Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tác động thế nào đến các nền kinh tế Đông Nam Á?

13:03' - 26/08/2019
BNEWS Các nền kinh tế Đông Nam Á có thể sẽ phải tiếp tục đối mặt với khó khăn từ bên ngoài từ giờ đến cuối năm giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang tác động tiêu cực tới khu vực này

Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản dẫn tờ Nikkei Asia Review cho biết như vậy.

Tuần trước, “quốc đảo Sư tử” đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 từ ngưỡng 1,5-2,5% trước đó xuống còn 0-1%. Quang cảnh vịnh Marina, Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã bắt đầu gây bất lợi cho kinh tế Đông Nam Á kể từ cuối năm ngoái. Theo các số liệu thống kê chính thức, trong quý II/2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 5 trong số 6 nền kinh tế chủ chốt trong khu vực, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, đã giảm so với quý I, trong đó Thái Lan và Singapore là những nước có tỷ lệ tăng trưởng giảm mạnh nhất do nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của các nước này như hàng điện tử bị sụt giảm.

Trong quý II/2019, nền kinh tế Thái Lan chỉ tăng trưởng với tỷ lệ 2,3%, thấp nhất trong gần 5 năm qua. Ngày 19/8 vừa qua, Thái Lan đã hạ dự báo tăng trưởng cho cả năm 2019 xuống còn từ 2,7%-3,2%, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó (từ 3,3% đến 3,8%).

 Tỷ lệ tăng trưởng của Singapore trong quý II năm nay chỉ đạt 0,1%, thấp nhất trong 10 năm qua do sự sụt giảm trong ngành điện tử. Tuần trước, “quốc đảo Sư tử” đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 từ ngưỡng 1,5-2,5% trước đó xuống còn 0-1%.  

Các nước khác trong khu vực này có vẻ ít bị tổn thương hơn với các nhân tố bên ngoài nhưng các số liệu thống kê quý II vừa qua cho thấy căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung và kinh tế toàn cầu suy giảm cũng đã tác động tới các nền kinh tế này.

Tăng trưởng ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, đã chạm mức thấp nhất trong 2 năm khi chỉ đạt 5,05% trong quý II do sự giảm giá của nhiều mặt hàng xuất khẩu như dầu cọ.

Việt Nam cũng chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng nhẹ khi GDP tăng 6,7% trong quý II sau khi đạt mức tăng 6,8% trong quý I/2019. Kinh tế Philippines cũng chứng kiến sự suy giảm tương tự, từ 5,6% xuống còn 5,5%.

Trong khi đó, Malaysia đạt tốc độ tăng trưởng 4,9% trong quý II, tăng 0,4% so với quý trước đó, nhờ đà tăng trưởng 7,8% của chi tiêu dùng của khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Malaysia vẫn tỏ ra thận trọng khi nhận định những rủi ro do sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu trong bối cảnh các căng thẳng thương mại vẫn tiếp diễn.

Nhà phân tích Margaret Yang tại công ty CMC Markets ở Singapore nhận định các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ phải đối mặt với những bất lợi toàn cầu do sự suy giảm sản xuất, các rủi ro thương mại và sự tái bố trí các chuỗi cung ứng trong một vài quý tới.

Cùng với việc cắt giảm lãi suất, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ cần tiến hành các biện pháp kích thích tài chính, giảm thuế và tạo việc làm nếu xảy ra sự suy thoái nghiêm trọng.

Do đà tăng trưởng quý II suy giảm và môi trường bên ngoài bất ổn, chính phủ và các ngân hàng trung ương ở khu vực đang phải đối mặt với áp lực vực dậy nền kinh tế thông qua các biện pháp tiền tệ và tài khóa trong những tháng sắp tới.

Ngày 23/8 vừa qua, Thái Lan đã công bố gói kích thích có tổng trị giá 316 tỷ baht (10,2 tỷ USD) để hỗ trợ cho nông dân và những người có thu nhập thấp tăng chi tiêu dùng trong nước.

Tuần trước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết tình hình hiện tại không cho phép một biện pháp kích thích ngay lập tức nhưng “nếu tình hình tiếp tục xấu đi, chúng tôi sẽ sớm phản ứng bằng các biện pháp can thiệp phù hợp để duy trì đời sống của người lao động”.

Đầu tháng này, các ngân hàng trung ương Thái Lan và Philippines đã giảm lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ sở xuống tương ứng còn 1,5% và 4,25%. Trong tháng 7, ngân hàng trung ương Indonesia cũng lần đầu tiên giảm lãi suất trong vòng gần 2 năm qua.

Ông Prakash Sakpal, chuyên gia kinh tế tại ING, cho rằng sẽ có thêm một đợt cắt giảm lãi suất nữa ở Thái Lan trong quý IV năm nay. Malaysia cũng có thể giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ sở từ mức 3% hiện nay xuống còn 2,5% vào cuối năm 2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục