Chậm tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long

15:01' - 18/06/2019
BNEWS Tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long có chuyển biến tích cực nhưng vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu và những "nút thắt" về mặt cơ chế, chính sách.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Xuân Anh –TTXVN

Đây là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì trong khuôn khổ Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, sáng 18/6.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, những năm qua, ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đưa Đồng bằng sông Cửu Long thành vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Giai đoạn 2016 -2018, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3%/năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (2,67%), đóng góp 34,6 GDP toàn ngành nông nghiệp cả nước và 33,5% GDP chung vùng. Đồng thời, tiếp tục đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,43 tỷ USD.
Cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng và năng lực cạnh tranh, tăng thủy sản, trái cây và giảm lúa.

So với năm 2015 diện tích gieo trồng lúa giảm từ hơn 4,3 triệu ha xuống còn hơn 4,1 triệu ha (giảm khoảng 195.000 ha); tỷ trọng giá trị sản xuất lúa gạo trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp giảm từ 27,7% xuống 26,4%, trong khi đó diện tích nuôi trồng thủy sản tăng từ 742.700ha lên 803.300ha, tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản tăng từ 35,4% lên 42%; diện tích trái cây tăng từ 308.600 ha lên 347.600ha, tỷ trọng  giá trị sản xuất ngành trái cây tăng từ 9,1% lên 10,2%.
Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nông sản.

Diễn đàn tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Xuân Anh –TTXVN

Hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai bước đầu đáp ứng nền nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo tưới tiêu cho 90% diện tích lúa vụ Đông Xuân - Hè Thu và phát triển thủy sản, cây trồng cạn, diện mạo nông thôn cũng được khởi sắc, có nhiều đổi mới.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Doanh, quá trình chuyển dịch cơ cấu và đổi mới tổ chức sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long còn chậm, chưa có nhiều chuỗi giá trị hoàn chỉnh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản nên chưa tạo được đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh.

Năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên tai của vùng chưa được cải thiện nhiều khi các mô hình thích ứng còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa có đủ cơ sở về kỹ thuật và thị trường cũng như động lực và hỗ trợ đủ mạnh để nhân rộng.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn từ biến đổi khí hậu và các hoạt động phát triển thượng nguồn. Các thách thức lớn nhất là sụt lún đất, mực nước ngầm suy giảm, xói lở bờ biển, ngập do nước biển dâng và úng ngập cục bộ, xâm nhập mặn gia tăng. Cấu trúc mùa vụ, năng suất thay đổi, dịch bệnh gia tăng do biến đổi khí hậu.

Thị trường biến động khó lường với các tiêu chuẩn ngày càng nghiêm ngặt hơn, đặc biệt khi nông nghiệp Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng với các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.
Ở góc độ địa phương, ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nhu cầu bức thiết hiện nay của tỉnh nhằm giải quyết bài toán phát triển bền vững.

Trong khi đó, tỉnh đã tập trung vào việc liên kết sản xuất giống cá tra chất lượng cao, phát triển diện tích rau màu, các sản phẩm dược liệu và chăn nuôi bò.
Tuy nhiên, đến hiện nay diện tích chuyển đổi chưa đạt tiến độ như kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ các sản phẩm chuyển đổi chưa ổn định, các mặt hàng rau quả, trái cây gặp khó về  tiêu chuẩn kỹ thuật. Thêm vào đó, diễn biến lũ bất thường, ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Trong khi đó, ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nêu vấn đề, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ đã được triển khai 2 năm nhưng chưa ban hành Chương trình tổng thể nên các địa phương cũng chưa ban hành được kế hoạch chi tiết thực hiện.

Thêm vào đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn gặp nhiều vướng mắc về đất đai. Cụ thể, các địa phương đều được khuyến khích giảm diện tích trồng lúa, chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi các vùng đất lúa trên 10 ha vẫn phải báo cáo xin ý kiến Chính phủ, điều này khiến thời gian chuyển đổi bị kéo dài, trong khi đó, cơ hội thị trường cho sản phẩm mới bị bỏ lỡ.
Một khó khăn khác của Vĩnh Long cũng như các tỉnh trong khu vực là thiếu kinh phí và nguồn nhân lực để thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp, quy hoạch hệ thống thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong khí đó, mặt bằng chung cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi của vùng còn hạn chế, chi phí sản xuất, vận chuyển cao dẫn đến lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp thấp.
Giáo sư Võ Tòng Xuân thì nhận định, thách thức lớn của Đồng bằng sông Cửu Long trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu đó chính là thiếu đầu ra ổn định cho sản phẩm, chưa quy hoạch tổng thể được cơ cấu ngành cho toàn vùng và thiếu công nghệ chế biến sau thu hoạch.

Việc sản xuất ra không biết bán cho ai, giá cả ở mức nào sẽ khiến nông dân e ngại khi chuyển đổi cây trồng theo khuyến nghị.

Song song đó lại tồn tại tình trạng đổi một cách tự phát, không theo quy hoạch vùng sẽ dẫn đến dư thừa sản lượng, trong khi khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa phát triển khiến lượng nông sản dư thừa bị đổ bỏ, gây thiệt hại lớn về kinh tế của người trồng và bất ổn về thị trường.
Để tháo gỡ những bất cấp hiện nay, các đại biểu cho rằng, cần sớm ban hành Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long để các địa phương có cơ sở ban hành kế hoạch thực hiện một cách cụ thể, đồng bộ.

Thêm vào đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần điều chỉnh chính sách đất đai và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, vận chuyển, lưu thông hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long đi các vùng khác và xuất khẩu.
Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, muốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người nông dân, phải xây dựng được thị trường tiêu thụ nông sản điều chỉnh theo quy luật cung cầu. Theo đó, cần có quy hoạch tổng thể các vùng nuôi trồng chuyên canh cấp khu vực để hạn chế tình trạng quy hoạch chồng lấn giữa các địa phương có điều kiện tự nhiên tương tự.

Đồng thời, các địa phương trong vùng phát triển kinh tế tập thể và tăng cường hiệu quả liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản; đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến để tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cho nông sản./.
Xem thêm:

>>Xây dựng bộ giống nông nghiệp chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long

>>"Cánh đồng lớn" đang có nguy cơ giảm diện tích vì... thiếu vốn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục