Cảnh báo an toàn hồ đập tại Lâm Đồng

18:10' - 23/08/2018
BNEWS Các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được đầu tư xây dựng đã lâu, qua thời gian sử dụng một số công trình bị xuống cấp, hư hỏng.

Chiều 23/8, Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng về an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2018.

Tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng đã lâu, qua thời gian sử dụng một số công trình bị xuống cấp, hư hỏng, lòng hồ bị bồi lấp làm giảm dung tích trữ nước; có những công trình tràn xả lũ đã lạc hậu, chưa có cống dưới đập; mái đập chưa được gia cố như hồ thôn 12, xã Đạm B’ri, thành phố Bảo Lộc; hồ 3/2 huyện Di Linh...; tỷ lệ kiên cố kênh mương mới chỉ đạt khoảng 71%.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục Trưởng tổng cục Thủy lợi cho rằng, diện tích cây trồng lớn nên nhu cầu nước tưới cho vùng sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng là rất lớn. Tỉnh Lâm Đồng cần chú trọng an toàn hồ, đập nếu để xảy ra mất an toàn, người chịu trách nhiệm là lãnh đạo tỉnh, không thể lấy lý do thiếu kinh phí không thực hiện các nội dung về giải pháp an toàn. T

hời gian tới tỉnh cần đánh giá chất lượng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị tổ chức quản lý công trình hồ đập nhất là cấp xã. Tổng cục Thủy lợi lưu ý vấn đề quản lý hồ chứa có van xả, rà soát khả năng xả lũ và thoát lũ của hạ du.

Ông Đặng Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ xây dựng cơ bản, Tổng cục Thủy lợi cho rằng, tỉnh Lâm Đồng cần đặc biệt quan tâm lắp đặt thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát kiểm tra, duy tu 78 hồ chứa nước nhỏ hiện đang giao cho xã, doanh nghiệp quản lý; đồng thời chú trọng đào tạo bồi dưỡng kiến thức về an toàn hồ đập cho đội ngũ cán bộ này. Đây là vấn đề rất quan trọng, cán bộ vận hành hồ chứa cần có kiến thức vận hành hồ đập.

Tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kiến nghị, hiện, một số công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng từ lâu không có hồ sơ thiết kế hoặc đã mất hồ sơ thiết kế nên việc cập nhật thông số gặp rất nhiếu khó khăn. Thêm đó, cơ sở dữ liệu đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đã có nhưng còn thiếu các thông số kỹ thuật và chưa thuận tiện trong tìm kiếm, truy cập.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, Chi cục Thủy lợi đã xây dựng đề cương, kinh phí để điều tra hiện trạng công trình thủy lợi, tuy nhiên do nguồn kinh phí còn nhiều khó khăn nên đến nay chưa được phê duyệt.

Đề nghị các bộ, ngành tại Trung ương xem xét hỗ trợ địa phương xây dựng các hồ chứa lớn như: Hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà; hồ Ta Hoét, Hiệp Thuận huyện Đức Trọng; hồ KaZam huyện Đơn Dương; đồng thời, có cơ chế hỗ trợ vốn để địa phương thực hiện lắp đặt các thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện trên địa bàn tỉnh có 430 công trình thủy lợi; trong đó có 220 hồ chứa; 87 đập dâng; 19 trạm bơm; 92 đập tạm và 12 kênh tiêu chủ động cấp nước tưới cho khoảng 43.000 ha đất canh tác, tương đương khoảng 58.000 ha đất gieo trồng.

Trước mùa mưa bão năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố trong toàn tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa trong mùa mưa bão năm 2018. Cụ thể, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn công trình thủy lợi, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định…/.

>>>Tiếp tục phát hiện khoai tây Trung Quốc trộn đất đỏ, mạo danh khoai Đà Lạt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục