Căng thẳng Mỹ-Trung - Thách thức trong năm Chủ tịch ASEAN của Thái Lan

06:30' - 08/01/2019
BNEWS Trong bài viết đăng trên nhật báo Bangkok Post, tác giả Patpon Sabpaitoon nhận định rằng Thái Lan chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2019 vào ngày 1/1/2019 với nhiều thách thức ở phía trước.
Thách thức trong năm Chủ tịch ASEAN ở Thái Lan. Ảnh: TTXVN

Trong bài viết đăng trên nhật báo Bangkok Post, các chuyên gia cảnh báo nước này và ASEAN phải chuẩn bị kỹ lưỡng trước những tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung, đồng thời cần nỗ lực thúc đẩy thương mại tự do.

Ông Piti Srisangnam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc Đại học Chulalongkorn, dự báo 2019 sẽ là một năm khó khăn với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới cùng với khả năng các doanh nghiệp Mỹ chuyển hoạt động sản xuất về nước đe doạ phá vỡ chuỗi giá trị toàn cầu trong khối ASEAN.

Để ngăn chặn hiệu ứng lan truyền của cuộc chiến thương mại trên, ASEAN cần phải tăng tốc đàm phán các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), ASEAN +6 và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Thái Lan với tư cách Chủ tịch ASEAN sẽ phải hỗ trợ các nước ASEAN đứng vững và đảm bảo rằng Hiệp hội này sẽ ủng hộ thương tự do, rộng mở.

Ở một xu hướng khác, quá trình “giảm nhiệt” trong quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc cũng có thể thúc đẩy hai nước này bắt tay hợp tác đầu tư vào các nước trong khu vực, trong đó có các nước ASEAN, tạo ra tình thế cùng thắng cho tất cả các bên.

Ông Piti cũng nhận định chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với nhiều hoạt động diễn ra ở eo biển Malacca và khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò “mắt xích” nối hai đại dương, gần như chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho các nước thành viên. 

Toàn bộ khu vực ASEAN, trong đó có Thái Lan sẽ cần các hiệp định thương mại tự do, trong đó có RCEP, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu của nước này đang bị thu hẹp và nền kinh tế đang trên bờ vực suy thoái.

Thái Lan đang tham gia triển khai kế hoạch “Thái Lan +1”, tập trung vào các nền kinh tế mới nổi thuộc nhóm CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Tuy nhiên, các nền kinh tế này cũng đang tăng trưởng chậm lại, do đó Thái Lan cần đẩy mạnh hoạt động thương mại tự do với các đối tác bên ngoài.

Bà Kaewkamol Pitakdumrongkit, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đa phương thuộc Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam của Singapore (RSIS), cũng lo ngại rằng hiệu ứng tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ là mối đe doạ lớn đối với ASEAN trong năm 2019. Vị giáo sư này đánh giá thoả thuận “đình chiến” 90 ngày sẽ không chấm dứt căng thẳng và xung đột giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. 

Bởi vì, Bắc Kinh có thể dễ dàng nhập khẩu hàng hoá Mỹ để giảm thâm hụt thương mại song phương, nhưng để nước này triển khai các chính sách giải quyết bất bình đẳng thương mại đến mức làm hài lòng chính quyền Tổng thống Donald Trump là gần như không thể. 

Cũng theo bà Kaewkamol, việc Fed tăng lãi suất sẽ gây ra tình trạng bất ổn về tài chính ở một số nền kinh tế, giống như đã từng diễn ra đối với Indonesia và Philippines. Những đợt tăng lãi suất tiếp theo có thể châm ngòi cho tình trạng “thoái vốn” khỏi các nền kinh tế khu vực và kích hoạt tình trạng bất ổn, thậm chí là khủng hoảng tài chính.

Mặt khác bà Kaewkamol cũng cho biết với vai trò Chủ tịch ASEAN, Thái Lan có thể toả sáng trên lĩnh vực an ninh, với lợi thế không phải là chủ thể yêu sách trong tranh chấp lãnh thổ, trong đó có Biển Đông, nước này có thể đóng vai trò là trung gian hoà giải độc lập. Thái Lan sẽ đóng vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc trong việc tiếp tục đàm phán xây dựng, hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Bà nhận định RCEP sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn vào nửa cuối năm 2019 do các nước Ấn Độ, Indonesia, Australia, Thái Lan sẽ tổ chức bầu cử vào đầu năm và dành ưu tiên cho các vấn đề trong nước.

Đồng thời, RCEP cũng sẽ vấp phải những thách thức lớn như thiếu vai trò dẫn dắt rõ ràng và những khác biệt giữa các nước tham gia đàm phán trong một số vấn đề nhất định. Theo đó, các thành viên tham gia RCEP chưa chắc đã kết thúc được đàm phán vào năm 2019.

Ông Piti đánh giá các quan chức và Bộ Ngoại giao, Quốc phòng Thái Lan sẵn sàng và có khả năng để đối phó với những thách thức phía trước nhưng họ cần phối hợp với nhau tốt hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục