Cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu "Nghệ Chí Tân - Khoái Châu".

21:00' - 14/10/2018
BNEWS Sản phẩm nghệ Chí Tân của huyện Khoái Châu (Hưng Yên) vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng nhãn hiệu "Nghệ Chí Tân - Khoái Châu".

Đây là sản phẩm thứ 13 của tỉnh Hưng Yên và cũng là sản phẩm thứ 3 của huyện Khoái Châu (sau gà Đông Tảo và chuối tiêu hồng) được cấp nhãn hiệu bảo hộ. Với mục tiêu xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin với người tiêu dùng, đây là bước tiến mới để sản phẩm nghệ Khoái Châu khẳng định vị thế trên thị trường.
Dự án "Xây dựng, quản lý và phát triển chứng nhận nghệ Chí Tân cho sản phẩm nghệ của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên" được triển khai thực hiện từ năm 2017 với các mục tiêu: tạo lập nhãn hiệu chứng nhận nghệ Chí Tân cho sản phẩm nghệ của huyện Khoái Châu, thực hiện các nội dung quản lý nhãn hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng cường năng lực cho người sản xuất, kinh doanh.

Cùng đó, lập bản đồ vùng, xây dựng quy trình cấp và thu hồi nhãn hiệu, quy chế sử dụng tem nhãn bao bì, quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, quy trình hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc; xây dựng mô hình tổ chức quản lý nhãn hiệu chứng nhận…
Ông Nguyễn Văn Đạt -Trưởng phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu- cho biết, trên địa bàn hiện có gần 300 ha trồng nghệ tại 7 xã.

Trong đó, tập trung nhiều nhất ở Chí Tân với hơn 130 ha; các diện tích còn lại thuộc các xã: Đại Hưng, Thuần Hưng, Nhuế Dương, Thành Công, Đại Tập, Liên Khê. Trồng nghệ công chi phí thấp, dễ chăm sóc, thu lãi ổn định, mỗi ha đạt sản lượng 30 tấn, cho lãi 150 triệu đồng; cùng với thu nhập từ tròng xen canh lạc, đỗ sẽ cho tổng mức lãi khoảng hơn 200 triệu đồng, hiệu quả gấp 4 lần cấy lúa.
Khoái Châu hiện đã có hơn 20 cơ sở thu mua, sản xuất, sơ chế, bảo quản, kinh doanh nghệ, trong đó có nhiều cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, các cơ sở này quy mô còn nhỏ, cơ sở vật chất còn hạn chế, rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương để nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, để nâng tầm chất lượng và giá thành sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Hoàng Văn Tựu, Phó Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu cho biết, huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã quy hoạch vùng sản xuất, phát triển các cơ sở kinh doanh, chế biến, đồng thời tìm đầu ra cho cây Nghệ, xây dựng và quảng bá thương hiệu Nghệ Khoái Châu đến khắp các thị trường trong và ngoài nước, tổ chức các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại, hướng đến xuất khẩu.
Huyện Khoái Châu cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên, Công ty phát triển tài sản trí tuệ Việt tập huấn, hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cho từng công đoạn, hình thành chuỗi mô hình sản xuất nghệ an toàn cho các hộ dân, tăng cường cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dân, quy hoạch vùng chuyên canh tập trung để nghệ trở thành cây trồng chủ lực.

Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa theo hướng VietGap nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo uy tín với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục