Cạnh tranh với taxi công nghệ: Taxi truyền thống phải làm gì?

10:23' - 01/12/2018
BNEWS Trước sự cạnh tranh gay gắt của taxi công nghệ và để giữ chân khách hàng, các hãng taxi truyền thống buộc phải thay đổi chính mình qua việc đầu tư công nghệ, dịch vụ.
Cạnh tranh với taxi công nghệ, taxi truyền thống phải thay đổi chính mình. Ảnh minh họa: TTXVN

Trước sự cạnh tranh gay gắt của taxi công nghệ và để giữ chân khách hàng, các hãng taxi truyền thống buộc phải thay đổi chính mình qua việc đầu tư công nghệ, dịch vụ; đồng thời phải đưa ra mô hình hoạt động mới nhằm cạnh tranh sòng phẳng với taxi công nghệ.

* Tạo sức mạnh bằng liên kết “bó đũa”

Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, thị trường taxi truyền thống của Việt Nam hiện vẫn tồn tại manh mún, nhỏ lẻ nên khó có sức cạnh tranh với Grab (taxi công nghệ). Đặc biệt khi Grab ngày càng phát triển và chiếm lĩnh thị trường taxi công nghệ ở Việt Nam.

Để cạnh tranh với hãng taxi công nghệ Grab, ba hãng taxi lớn nhất Hà Nội là taxi Thành Công, Ba Sao và Sao Hà Nội vừa chính thức sáp nhập thành một với thương hiệu G7 Taxi.

Ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc G7 Taxi cho hay, Hà Nội hiện có 70 hãng xe taxi với khoảng 17.000 xe. Tuy nhiên, có rất ít hãng taxi có số lượng trên 1.000 xe nên khó cạnh tranh được với taxi công nghệ Grab. Sau khi hợp tác 3 đơn vị có số lượng phương tiện khoảng 3.000 xe và trở thành thương hiệu taxi có số lượng taxi lớn nhất tại Hà Nội.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Quân, qua nghiên cứu các mô hình phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp…, G7 Taxi đã ra đời dưới mô hình là đơn vị chỉ phát triển thương hiệu vì trong tương lai sẽ không sở hữu một phương tiện nào như các hãng taxi công nghệ khác.

Đại diện lãnh đạo G7 Taxi cho biết, hãng này sẽ áp dụng mức giá cước cạnh tranh nhất trên thị trường, từ 9.900 đồng/km và không áp dụng tăng giá giờ cao điểm. Đây được đánh giá thấp hơn mức cước mà Grab áp dụng ngay cả trong giờ thấp điểm.

Lễ ký kết giữa Nhà cung cấp phần mềm AB GPS với G7 Taxi tại sự kiện ra mắt thương hiệu "G7 Taxi - Chuẩn Taxi chính thống". Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, thương hiệu G7 Taxi ra mắt là bước chuyển biến áp dụng công nghệ thông tin minh bạch, quyền lợi khách hàng và chất lượng dịch vụ được đảm bảo trong cuộc đối đầu với taxi công nghệ như Grab hiện nay

Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) Nguyễn Xuân Thủy nhìn nhận, việc hợp nhất các đơn vị nhỏ lẻ sẽ tạo sự cạnh tranh mang tính quy mô để đẩy mạnh hoạt động vận tải bằng taxi, nâng cao chất lượng dịch vụ. Ở góc độ người sử dụng dịch vụ, điều này đem lại sự tiện lợi, qua đó sẽ tạo được sự cạnh tranh mang tính công bằng, công khai.

Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, Chuyên gia kinh tế khẳng định, việc các hãng taxi truyền thống cùng nhau hợp nhất tạo thành G7 Taxi là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường taxi Việt Nam. Hiện nay chưa bàn đến việc hợp nhất này có mang đến hiệu quả cao hay không vì điều đó cần có thời gian theo dõi, đánh giá tất cả các mặt như chất lượng dịch vụ, giá cả, hiệu quả kinh tế...

Tuy nhiên, việc hợp nhất này là một điểm tích cực cần được khuyến khích, tạo điều kiện để các hãng taxi truyền thống có cơ hội tiếp cận xu thế phát triển hiện đại của thế giới.

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, việc các hãng taxi liên danh, hợp nhất với nhau là một bước đi đúng hướng. Việc hợp nhất doanh nghiệp vận tải với quy mô lớn hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng khoa học công nghệ, các quy trình quản lý hiện đại, nâng cao năng suất lao động, tính chuyên nghiệp... đem lại lợi ích cho khách hàng, người dân; đồng thời cũng tạo ra một đầu mối dễ nhớ, dễ nhận diện hơn cho người dân khi phải nhớ quá nhiều số điện thoại của từng hãng taxi.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giao thông, G7 Taxi sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, với sự khởi đầu đầy lạc quan khi có sự chung sức của các “ông lớn” taxi truyền thống cộng với những chiến lược bài bản dựa trên sự am hiểu nhu cầu thị trường, G7 Taxi được kỳ vọng tạo ra những thay đổi mang tính đột phá trên thị trường taxi trong thời gian tới.

* Đầu tư mạnh về công nghệ

Lễ ra mắt thương hiệu "G7 Taxi - Chuẩn Taxi chính thống". Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Song song với việc hợp nhất để tạo nên số lượng xe taxi lớn nhất Hà Nội, yếu tố công nghệ cũng được G7 Taxi quan tâm hàng đầu. Do đó, G7 Taxi và Công ty TNHH Phát triển Công nghệ điện tử Bình Anh (BA GPS) - một công ty công nghệ chuyên sâu về sản xuất thiết bị và dịch vụ công nghệ cho phương tiện giao thông đã ký hợp đồng cung cấp công nghệ gọi xe.

Ông Đào Thanh Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị BA GPS cho biết, công ty cung cấp cho G7 Taxi giải pháp toàn diện từ phần cứng đến phần mềm. Ứng dụng G7 Taxi có khả năng điều phối tự động, tìm các xe gần khách hàng nhất dựa vào bản đồ số giúp khách hàng được phục vụ nhanh nhất.

“Mỗi lần điều một xe phù hợp nhất sẽ giảm chi phí cho các xe. Từng vùng, từng loại xe, từng thời điểm có thể thiết lập các phương án điều phối khác nhau để tối ưu hóa chuyên biệt. Khách hàng đặt xe nhanh chóng và dễ dàng qua ứng dụng smartphone. Ứng dụng của G7 Taxi tiện lợi hơn với người dùng vì ít thao tác hơn để đặt được xe (không nhất thiết phải chọn điểm đến)”, ông Đào Thanh Anh chia sẻ.

Ngoài ra, ứng dụng G7 Taxi do BA GPS cung cấp có đầy đủ các tiện ích như các ứng dụng khác trên thị trường. Khách hàng sử dụng phần mềm (App) G7 Taxi có thể dễ dàng đặt xe, tra cứu địa điểm, đặt trước cuốc xe… nhanh và tiện lợi như đi taxi công nghệ. Ngoài việc sử dụng App cài trên smartphone để đặt xe, khách hàng có thể sử dụng máy tính, máy tính bảng vào web đặt xe với các tính năng tương tự phiên bản di động.

Đối với khách hàng không có smartphone, vẫy xe trên đường cũng có thể yêu cầu lái xe ước tính trước giá cước chuyến đi thông qua phần mềm của lái xe. Khách hàng gọi qua tổng đài đặt xe, nhưng vẫn đáp ứng được tốc độ điều xe nhanh như gọi qua “công nghệ”.

Khách hàng đặt xe không bắt buộc phải chọn trước nơi đến, tiết kiệm thời gian và tránh được trường hợp không đón được xe vì các lái xe không muốn đón do quãng đường gần.

Chị Nguyễn Kim Oanh (trú tại quận Hà Đông), chia sẻ: “Là người thường xuyên di chuyển bằng taxi nên việc ra đời một thương hiệu mới là G7 Taxi sẽ giúp khách hàng có nhiều lựa chọn. Đặc biệt khi có nhiều hãng cùng cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi. Tuần vừa rồi tôi đã thử dịch vụ của G7 Taxi và nhận thấy có nhiều ưu điểm, việc gọi xe rất nhanh”.

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, việc cùng nhau hình thành các trung tâm taxi và phần mềm sử dụng chung sẽ giúp các hãng taxi truyền thống không chỉ phát huy được tiềm lực nội tại để cạnh tranh với Grab mà còn mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng.

Ông Phan Trọng Tuệ, Giám đốc Truyền thông và Thương hiệu của G7 Taxi cho biết, độ bao phủ thị trường sẽ giúp cho mức thu nhập của lái xe ổn định hơn và dự kiến sẽ tăng 20% ngay khi sáp nhập và 40% khi hoạt động ổn định.

Để có thể phát triển bền vững, G7 Taxi xác định lấy con người làm trọng tâm và sẽ có những chính sách đảm bảo quyền lợi, tăng thu nhập của lái xe. Bởi lái xe có thu nhập tốt, chính sách lao động đảm bảo thì chất lượng phục vụ mới ổn định./.

>> VATA đề nghị các doanh nghiệp taxi không đình công phản đối Grab

>> Vụ Vinasun kiện Grab: Quan điểm của VKSND TP Hồ Chí Minh là gì?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục