Châu Âu kỳ vọng vào EVFTA

15:17' - 16/07/2019
BNEWS Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam mới đây đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA).

 Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU một cách toàn diện và sâu sắc. Hiệp định này được các nước thành viên EU và các doanh nghiệp của khối này đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng.
*Một thỏa thuận tham vọng
Đây là thỏa thuận đầu tiên mà châu Âu ký với một nước đang phát triển ở châu Á, mở đường cho việc giảm tới 99% hàng rào thuế quan hàng hóa giữa EU và Việt Nam cũng như mở cửa thị trường dịch vụ và mua sắm công trong các lĩnh vực bưu chính, ngân hàng và hàng hải.

Báo Financial Post của Canada dẫn đánh giá của EU coi EVFTA là "thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất" mà châu lục này ký với một nước đang phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Về thương mại hàng hóa, đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu. Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.

Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế, chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu. Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN, sau Singapore (Xin-ga-po) và EU là một trong những đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam, với kim ngạch thương mại năm 2018 đạt 55,8 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU gồm thiết bị viễn thông, giày dép và dệt may, đồ nội thất và nông sản. EU chủ yếu xuất sang Việt Nam các hàng hóa như máy móc và thiết bị vận tải, các loại hóa chất, thực phẩm và đồ uống.
*Các quốc gia thành viên EU kỳ vọng
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đánh giá EVFTA sẽ củng cố hơn nữa thương mại dựa trên luật lệ và chống chủ nghĩa bảo hộ. Ông cũng nhận định EVFTA đảm bảo sự tiếp cận của các sản phẩm của Đức vào thị trường Việt Nam cũng như các khoản đầu tư của các doanh nghiệp Đức vào thị trường ngày càng quan trọng này.
Trong khi đó, ông Volker Treier, Giám đốc ngoại thương của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức, đánh giá EVFTA là một "xung lực đáng kể" đối với nền kinh tế Đức. Ông cho biết, trao đổi thương mại Đức-Việt Nam hiện chỉ dưới 13 tỷ euro (14,7 tỷ USD), nhưng sẽ tăng lên một "mức tăng đáng kể" khoảng 20 tỷ euro trong vài năm tới.
Trong khi đó, bà Lucie Vondráčková, Cục trưởng Cục Chính sách thương mại và Các tổ chức kinh tế quốc tế thuộc Bộ Công Thương CH Czech, cho rằng EVFTA mang lại nhiều lợi ích lớn đối với Việt Nam và EU.

Một trọng những lợi ích lớn nhất của EVFTA là việc xóa bỏ 99% các loại thuế quan giúp tiết kiệm chi phí cho các nhà xuất khẩu cũng như các nhà nhập khẩu của Việt Nam, CH Czech nói riêng và EU nói chung.

Điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp CH Czech xuất khẩu hàng hóa trong các lĩnh vực mà CH Czech có thế mạnh như dệt may, thủy tinh, ô tô, cơ khí, kỹ thuật điện tử, thực phẩm và hóa chất.
Ông Bořivoj Minář, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại CH Czech, cho rằng EVFTA sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam với EU nói chung và giữa Việt Nam với CH Czech nói riêng.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Cần Thơ. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Là thành viên của EU và có mối quan hệ truyền thống hữu nghị với Việt Nam, CH Czech có thế mạnh và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo máy, khai khoáng, công nghệ chế biến thực phẩm, nông sản, sản xuất bia.
Trang irishexaminer.com đăng bài nhận định EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu của Ireland, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Đây là thỏa thuận tốt cho các quốc gia thành viên EU, nhất là Ireland. Sự quan tâm của Ireland đối với EVFTA thể hiện ở nhiều mặt.

Thứ nhất, thỏa thuận mang lại lợi ích trực tiếp, giúp nước này gia tăng khối lượng hàng xuất khẩu hiện ở mức 65 triệu euro.

Thứ hai và quan trọng hơn, EVFTA tạo cơ hội kết nối thương mại dịch vụ lâu dài, lĩnh vực đã đóng góp 164  triệu euro cho xuất khẩu của Ireland năm 2018.
*Giới doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao
Về tổng thể, giới doanh nghiệp EU đánh giá EVFTA sẽ mang lại nhiều tác động tích cực. Đây là thỏa thuận được ký với một quốc gia có tính bổ sung rất tốt cho nền kinh tế châu Âu, một nhà sản xuất rất nhiều sản phẩm với sản lượng lớn sẽ được gửi đến châu Âu để tiêu thụ và cũng sẽ nhập khẩu rất nhiều sản phẩm từ các nhà sản xuất EU.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp kinh doanh nông sản và thực phẩm châu Âu, bà Pascale Rouhier, nhìn chung EVFTA sẽ tạo ra một khuôn khổ hợp tác, giúp thảo luận về các quy định, đơn giản hóa thủ tục hải quan và xây dựng nên một cơ chế giải quyết tranh chấp tiềm ẩn. 

Bà cũng cho rằng Hiệp định sẽ tác động tích cực đối với lĩnh vực nông nghiệp của châu Âu, đơn cử như ngành sữa, với kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu cỡ vừa, nhưng rất quan trọng đối với EU.
Bà Rouhier cũng cho rằng EVFTA khi được thực thi sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại đối với một số sản phẩm mà EU không tự túc được, như các loại hạt, cà phê và trà hoặc các sản phẩm thủy sản, trong khi Việt Nam là quốc gia cung cấp nhiều sản phẩm thủy sản như cá ngừ đóng hộp và tôm đông lạnh.
Theo Trưởng Văn phòng liên lạc EU tại Brussels của Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Đức, ông Pierre Groning, về tổng thể EVFTA là thỏa thuận với một quốc gia bổ sung rất tốt cho nền kinh tế châu Âu.

Việt Nam là nhà sản xuất rất nhiều mặt hàng với sản lượng lớn, có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường châu Âu và cũng có khả năng tiếp nhận rất nhiều sản phẩm từ EU, đặc biệt là mặt hàng hóa chất. Hiện tại, hiệp hội doanh nghiệp hóa chất đã đạt khoảng 500 triệu euro xuất khẩu và sẽ tăng mạnh khi Hiệp định được thực thi.
Ông Groning cũng cho rằng một số ngành của châu Âu, như dệt may, lúa gạo có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vấn đề này đã được nêu trong các cuộc đàm phán nên sẽ có một số điều khoản nhằm bảo vệ các nhà sản xuất châu Âu theo từng giai đoạn với việc cắt giảm thuế quan gắn liền với một tiến trình 10 năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục