Cây thoát nghèo của đồng bào Mông

11:08' - 17/08/2019
BNEWS Đồng bào Mông xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên thoát nghèo nhờ trồng cây sơn tra (táo mèo).
Người dân thu hoạch táo mèo. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN 

Với việc sở hữu hơn 150 ha cây sơn tra (táo mèo), trồng tập trung ở 6/7 bản, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) là địa phương có diện tích cây sơn tra lớn nhất huyện Tuần Giáo.

Hiện tai, toàn xã Tỏa Tình có có hơn 220 hộ/gần 530 hộ trồng cây sơn tra. Hàng chục năm qua, cùng với cây cà phê, sa nhân thì sơn tra đã trở thành một loài cây trồng chính giúp cộng đồng dân tộc Mông nơi đây thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu bền vững.
Chúng tôi trở lại Tỏa Tình, địa bàn nằm trên con đèo Pha Đin (giáp ranh giữa hai tỉnh Sơn La- Điện Biên) huyền thoại thời điểm mùa sơn tra đang vào vụ thu hoạch (từ giữa tháng 8 sang tháng 10 mỗi năm).

Hàng chục ki-lô-mét cung đường đèo dốc Quốc lộ 6 (cũ) ngày thường vốn thưa vắng người, hoang hóa nhưng nay trở nên nhộn nhịp, hối hả bởi các tốp người, các loại phương tiện qua lại cùng tham gia hoạt động thu hái, bán buôn quả sơn tra.
Cây sơn tra hiện diện trên lưng đồi, dưới thung sâu, ngay bên đường đi, được trồng thành rừng, trĩu quả màu vàng tươi, tỏa mùi hương đặc trưng, dễ chịu.

Tại các bản Lồng, Hua Sa, Tỏa Tình… chúng tôi dễ dàng bắt gặp cảnh người dân hái quả sơn tra, gùi quả về điểm tập kết, đóng vào bao tải chờ thương lái đến thu mua, hoặc tự chở bằng xe máy hàng tạ quả tươi đóng trong những bao tải chở lên đỉnh đèo Pha Đin để bán cho khách miền xuôi dừng chân nơi đây.
Vào mùa thu hoạch quả sơn tra, cung đèo Pha Đin và nhịp sống bản làng rộn ràng từ sáng sớm tinh mơ cho đến tối mịt mới tạm lắng.

Công việc thu hái quả sơn tra không chỉ thu hút người lớn mà những em nhỏ cũng tranh thủ thời gian nghỉ hè để phụ giúp bố mẹ.
Anh Mùa A Dính (sinh năm 1974) là người dân sinh sống trên đèo Pha Đin cho biết, hiện tại gia đình anh có gần 1.000 cây sơn tra đã cho thu hoạch quả từ 3 năm nay.

Niềm vui của người dân khi thu hoạch táo mèo. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN 

Trồng cây sơn tra ít bỏ công sức chăm sóc và không mất chi phí phân bón, thuốc trừ sâu lại cho lợi nhuận cao.

Giá bán tuy chênh lệch, dao động từng năm nhưng người dân vẫn có thu nhập ổn định từ việc bán quả tươi, hoặc bán sơn tra khô (thái mỏng phơi khô).

Năm nay, giá quả tươi loại to bán tại chỗ có giá từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng/cân quả tươi, quả loại nhỏ có giá bán từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/cân quả tươi.

Ước tính năm nay sản lượng sơn tra của gia đình thu hái được khoảng 1 tấn, bán ra thị trường cũng thu về được khoản tiền từ 70 đến 90 triệu đồng.
Theo nhiều người dân ở bản Lồng, Hua Sa A, Chế A, Tỏa Tình, Sông Ia… thì hiệu quả kinh tế của cây sơn tra mang lại tốt hơn rất nhiều lần so với trồng sắn, ngô trên nương, ngoài công chăm sóc như nhổ cỏ dưới gốc, loại bỏ cành khô cho cây thì không phải mất công chăm sóc khác.
Nhận thấy giá trị và hiệu quả của cây sơn tra mang lại cao nên nhiều người dân ở xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) và gần 30 hộ dân của bản Pá Không (xã Mường É, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đã mở rộng thêm diện tích trồng sơn tra trên đèo Pha Đin qua từng năm. 

Dù được trồng ở hầu hết 6/7 bản của xã, nhưng bản Lồng và bản Hua Sa A có diện tích cây sơn tra nhiều nhất với gần 120 ha, cho sản lượng từ 15 – 20 tấn quả tươi/ha/năm.
Ông Sùng A Chứ, Phó Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, toàn xã có hơn 520 hộ với hơn 2.300 nhân khẩu, 99% là người dân tộc Mông.

Địa bàn xã có 3 loại cây chủ lực mang lại kinh tế cao cho người dân là sa nhân, táo mèo và cà phê.

Qua quá trình lao động, canh tác và kinh nghiệm đúc rút được từ thực tế, người dân ở đây đã biết khoanh vùng quy hoạch, mở rộng trồng cà phê, sa nhân, táo mèo ở những vùng có độ cao khác nhau giúp cây trồng thích nghi, phát triển tốt.
Ở những vùng có độ cao dưới 700 m, cây cà phê được lựa chọn là cây trồng phù hợp; ở độ cao từ 800 - 1.000 m, người dân trồng cây sơn tra và ở độ cao trên 1.000 m lại trồng cây sa nhân.

Đặc tính cây sơn tra là ưa lạnh, vùng Tỏa Tình lại nằm ở độ cao từ 700 đến hơn 1.000 m so với mực nước biển, cùng với khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù nên Tỏa Tình rất thích hợp để nhân rộng loại cây trồng có giá trị này.
Cũng theo ông Sùng A Chứ,  khu vực người dân bày bán sơn tra nhiều, tập trung ở khu vực đỉnh đèo Pha Đin vì nơi này là điểm dừng chân trên Quốc lộ 279 của du khách đi tuyến Điện Biên về xuôi và ngược lại.

Nhiều hộ dân sinh sống tại khu vực đèo Pha Đin cũng đã dựng gian hàng, bán các mặt hàng chế biến từ qua sơn tra để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách miền xuôi, như: sơn tra khô, rượu ngâm sơn tra, mứt táo…
Được biết, thực hiện đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Điện Biên giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, trong các loại sản phẩm đăng ký ngoài dưa mèo, sa nhân xanh thì sơn tra cũng nằm trong danh mục mà xã Tỏa Tình lựa chọn.
Theo chính quyền xã Tỏa Tình, ngoài lợi ích kinh tế thì cây sơn tra còn đóng vai trò bảo vệ môi trường sinh thái, tăng tỷ lệ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước, chống xói mòn; đồng thời giúp bà con dân tộc Mông định canh, định cư và tạo sinh kế ổn định cho người dân.

Tuy nhiên, cái khó khăn lớn nhất cho người trồng cây sơn tra trên địa bàn là thị trường bao tiêu sản phẩm quả sơn tra chưa ổn định nên giá cả bấp bênh theo từng năm, điệp khúc “được mùa, rớt giá” vẫn xảy ra đối với quả sơn tra.
Những năm qua, huyện Tuần Giáo cũng đã có giải pháp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, như: khuyến khích các doanh nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, trong và ngoài tỉnh liên kết với nhân dân để trồng, thu hoạch, bao tiêu sản phẩm.

Qua tìm hiểu, Dự án Nhà doanh nghiệp theo mô hình cung cấp giống, chăm sóc cây cho đến việc cam kết thu sản phẩm cũng đang được xây dựng tại địa bàn xã Tỏa Tình.
Khi Dự án này đi vào hoạt động thì giá trị sản phẩm từ quả cây sơn tra càng được khẳng định, kinh tế của người dân trồng cây sơn tra ở Tỏa Tình sẽ có sự phát triển ổn định hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục