Cảnh báo tác động của các dự án năng lượng tái tạo ở châu Á

20:54' - 10/09/2019
BNEWS Theo cảnh báo của chuyên gia, những dự án năng lượng tái tạo khổng lồ được lên kế hoạch tại châu Á có nguy cơ phá hủy sinh kế của người dân.

Các chuyên gia ngày 10/9 cảnh báo rằng, những dự án năng lượng tái tạo khổng lồ được lên kế hoạch tại châu Á, như công viên năng lượng Mặt Trời và các đập thủy điện, có nguy cơ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp, di dời các cộng đồng dân cư và phá hủy sinh kế của người dân.
Trong bối cảnh các nước tìm cách hạn chế lượng khí thải gây ô nhiễm, một số quốc gia đã chứng kiến quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo nhanh nhất như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.

Tuy nhiên, nhiều nước trong khu vực vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp và ngư nghiệp. Chuyên gia Harjeet Singh, thuộc tổ chức từ thiện ActionAid, nhận định nguy cơ thực sự đặt ra là các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn sẽ làm thay đổi mục đích sử dụng đất và làm tổn thương các cộng đồng dân cư nghèo.
Ông Singh nhấn mạnh cần phải đảm bảo rằng các giải pháp mới không tạo ra tình trạng bất bình đẳng và hủy hoại môi trường nhiều hơn.

Tại khu vực sông Mekong, các nhà khoa học đã cảnh báo khoảng 11 đập chính và 120 đập trên các nhánh sông được lên kế hoạch xây dựng để sản xuất điện sẽ phá hủy dòng chảy vốn yếu ớt của sông và làm tổn thương các cộng đồng phụ thuộc vào nghề đánh bắt và nuôi trồng.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, các kế hoạch phát triển dự kiến cần tới 11 triệu ha đất vào năm 2030 có khả năng gây ra sự dịch chuyển ở quy mô lớn chưa từng có.

Theo kế hoạch, một số vùng đất sẽ được sử dụng để xây dựng các trang trại năng lượng Mặt Trời quy mô lớn.

Đây sẽ là chìa khóa để Ấn Độ đáp ứng cam kết tăng sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo lên 40% vào năm 2030.
Dù vậy, giới chuyên gia lưu ý các quốc gia phải xem xét giải pháp để giảm thiểu sử dụng đất khi lập kế hoạch cho các dự án năng lượng tái tạo.

Nhà phân tích Vibhuti Garg, thuộc Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng tại Ấn Độ, cho rằng các tấm pin Mặt Trời trên mái nhà là một giải pháp. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đang tìm kiếm những mảnh đất không sử dụng cho nông nghiệp.
Các quốc gia bao như Thái Lan và Singapore cũng cho lắp đặt những tấm pin Mặt Trời trên hồ, đập và biển.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng trước, tại các vùng trồng trọt có tiềm năng phát triển năng lượng Mặt Trời lớn, tác động có thể được giảm thiểu bằng cách trồng các loại cây bên dưới những tấm pin Mặt Trời.
Nghiên cứu chỉ ra rằng với tiềm năng sử dụng kép, các hệ thống nông nghiệp có thể làm giảm bớt sự cạnh tranh về đất đai để phát triển năng lượng Mặt Trời, đồng thời tạo ra cơ hội đáng kể cho sự bền vững năng lượng trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục