Cạnh tranh gia tăng - nguyên nhân khiến giá LNG giảm mạnh tại châu Á trong năm 2019

06:30' - 08/12/2019
BNEWS Các chuyên gia phân tích cho rằng có rất ít cơ hội để chứng kiến một sự tăng trưởng trên thị trường LNG trong tương lai gần, khi nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại.
Tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại một cơ sở khai thác khí đốt ngoài khơi phía Tây Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã giảm 43% trong năm 2019 so với một năm trước đó, do tình trạng cạnh tranh mạnh mẽ khiến nguồn cung vượt xa nhu cầu sử dụng.
Bất chấp việc mùa Đông giá rét đang đến rất gần, giá LNG giao ngay tại châu Á đã giảm xuống chỉ còn khoảng 5,70 USD/mmBtu (triệu đơn vị nhiệt lượng Anh) từ mức hơn 10 USD/mmBtu của cùng kỳ năm ngoái.

Điều này phần lớn bắt nguồn từ sự gia tăng sản xuất khí đốt tại các mỏ mới ở Mỹ, Australia và các nơi khác, khiến nguồn cung dư thừa. Để so sánh, giá LNG thậm chí còn ở mức gần 20 USD/mmBtu vào mùa Đông năm 2014.
Cạnh tranh gia tăng
Vào tháng 5/2019, nhà máy Cameron ở bang Louisiana của Mỹ đã bắt đầu sản xuất hết công suất. Đến mùa Thu, nhà máy Freeport ở Texas cũng tham gia thị trường. Trong khi đó tại Australia và Nga, các dự án nhận vốn đầu tư từ đầu những năm 2010, khi các thị trường mới nổi phát triển nhanh chóng, cũng đã bắt đầu hoạt động.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung tại châu Á một phần là do các công ty khí đốt tự nhiên của Mỹ đang tăng cường xuất khẩu sang khu vực này, nhằm tận dụng các vị trí quá cảnh mới tại Kênh đào Panama - một dự án mới được hoàn thành vào năm 2016, để cung cấp nhiên liệu với giá rẻ và nhanh chóng đến phía bên kia địa cầu.
Xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ đã tăng 60% lên khoảng 22 triệu tấn trong giai đoạn tháng 1-8/2019, với phần lớn trong số này là đến châu Á. Các chuyến hàng đến Nhật Bản đã tăng 60% khi Tokyo tìm cách đa dạng hóa nguồn cung.

Trong khi đó, lượng LNG xuất khẩu sang Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc cũng tăng mạnh, giúp bù đắp đến 90% lượng thâm hụt cho các chuyến hàng từ Mỹ đến Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại.
Hầu hết các trung tâm LNG của Mỹ nằm ở bờ biển phía Đông và dọc theo Vịnh Mexico, có nghĩa là Kênh đào Panama là tuyến đường ngắn nhất và rẻ nhất để vận chuyển LNG đến châu Á ngay cả khi có phí cầu đường. Do đó, đây là tuyến đường rất được ưa chuộng. Tổng cộng có 399 tàu sân bay LNG đã đi qua Kênh đào Panama trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9/2019, so với con số 163 tàu của hai năm trước đó.
Kinh tế toàn cầu ảm đảm
Bên cạnh tình trạng cạnh tranh gia tăng, các chuyên gia cho rằng giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang "hụt hơi" với những xung đột thương mại, nhu cầu sử dụng điện của các khách hàng lớn sẽ chậm lại, cũng là một trong những nguyên nhân làm chỉ số tăng trưởng trên thị trường LNG lao dốc.

Điều này đã dẫn đến sự gia tăng lượng tồn kho LNG đối với các nhà nhập khẩu đến từ châu Âu và Trung Quốc. Trong khi đó, giá LNG giao ngay ở châu Á cũng giảm xuống mức thấp nhất của ba năm, dao động trong khoảng 4 USD/mmBtu vào mùa Hè vừa qua, khi nhu cầu từ các hộ gia đình giảm.
Các công ty điện và khí đốt ở Nhật Bản đã ký hợp đồng dài hạn cho hầu hết số LNG mà họ mua và thông thường, giá LNG nhập khẩu sẽ chuyển động cùng chiều với giá dầu thô. Chính vì vậy, xu hướng giá dầu thô giảm trong thời gian qua đã khiến các công ty điện lực ghi nhận mức doanh thu cao hơn trong giai đoạn nửa năm tính đến tháng 3/2020. Tuy nhiên, đối với một số công ty, giá LNG giảm đang "đè nặng" lên thu nhập của họ.
Cụ thể, công ty năng lượng của Nhật Bản Kyushu Electric Power đã báo cáo doanh thu giảm 13 tỷ yen (tương đương 120 triệu USD), do những bất ổn trên thị trường LNG. Trong khi đó, nhà cung cấp khí đốt tự nhiên Tokyo Gas cũng ghi nhận một khoản chi phí lên đến 7,6 tỷ yen cho Ichthys, một dự án sản xuất LNG ở Australia, nơi Tokyo Gas có cổ phần.

Theo Tokyo Gas, những tổn thất đến từ dự báo giá dầu thô thấp hơn - đơn vị thường được sử dụng để quyết định giá LNG, cùng tiềm năng lợi nhuận thấp hơn từ việc bán loại khí đốt này.
Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu do tờ Financial Times tổ chức vào tháng 11/2019 tại Tokyo, Yasuo Ryoki, cố vấn của một công ty khí đốt của Nhật Bản Osaka Gas, cho hay nếu giá LNG duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, các dự án phát triển có thể dừng lại.
Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh thị trường LNG toàn cầu xuất hiện dấu hiệu bất ổn, Nhật Bản, với vị thế là nước tiêu thụ LNG nhiều nhất, cần có một chiến lược mua sắm trong đó có tính đến biến động cung-cầu, để góp phần điều hòa thị trường.

Theo các nhà nghiên cứu của bộ phận phân tích tài chính lĩnh vực năng lượng Bloomberg New Energy Finance, nhu cầu LNG toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ mức 166 triệu tấn của năm 2017 lên 450 triệu tấn vào năm 2030. Khoảng 86% con số này dự kiến đến từ châu Á./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục