể sản xuất plutonium cấp vũ khí.

 Tuy nhiên, Iran giải thích rằng họ đã đưa ra tối hậu thư bởi vì Washington vi phạm thỏa thuận hạt nhân và áp đặt các biện pháp trừng phạt, còn Đức, Pháp, Anh, Trung Quốc và Nga không có khả năng giải quyết các vấn đề còn lại trong Kế hoạch JCPOA.

Ngoài lời hứa đưa lò phản ứng Arak về trạng thái cũ để sản xuất plutonium cấp vũ khí, Tehran còn có ý định thực hiện một số biện pháp khác. Vài ngày trước tối hậu thư mới, báo chí cho biết Tehran đã vượt quá giới hạn uranium làm giàu ở mức độ thấp được quy định trong JCPOA.

Iran tranh luận rằng việc nước này vượt giới hạn dự trữ uranium làm giàu không vi phạm thỏa thuận hạt nhân, mà thay vào đó, đây là sự đáp trả việc Mỹ rút khỏi JCPOA. Trong một thông cáo được gửi đến các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 1/7, Iran cho biết nước này đã chính thức triển khai thủ tục giải quyết tranh cãi về thỏa thuận hạt nhân từ ngày 10/5/2018, sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA. 

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 6/7 lên án các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Tehran là "hành động khủng bố", đồng thời cảnh báo nếu một "cuộc chiến tranh kinh tế" như vậy tiếp diễn sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ thế giới.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ông Rouhani mô tả các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran "là một hành động khủng bố và một cuộc chiến kinh tế về mọi mặt", đồng thời nhấn mạnh: "Việc tiếp tục cuộc chiến kinh tế này có thể dẫn tới các mối đe dọa khác tại khu vực và thế giới".

Tổng thống Rouhani cũng hối thúc EU nỗ lực hơn nữa nhằm duy trì JCPOA mà Mỹ rút khỏi cách đây hơn một năm. Văn phòng báo chí của Tổng thống Iran nhấn mạnh trong suốt 14 tháng qua, Iran đã áp dụng chính sách "kiên nhẫn chiến lược" nhằm cứu JCPOA bất chấp các trừng phạt của Mỹ.

Trong cuộc điện đàm hơn một giờ đồng hồ nói trên, ông Macron đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc về sự suy yếu mới" của thỏa thuận JCPOA, đồng thời cảnh báo việc này sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề. 

Theo Điện Élysée, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tìm các điều kiện để nối lại đối thoại về vấn đề hạt nhân Iran trước ngày 15/7. Ông Macron sẽ duy trì đối thoại với chính quyền Iran và các bên liên quan khác nhằm "cam kết giảm căng thẳng liên quan đến vấn đề hạt nhân của Iran".

Trả lời một cuộc phỏng vấn đăng ngày 6/7 trên trang mạng chính thức của Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei, cố vấn của Đại giáo chủ về các vấn đề quốc tế, ông Ali Akbar Velayati có hàm ý Tehran sẽ tăng mức độ làm giàu uranium lên 5%. 

Ông nói: "Việc làm giàu uranium sẽ được tăng lên đến mức cần thiết cho các hoạt động vì mục đích hòa bình của chúng tôi". Theo ông, để lò phản ứng hạt nhân Bushehr hoạt động, Iran cần uranium đã được làm giàu ở mức 5%. Ông nhấn mạnh "đây là một mục đích hoàn toàn hòa bình".

* … có thật sự hiệu quả?

“Tehran đã nhiều lần tuyên bố rằng mục tiêu của họ là duy trì thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện. Trong cuộc phỏng vấn với đài Sputnik, bà Yulia Sveshnikova, nhà nghiên cứu tại Đại học Kinh tế Cao cấp (Nga), đã lưu ý rằng phản ứng của Iran là khá tự nhiên. Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, mọi thứ đã dừng lại. 

Tehran đang gây áp lực lên châu Âu để họ tìm cách nào đó đạt thỏa thuận với Mỹ”, chuyên gia Nga nhận xét.

Nhưng, cả Moskva và Bắc Kinh đều không có đòn bẩy nào đối với Washington. Ngoài ra, Iran không phải là một thị trường mang lại lợi nhuận cao, do đó, không có ai muốn tranh cãi với Washington để bảo vệ lợi ích của Tehran.

Đồng thời, các chuyên gia trong khu vực đều cho rằng bây giờ Iran khó có thể có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân. Vào năm 2005, Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã ban hành một giáo lệnh (fatwa) cấm sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hạt nhân. 

Mục tiêu chính của chương trình hạt nhân Iran là phát triển tiềm năng khoa học và kỹ thuật chính thức hòa bình. Tuy nhiên, nếu cần thiết, tiềm năng này sẽ giúp Iran chế tạo đầu đạn hạt nhân. Điều này là một yếu tố của chiến lược răn đe./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục