CEO Facebook để ngỏ khả năng thu hẹp dự án Libra

12:25' - 24/10/2019
BNEWS Giám đốc điều hành Facebook khẳng định mục tiêu của đồng tiền số Libra là xây dựng một hệ thống thanh toán toàn cầu chứ không phải trở thành một loại tiền tệ.
Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg. Ảnh: AFP/TTXVN
Trả lời chất vấn của giới lập pháp Mỹ trong phiên điều trần ngày 23/10, Giám đốc điều hành (CEO) Facebook, ông Mark Zuckerberg, để ngỏ khả năng thu hẹp quy mô kế hoạch cho đồng tiền số Libra nếu Libra không được chấp nhận như một loại tiền tệ mới cho hoạt động giao dịch toàn cầu.
Trước các nghị sĩ thành viên của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ, ông Zuckerberg nói khẳng định Facebook chưa thiết lập chính xác cách thức hoạt động của đồng Libra, đồng thời khẳng định mục tiêu của đồng tiền số này là xây dựng một hệ thống thanh toán toàn cầu chứ không phải trở thành một loại tiền tệ.
CEO Facebook thừa nhận rằng Libra có thể bị giới hạn trong các hệ thống thanh toán kỹ thuật số sử dụng các loại tiền tệ riêng lẻ - một kế hoạch ít tham vọng hơn so với việc tạo ra một đồng tiền mới liên kết với một rổ các loại tiền tệ chủ chốt của thế giới.
Ông  Zuckerberg nói rằng cá nhân ông tập trung nhiều hơn vào việc có thể giúp đổi mới và xây dựng một hệ thống thanh toán toàn cầu hơn là chú trọng vào thiết lập một  loại tiền tệ hoặc quỹ dự trữ cụ thể.
CEO Zuckerberg lặp lại cam kết trước đó rằng đồng Libra sẽ không ra mắt thị trường nếu không có sự chấp thuận đầy đủ theo quy định. Ông cũng nói thêm rằng Facebook sẽ rời khỏi Hiệp hội Libra (tổ chức phi lợi nhuận phụ trách giám sát, quản lý đồng Libra) nếu đồng tiền số này ra mắt quá sớm.
Khi được hỏi liệu Libra có thể chỉ liên kết với đồng USD hay không, ông Zuckerberg nói rằng cộng đồng Libra đang bị chia rẽ về điểm này. Ông cho biết từ góc độ các nhà quản lý, mọi chuyện có thể khá đơn giản. Nhưng đồng Libra có thể không được chào đón ở nhiều nơi khác nếu nó 100% chỉ định giá dựa trên đồng USD.
Trong phiên điều trần, ông Zuckerberg lưu ý rằng mối đe dọa cạnh tranh đang lớn dần lên xuất phát từ mối quan hệ hợp tác công – tư ở Trung Quốc và cảnh báo sẽ có nhiều rủi ro nếu một hệ thống như vậy trở thành tiêu chuẩn toàn cầu. Nếu điều đó xảy ra, CEO Facebook cho rằng sẽ rất khó nếu không nói là bất khả thi để nước Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc thực thi những biện pháp bảo vệ mà các nhà hoạch định chính sách tại Washington mong muốn.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp lại đặt câu hỏi về độ tin cậy của mạng xã hội lớn nhất thế giới. Những nghị sĩ của cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều lên tiếng chỉ trích Facebook vì đã không thắt chặt kiểm soát những thông tin chính trị sai lệch, đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu cho người dùng. Một số người cho biết họ không tin tưởng Facebook có đủ khả năng giúp cung cấp dịch vụ tài chính cho 2,4 tỷ người dùng của mình khi tính đến các vụ bê bối trong quá khứ.
Nghị sĩ Ann Wagner thuộc đảng Cộng hòa cũng đặt câu hỏi cho CEO Zuckerberg về lý do tại sao nhiều công ty đã từ bỏ Hiệp hội Libra. Bà hỏi rằng tại sao một số thành viên sáng lập cho hiệp hội này tỏ ra lo ngại về việc liệu Facebook có tuân thủ những yêu cầu về chống rửa tiền cùng các quy định khác của Chính phủ Mỹ hay không.
Vị CEO 35 tuổi của Facebook thừa nhận rằng các công ty đó đã rút lui vì Libra là một "dự án rủi ro" và ngay chính ông cũng không chắc chắn rằng nó sẽ thành công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục