Cảnh báo việc thương lái thu mua bọ ba sọc với giá cao

19:45' - 06/09/2019
BNEWS Ngày 6/9, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đắk Đoa, Gia Lai cho biết, đơn vị vừa có văn bản cảnh báo về việc bắt, thu gom bọ ba sọc (sâu ban miêu) tại huyện.
Trước đó, theo thông tin phản ánh của người dân tại xã Đắk Sơ Mei và xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa về việc thương lái thu mua bọ ba sọc với giá cao từ cuối tháng 8/2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tiến hành kiểm tra thực tế và xác định, người dân tại hai xã trên đang thu gom và tìm bắt bọ ba sọc để bán cho các cửa hàng tạp hóa với giá 1,5 – 1,7 triệu đồng/kg, song chưa rõ mục đích thu mua của các thương lái.

Việc được thu mua với giá cao nên nhiều người dân tại các địa phương này đã đổ xô đi săn lùng, bắt và bán bọ ba sọc; trong đó có cả trẻ em. Cơ quan chức năng xác định, trong quá trình bắt, thu mua, trao đổi đã có một số trường hợp bị rộp da do độc tố cantharidin có trong loại sinh vật này.

Bọ ba sọc có tên khoa học là Cantharis vesicatoria là loại sâu có cánh cứng, màu xanh lục biếc, dài khoảng 15 – 20mm, ngang 4 – 6mm, có đầu hình tim, rãnh dọc ở giữa, sâu đen hình sợi, thân đốt, giữa đầu và thân có chỗ thắt lại, phía trên hai cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc đỏ nhạt,… Loài sâu này thường ký trên lúa, khoai lang, đậu, bầu, bí,… từ tháng 5 đến tháng 11, phân bố trên hầu hết cả nước.

Bọ ba sọc thuộc loại độc bảng A, với độc tố cantharidin là hoạt chất gây phồng da với hàm lượng 0,4%. Nếu dính vào tay cầm và lỡ bôi vào mắt, dụi mắt sẽ làm bỏng rát, tổn thương giác mạc. Hơn nữa, độc tố này đi vào cơ thể người qua đường tiêu hóa sẽ gây ngộ độc nặng, tổn thương dạ dày và ruột, đau bụng, nôn mửa, chảy máu đường tiêu hóa, hoại tử ruột và tử vong.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, dù thường xuất hiện trên các loại cây đậu, lúa,… song tại Gia Lai, thường xuất hiện trong các khu rừng vào khung giờ chiều tối hoặc sáng sớm. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đắk Đoa yêu cầu UBND các xã, thị trấn phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền đến từng thôn, làng, đến từng hộ gia đình để người dân biết về sự nguy hiểm của bọ ba sọc; đồng thời ngừng việc lùng, bắt sâu để phòng ngừa ngộ độc, tuyệt đối không ăn bọ ba sọc.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền cho người dân khi lao động có tiếp xúc với loài sâu này cần sử dụng dụng cụ bảo vệ như đeo kính, gang tay,… tránh tiếp xúc trực tiếp với loài sâu này. Nếu không may tiếp xúc, người dân cần nhanh chóng rửa với nước và đến các bệnh viện, trung tâm y tế để điều trị kịp thời.

“Đây là lần đầu tiên xuất hiện việc thương lái thu mua sâu với mục đích không rõ ràng trên địa bàn. Cùng với việc đưa ra văn bản khuyến cáo của ngành nông nghiệp, công an huyện cũng đang vào cuộc điều tra để làm rõ, ngăn chặn kịp thời các trường hợp tổ chức bắt, mua, bán và gây nuôi bọ ba sọc. Nếu thấy xuất hiện bọ ba sọc trên đồng ruộng, bà con cần sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ loài sâu hại này”, ông Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục